Kết hôn cận huyết là một chuyện phổ biến trong thời phong kiến ngày xưa, bởi vì có lợi trong vấn đề duy trì sự thống trị của hoàng tộc.
Trường hợp Trương Hoàng hậu là một ví dụ điển hình khi phải thành thân với cậu ruột lớn tuổi hơn mình rất nhiều.
Bà là Trương Yên, là con gái của Lỗ Nguyên Công chúa, cháu ngoại của Lã Hậu, sau này đã trở thành hoàng hậu của Hán Huệ Đế Lưu Doanh.
Trương Yên cực kỳ xinh đẹp đến mức có một lần, khi Lỗ Nguyên Công chúa đưa con gái vào cung thăm Lã Hậu và Lưu Bang, Lưu Bang sau đó đã nói với nhân tình, Thích phu nhân, rằng: "Hiện tại dung mạo của nàng không ai sánh bằng, nhưng khi Trương Yên lớn lên, nhan sắc của nó nhất định sẽ vượt qua nàng".
Năm Trương Yên 11 tuổi, khi chỉ là một cô bé ngây thơ, đã trở thành vật hi sinh cho mục đích chính trị. Năm 195 TCN, Hán Cao Tổ Lưu Bang băng hà, Hán Huệ Đế Lưu Doanh kế vị.
Lã Hậu đã chọn cháu gái Trương Yên trở thành hoàng hậu của Hán Huệ Đế, cữu cữu (cậu) của mình.
Nhưng may mắn, Lưu Doanh đối xử với hoàng hậu của mình rất tốt, thấy bất cứ món ngon vật lạ đều nghĩ đến bà trước tiên.
Từ góc nhìn của những người xung quanh, họ là một đôi phu thê ấm áp, nhưng trên thực tế Lưu Doanh và Trương Yên không ngủ chung giường.
Hoàng đế đã cho đặt hai chiếc giường trong tẩm thất. Từ đấy có thể nhận ra, sự yêu thích của Lưu Doanh đối với Trương Yên chỉ xuất phát từ tình thân.
Nhân vật Trương Yên trong phim Mỹ nhân tâm kế.
Vì muốn củng cố quyền thống trị của mình, Lã Hậu luôn hi vọng Trương Yên có thể sinh ra người kế thừa Lưu Doanh, như thế thì giang sơn nhà Hán sẽ luôn thuộc về Lã thị.
Nhưng lúc đấy, Trương Yên còn quá nhỏ tuổi để mang thai. Chính vì thế, Lã Hậu đã chỉ dạy bà một kế sách: Giả vờ mang thai, sau đó nuôi nấng đứa bé do cung nữ sinh ra. Đứa bé đó chính là Lưu Cung, con trai của cung nữ họ Mỗ và Lưu Doanh.
Lã Hậu đã cho người giết chết mẹ ruột của Lưu Cung và lập đứa bé này thành Thái tử.
Lưu Doanh sau đó phát hiện chân tướng sự việc, hận mẹ nhẫn tâm rồi sinh bệnh liệt giường. Năm 188 TCN, Lưu Doanh qua đời ở cung Vị Ương.
Tháng 9 cùng năm, Lã Hậu chôn cất Lưu Doanh, đứa con duy nhất của mình, ở An Lăng; sau đó lập đứa bé mà Trương Yên nuôi dưỡng thành Hoàng đế, sử sách gọi là Tiền Thiếu Đế.
Vì Tiền Thiếu Đế còn quá nhỏ, Lã Hậu trở thành Hoàng Thái hậu, đăng triều nhiếp chính. Còn Trương Yên không được tôn thành Thái hậu, vẫn là Hoàng hậu.
Năm 184 TCN, Lưu Cung khi lớn lên biết được Trương Yên không phải mẹ ruột của mình đã rất phẫn nộ: "Hoàng hậu sao lại có thể giết mẹ ruột của ta, sau đó buộc ta trở thành con của bà?
Sau khi trưởng thành, ta nhất định phải báo thù cho mẹ ruột". Sợ Lưu Cung không còn trong kiểm soát của mình, Lã Hậu quyết định giết chết Hoàng đế trẻ tuổi.
Năm 180 TCN, Lã Hậu qua đời, Lưu Hằng trở thành Hoàng đế, lấy hiệu Hán Văn Đế. Biết Trương Yên chỉ là nạn nhân của Lã Hậu, nên Hoàng đế đã tha chết cho bà.
Dù giết gia tộc Lã Hậu thì ông vẫn để Trương Yên làm Hoàng hậu trên danh nghĩa. Bà đã tiếp tục sống trong thầm lặng 17 năm nữa. Trương Hoàng hậu mất năm 40 tuổi, được chôn cất trong An Lăng của Hán Huệ Đế.
Lúc Trương Yên mất là đã 29 năm từ khi bà thành thân, nhưng khi cung nữ tịnh thân trước khi chôn cất mới phát hiện thân thể của bà vẫn còn trinh tiết, vẫn còn "băng thanh ngọc khiết".
Hóa ra, cả cuộc đời của bà chỉ là một công cụ củng cố quyền lực của những kẻ khác.
Tin tức này truyền đi nhanh chóng, thần dân sau khi nghe được đều cảm thấy thương tiếc và đau lòng cho bà, lần lượt đề xuất xây dựng một ngôi miếu riêng cho bà và gọi bà là Hoa Thần.