Trong vài năm qua, người Mỹ đang tiến hành các cuộc tập trận, thực hành huấn luyện các cuộc không kích và đang nỗ lực gia tăng kho vũ khí hạt nhân. Dưới đây là hai kịch bản lý tưởng và thực tế cho một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ.
Kịch bản "lý tưởng"
Với một kịch bản “lý tưởng”, thứ nhất, vì lý do nào đó, Điện Kremlin sẽ không áp dụng học thuyết quân sự của mình, theo đó, thay vì tấn công hạt nhân phủ đầu, nước Nga chỉ phản ứng trả đũa. Thứ hai, giả sử rằng các cơ quan tình báo của Mỹ và NATO, vì một lý do không thể tưởng tượng được, đã “bỏ qua” sự chuẩn bị công khai cho chiến tranh và việc triển khai tất cả các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.
Theo Hiệp ước START-3, Nga đã tự giảm đến mức "lá chắn hạt nhân", hay còn gọi là "thanh kiếm hạt nhân" sẽ chỉ gồm: đầu đạn hạt nhân được triển khai khoảng 1.550 đơn vị, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo của tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng - khoảng 700 quả.
Cuộc chiến tranh hạt nhân có thể tưởng tượng như sau: Đợt đầu tiên là các cuộc tấn công bằng ICBM và tên lửa đạn đạo, đợt thứ hai là các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình phóng từ máy bay ném bom chiến lược Tu-160M và Tu-95MS. Một đợt thứ ba cũng có thể xảy ra - với những quả bom nguyên tử đánh các mục tiêu còn lại. Và vẫn có thể sau hai đợt tấn công đầu tiên, còn sót lại rất nhiều mục tiêu.
Để giành chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân với Mỹ, Nga sẽ cần phải phá hủy tất cả cơ sở hạ tầng quân sự và tiềm năng công nghiệp quan trọng của đối phương, bắt đầu từ kho vũ khí hạt nhân. Nga sẽ phải tấn công tên lửa vào các hầm chứa ICBM Minuteman, các căn cứ tàu ngầm chiến lược, các căn cứ đồn trú máy bay ném bom chiến lược của Mỹ, các boongke chỉ huy và các kho chứa vũ khí hạt nhân trên đất liền.
Có những tính toán khá thuyết phục rằng, đối với một số lượng lớn các mục tiêu như vậy, Nga chỉ đơn giản là không có đủ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và phải tiến hành liên tục, lần lượt. Đồng thời, tất cả các mục tiêu của Mỹ phải hủy diệt sẽ là các máy bay ném bom chiến lược, mà Không quân kịp cho cất cánh lên không trung và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Ohio. Và điều chưa tính đến là hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, chắc chắn sẽ đánh chặn được một phần ICBM.
Có nghĩa là, ngay cả trong phiên bản lý tưởng nhất đối với Nga - đã sử dụng toàn bộ hoặc gần như toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của mình, sẽ không thể "xóa sổ" hoàn toàn tiềm lực quân sự của Mỹ. Hầu hết các ngành công nghiệp sẽ vẫn tồn tại; sẽ có tổn thất trong dân chúng với khoảng 20-30 triệu trong số 330 triệu người bị cướp đi sinh mạng.
Đáng nói, thương vong của người dân Nga từ cuộc tấn công hạt nhân trả đũa sẽ cao hơn rất nhiều, vì dân Nga chủ yếu sống tập trung tại vài chục siêu đô thị, nơi sẽ trở thành những ngôi mộ tập thể phóng xạ. Trong khi đó, người Mỹ sống trong những ngôi nhà một tầng trên những khu vực rộng lớn, với số lượng gấp nhiều lần của Nga, cũng giúp họ tránh được thảm cảnh này.
Đồng thời, các căn cứ quân sự chính của Mỹ ở nước ngoài sẽ vẫn còn nguyên vẹn; xung quanh biên giới Nga, khối NATO ở phía tây, cũng như Nhật Bản - ở phía đông, chắc chắn sẽ tham gia vào quá trình băm vằm và chia cắt lãnh thổ Nga. Lưu ý rằng đây là một kịch bản “lý tưởng”, khi Nga đã sẵn sàng và vì một lý do nào đó, đã tấn công trước.
Kịch bản thực tế
Trong thực tế, mọi thứ có thể bi quan hơn nhiều. Ngay cả khi điện Kremlin, vì một lý do nào đó, quyết định tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu, thì việc chuẩn bị cho một hành động như vậy, về nguyên tắc, không thể không bị phát hiện. Nếu Lầu Năm Góc nhận thấy việc triển khai các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga không dừng lại sau những cảnh báo từ Washington, rất có thể Mỹ sẽ tấn công phủ đầu vào các cấu phần quan trọng trong "bộ ba hạt nhân" Nga.
Ở đây, những đối tượng đầu tiên tham chiến là các SSBN của Mỹ với ICBM Trident-2, có thể đánh sập một phần đáng kể cơ sở hạ tầng quân sự của Nga. Nga gần như không có gì để chiến đấu với các tàu ngầm "Ohio", bởi vì Nga là một "cường quốc trên bộ" và Nga không thực sự cần hạm đội. Đáng sợ nữa là các đòn tấn công bằng xe tăng vào St. Petersburg và Moscow từ Ba Lan và các nước Baltic. Sau đó, các ICBM và hàng không chiến lược của Mỹ sẽ vào cuộc.
"Chiếc ô" phòng thủ tên lửa thực sự hiệu quả chỉ được tạo ra xung quanh Moscow. Tất cả các trung tâm khu vực khác, nơi đặt các nhà máy quân sự, sẽ là mục tiêu vũ khí hạt nhân của Lầu Năm Góc.
Tất cả điều này được nói một cách phỏng đoán và bất kỳ kịch bản nào cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, chiến tranh hạt nhân trong thế kỷ 21 không phải là điều gì đó không tưởng và sẽ không dẫn đến sự cáo chung của toàn cầu. Vũ khí hạt nhân là một biện pháp răn đe quan trọng nhưng không phải là thuốc chữa bách bệnh.
Người Mỹ, người châu Âu hoặc người Nhật có thể sợ hãi "nút đỏ" của Nga. Lưu ý rằng ở Nga, bản thân Moscow cũng rất lo lắng về một viễn cảnh như vậy
Gần đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhận định: "Chúng ta lo lắng rất nhiều về những gì đang xảy ra đối với người Mỹ về thái độ của họ với vai trò của vũ khí hạt nhân. Họ đang hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân và họ đang chuẩn bị về mặt lý thuyết cũng như vật chất cho việc này."
Mỹ đã phát triển và đặt trong tình trạng báo động đối với các tàu ngầm hạt nhân mang đầu đạn hạt nhân công suất thấp W76-2 và hiện có kế hoạch tăng thêm số lượng bom hạt nhân chiến thuật của mình trong đợt sửa đổi B61-12, đưa số lượng bom lên tới 480 quả. Những quả bom này sẽ dành cho "đợt tấn công thứ ba" hoặc chống lại kẻ thù yếu hơn không có hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại.