Ngạch Nhĩ Đức Đặc Văn Tú (1909-1953), được biết đến với tên gọi Thục phi Văn Tú, là Hoàng phi của vua Phổ Nghi, vị Hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Thanh cũng như trong lịch sử Trung Quốc.
Năm 1931, Thục phi Văn Tú trở nên nổi tiếng với danh hiệu "Hoàng phi cách mạng" vì là vị phi tần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa chủ động ly hôn với Hoàng đế.
Ngạch Nhĩ Đức Đặc Văn Tú (1909-1953)
Văn Tú sinh ra trong một gia đình quý tộc quan lại giàu có thuộc Tương Hoàng Kỳ của Mãn Châu. Tuy nhiên, đến đời cha Văn Tú là Đoan Cung thì cơ nghiệp gia đình bất đầu sa sút dần.
Mẹ Văn Tú là Tưởng thị, vợ thứ của Đoan Cung, có hai người con gái với ông là Văn Tú và Văn Sách. Đến khi Đoan Cung mắc bệnh qua đời, mẹ Văn Tú phải một mình nuôi hai con gái ruột và người con gái của vợ cả đã mất từ sớm của Đoan Cung.
Cuộc sống trong Tử Cấm Thành
Năm 1921, Hoàng đế Phổ Nghi tròn 16 tuổi và bắt đầu việc tuyển vợ.
Trong vô số những bức ảnh các cô gái danh giá được gửi về cho Hoàng đế lựa chọn thì có hai cô lọt vào mắt xanh của ngài, chính là Uyển Dung và Văn Tú. Kết quả, Uyển Dung khi đó 17 tuổi được lựa chọn làm Hoàng hậu còn Văn Tú mới chỉ 14 tuổi được lựa chọn làm Hoàng phi.
Hoàng hậu Uyển Dung và Thục phi Văn Tú.
Thục Phi Văn Tú được đưa vào hậu cung ngày 29 tháng 11 năm 1922, trước Uyển Dung một ngày nhưng đêm động phòng Phổ Nghi lại không sủng hạnh bà vì sáng hôm sau còn phải cử hành đại hôn với Hoàng hậu Uyển Dung.
Uyển Dung sau khi được phong hậu, luôn lấy thân phận chính thất để lấn lướt, tranh đoạt sủng ái của Phổ Nghi với Văn Tú.
Uyển Dung thậm chí còn chủ trương chỉ nên một vợ một chồng, do vậy cực lực phản đối chuyện Hoàng đế lấy vợ bé. Đến bữa, Văn Tú không được ăn cùng Hoàng đế và Hoàng hậu mà phải ăn một mình.
Hoàng đế Phổ Nghi và Hoàng hậu Uyển Dung chụp hình cùng các vị khách phương Tây.
Tiếng là vợ chồng nhưng Văn Tú chưa một lần được yêu mà phải cô quạnh sống trong cung như chiếc bóng. Sau đó, Phổ Nghi cũng động lòng với hoàn cảnh của Văn Tú vì vậy đã mời một giáo viên tới dạy tiếng Anh cho Hoàng phi của mình.
Văn Tú học rất chăm, tiến bộ rất nhanh, tư tưởng cũng từ đây mà bắt đầu trở nên cởi mở hơn. Văn Tú cũng dần dần nuôi dưỡng niềm yêu thích với văn học, các loại sách văn học đã trở thành người bạn của Văn Tú suốt những tháng ngày phải sống cô độc trong hoàng cung nhà Thanh.
Quyết định ly hôn táo bạo nhất thời đại bấy giờ
Tuy nhiên quãng thời gian bình yên bên kiến thức sách vở của Văn Tú không kéo dài được bao lâu thì Hoàng thất nhà Thanh bị quân phiệt Phùng Ngọc Tường ép rời khỏi Hoàng cung, kết thúc thời kỳ hoàng kim của Hoàng thất nhà Thanh vào ngày 5/11/1924.
Sau khi rời khỏi cung, Phổ Nghi đã không ít lần kêu gọi sự tương trợ của Nhật Bản để giúp mình đòi lại vương vị.
Bằng kiến thức cũng như sự uyên bác của mình, Văn Tú đã nhiều lần khuyên nhủ Phổ Nghi không nên làm vậy vì cho rằng quân Nhật chắc hẳn cũng không tốt đẹp gì, bởi chả mấy ai tự nhiên chịu giúp đỡ người khác không công.
Tuy nhiên, Phổ Nghi một mực đối đầu với Văn Tú trong tư tưởng, ông cho rằng Văn Tú là phụ nữ không biết gì mà lại đòi xen vào chuyện chính trị. Cũng từ thời điểm này, ông dần dần ghét bỏ và đối xử tồi tệ với Văn Tú.
Phổ Nghi không những không nghe lời khuyên của Văn Tú mà còn quay ra ghét bỏ bà vì đã can thiệp vào chuyện chính sự.
Cảm thấy không thể chịu đựng cuộc sống như thế này thêm được nữa, Văn Tú liền tìm hiểu luật và phát hiện ra rằng khi Phổ Nghi rời khỏi cung thì ông cũng như một công dân bình thường của Trung Hoa dân quốc, chưa kể thời điểm bấy giờ chế độ bình quyền và bài trừ phân biệt đối xử cũng được chính phủ nêu cao.
Đánh liều một phen, Văn Tú trốn ra ngoài và đệ đơn kiện lên tòa án yêu cầu ly hôn với Phổ Nghi. Trong đơn kiện có viết như sau:
"Kiện Phổ Nghi ngược đãi Văn Tú đến mức không thể chịu đựng được nữa. Phổ Nghi mắc bệnh yếu sinh lý, ở cùng nhau 9 năm mà chưa từng sủng hạnh Văn Tú lần nào. Vì thế, Văn Tú quyết định ly hôn và yêu cầu mỗi tháng Phổ Nghi phải cung cấp 500 ngàn tiền sinh hoạt phí".
Đơn kiện của Văn Tú khiến Phổ Nghi vừa giận vừa thẹn vì nó làm tổn thương nghiêm trọng tới sĩ diện của hoàng thất triều Thanh cũng như thân phận "hoàng thượng" của ông.
Tuy nhiên, mặc cho thái độ của Phổ Nghi ra sao, các tờ báo tại Nam Kinh và Thiên Tân vẫn liên tục cho đăng tải các thông tin liên quan tới việc Văn Tú đòi ly hôn với cựu hoàng Phổ Nghi, gọi cô là một "Hoàng phi cách mạng".
Văn Tú được báo chí thời bấy giờ gọi với cái tên "Hoàng phi cách mạng".
Chính nhờ sức mạnh của dư luận, Văn Tú đã thắng kiện, kết quả là vào ngày 22/10/1931, sau nhiều ngày đàm phán, cuối cùng Phổ Nghi cũng ký vào tờ giấy ly hôn gồm 3 điều kiện kèm theo:
Một là, sau khi ly hôn Phổ Nghi phải cung cấp cho Văn Tú 550 ngàn tiền sinh hoạt phí; hai là, Phổ Nghi phải đồng ý để Văn Tú mang theo những đồ dùng và quần áo thường ngày của mình; ba là, sau khi Văn Tú về Bắc Bình sống nhất định không được làm việc gì ảnh hưởng tới danh dự của Phổ Nghi.
Những năm tháng cuối đời
Sau ly hôn, Văn Tú đã chuyển đi sống nhiều nơi, làm qua nhiều công việc nhờ trí thông minh và sự nhanh nhẹn của mình. Tuy nhiên cảm thấy dư luận làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống, cuối cùng cô chuyển tới một căn nhà nhỏ ở Bắc Bình, kết hôn cùng người đàn ông tên Lưu Chấn Đông.
Ngày 18/9/1953, vị Hoàng phi cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc qua đời trong căn nhà vẻn vẹn 10 mét vuông. Năm đó, Văn Tú mới 45 tuổi.
(Tổng hợp)