Vì sao Bàn Môn Điếm có thể được chọn cho Thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Trần Khánh |

Trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý: “Thượng đỉnh Mỹ-Triều nên được tổ chức ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm”.

Thành công từ Thượng đỉnh liên Triều

Lời gợi ý này tiếp tục được Tổng thống Mỹ nhắc lại sau đó: “Rất nhiều quốc gia đang được cân nhắc làm địa điểm cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, nhưng liệu Nhà Hòa Bình/Nhà Tự Do nằm giữa biên giới liên Triều có mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, quan trọng và lâu bền hơn là ở một bên thứ 3 hay không? Tôi chỉ hỏi vậy thôi!”.

Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều diễn ra hồi cuối tuần trước đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Trong bầu không khí lạc quan và các cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở, hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhất trí sẽ tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và ký kết Hiệp ước Hòa bình vào cuối năm nay.

Theo tờ New York Post, Bàn Môn Điếm rất đáng được cân nhắc để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều đặc biệt là sau thành công của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Từ kết quả đầy tích cực của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều, nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng sẽ được tổ chức tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Thậm chí, một số sự kiện quan trọng sẽ diễn ra tại các khu vực nằm ở phía Triều Tiên.

Cũng theo các chuyên gia, việc lựa chọn Bàn Môn Điếm là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ mang lại nhiều lợi thế cho cả Mỹ và Triều Tiên. Đầu tiên, các cơ sở vật chất phục vụ cho báo chí đã sẵn có từ Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều và quan trọng hơn, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ “cảm thấy thoải mái hơn” khi không phải di chuyển quá xa khỏi đất nước.

Hơn thế nữa, chính phía Hàn Quốc cũng ủng hộ phương án này. Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng, Bàn Môn Điếm là địa điểm giàu ý nghĩa để tổ chức các sự kiện nhằm hàn gắn sự chia rẽ và thiết lập một dấu mốc lịch sử cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Chẳng phải Bàn Môn Điếm sẽ là địa điểm mang tính biểu tượng nhất sao?”.

Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi chứng kiến những hình ảnh quay trực tiếp từ Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều cũng cảm thấy hào hứng với triển vọng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại khu vực làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

Phát biểu sau cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Chúng tôi sẽ công bố địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều trong vài ngày tới.

Có một vài điều khiến tôi cảm thấy hào hứng trước viễn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ được tổ chức tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, chúng tôi có thể tổ chức lễ ăn mừng lớn ngay tại địa điểm lịch sử này chứ không phải ở một nước thứ 3”.

Các chuyên gia nhận định, ông Trump muốn xuất hiện trong “những khoảnh khắc làm nên lịch sử” khi ông trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông Trump cũng muốn thực hiện cái bắt tay “xuyên biên giới” như lãnh đạo Hàn-Triều cũng như khoảnh khắc ông được nhà lãnh đạo Kim Jong-un mời “bước chân sang lãnh thổ Triều Tiên".

Singapore- phương án dự phòng không tồi

Tuy nhiên, nhiều trợ lý của ông Trump lại bày tỏ lo ngại vì sự “hào hứng có phần quá mức” của Tổng thống Mỹ về khả năng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều được tổ chức tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Giới chức Mỹ cho rằng, điều này khiến ông Trump trở nên “nhượng bộ quá đà” với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Chính vì thế, giới chức Mỹ vẫn đang thảo luận về khả năng coi Singapore là phương án dự phòng và cho rằng, điều này sẽ giúp Tổng thống Trump “có được một lựa chọn mang nhiều tính trung lập hơn”.

Ngoài ra, Singapore cũng là một lựa chọn không tồi khi quốc gia Đông Nam Á này vừa là đồng minh thân cận của Mỹ vừa có quan hệ ngoại giao mật thiết với Triều Tiên. Điều này đặc biệt quan trọng bởi hiện trên thế giới không có nhiều nước có Đại sứ quán đặt tại Triều Tiên.

Tuy nhiên, phương án Singapore bộc lộ điểm bất cập rất lớn, đó là khoảng cách từ Triều Tiên đến Singapore là khá xa và sẽ rất khó để thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên rời khỏi đất nước để đến một quốc gia mà việc bảo đảm an ninh cho ông vẫn là một câu hỏi lớn.

Ulan Bator- địa điểm kỳ lạ nhưng rất đáng cân nhắc

Một địa điểm thoạt nghe có vẻ bất thường nhưng lại được cả Mỹ và Triều Tiên từng đề xuất trước đó là thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ nằm ở phía Tây Bắc Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, điều này xuất phát từ việc, cũng như Singapore, Ulan Bator có quan hệ ngoại giao với cả Bình Nhưỡng và Washington khiến địa điểm này mang tính trung lập với cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ngoài ra, Ulan Bator đặc biệt gần với Bình Nhưỡng và nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi chỉ phải di chuyển quãng đường rất ngắn để đến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Bà Jenna Gibson- Giám đốc Truyền thông của Viện Kinh tế Hàn Quốc- nhận định: “Mông Cổ rất hào hứng trước khả năng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Họ đã công khai tuyên bố muốn làm nước chủ nhà cho sự kiện này. Mông Cổ muốn trở thành Thụy Sĩ của châu Á [ám chỉ mang tính trung lập cao-ND] và muốn trở thành một đối tác tốt với cả Mỹ và Triều Tiên”.

Tuy nhiên, Mông Cổ cũng không phải là địa điểm lý tưởng bởi như vậy, ông Trump sẽ phải di chuyển xa hơn ông Kim Jong-un rất nhiều và điều này có thể bị coi là Tổng thống Mỹ buộc phải “xuống nước” trước đối thủ.

Ông Jean Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson, kết luận: “Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên cần một địa điểm có thể vừa đảm bảo an ninh cho họ, vừa giúp họ thoải mái gặp gỡ nhau. Rõ ràng, không có nhiều địa điểm thỏa mãn được cả 2 yêu cầu này”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại