Vén màn thiệt hại 'dài hơi' cho hải quân Mỹ từ hỏa hoạn tàu chiến mới được dập tắt

Minh Đức |

CNN đăng tải, vụ cháy lớn mới đây trên một tàu chiến Mỹ cuối cùng đã được dập tắt sau 4 ngày nhưng hệ quả mà nó để lại cho Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Theo Hải quân Mỹ, mức độ thiệt hại thực tế sau vụ hỏa hoạn trên tàu USS Bonhomme Richard vẫn chưa được xác định. Các kỹ sư cần phải vào được bên trong con tàu – vốn đang được bảo dưỡng tại một cảng ở San Diego, mới có thể đưa ra được đánh giá cuối cùng.

"Chúng tôi sẽ điều tra toàn bộ những gì đã xảy ra để có thể rút ra bài học từ thảm họa kinh hoàng này", Đô đốc Mike Gilday của Hải quân Mỹ nói.

Còn Phó Đô đốc Philip Sobeck, chỉ huy trưởng Nhóm Tấn công Viễn chinh 3 cho hay: "Vẫn còn quá sớm để đưa ra dự đoán hoặc cam kết về tương lai của con tàu. Liệu nó có được sửa chữa hay không sẽ được quyết định sau".

Ngọn lửa có nhiệt độ lên tới 650 độ C đã phá hủy phần lớn các trang thiết bị trên tàu và khiến con tàu dài 260 m bị phủ trong những lớp khói dày. Cho tới tận hôm thứ 5 (16/7), đám cháy mới bị dập tắt hoàn toàn.

Vén màn thiệt hại dài hơi cho hải quân Mỹ từ hỏa hoạn tàu chiến mới được dập tắt - Ảnh 1.

Trực thăng của Hải quân Mỹ phun nước dập lửa trên tàu Bonhomme Richard hôm 14/7 (ảnh: US Pacific Fleet)

Các tác động lâu dài của vụ hỏa hoạn được đánh giá là không hề nhỏ. USS Bonhomme Richard có kết cấu giống như một tàu sân bay cỡ nhỏ và đã được nâng cấp để có thể chứa những phi cơ chiến đấu tối tân nhất của Mỹ là F-35B. Là một trong bốn tàu chiến duy nhất trong Hạm đội Thái Bình Dương có khả năng xử lý F-35, sự vắng mặt của Bonhomme Richard chắc chắn sẽ để lại những tác động đáng kể.

"Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc tại Biển Đông và Triều Tiên, mất đi con tàu này và năng lực của nó sẽ khiến hải quân Mỹ gặp khó khăn khi đáp ứng các yêu cầu về không chiến", nhà phân tích quân sự của CNN John Kirby chỉ ra.

Timothy Heath, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn chính sách Rand Corp nhận định, việc liên tục triển khai F-35 tới khu vực Ấn Độ Dương là một tín hiệu rõ rệt để nhắc nhở về sức mạnh công nghệ của quân đội Mỹ so với đối thủ Trung Quốc.

"Năng lực tối tân của F-35 vượt qua bất kỳ máy bay chiến đấu nào của Trung Quốc và đem tới lợi thế trong cận chiến trên không", ông nói. "Do vậy, nỗ lực của Hải quân Mỹ để thường xuyên triển khai các lực lượng viễn chinh với F-35 tại Ấn Độ Dương sẽ phải đối mặt với một cú sốc nghiêm trọng".

Vén màn thiệt hại dài hơi cho hải quân Mỹ từ hỏa hoạn tàu chiến mới được dập tắt - Ảnh 2.

Một thủy thủ tham gia cứu hỏa cho con tàu (ảnh: US Pacific Fleet)

Hậu quả về lâu dài

"Luôn có ảnh hưởng kéo theo khi một con tàu bất ngờ không thể phục vụ", cựu giám đốc tác chiến tại Trung tâm Tình báo thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Carl Schuster đánh giá. "Tàu Bonhomme Richard đáng lẽ phải quay về hạm đội vào mùa thu để tàu khác có thể được gửi đi bảo trì và nâng cấp… Giờ đây, việc đó sẽ bị trì hoãn và khoảng trống năng lực xuất hiện".

"Quân đội Mỹ sẽ phải cắt giảm các nhiệm vụ mà Bonhomme Richard đảm nhiệm hoặc sẽ phải gây sức ép để các thủy thủ còn lại hoàn thành sứ mệnh của nó. Cả hai trường hợp đều đem tới rủi ro", ông Heath cảnh báo. "Cắt giảm các chiến dịch của lực lượng viễn chinh có thể tạo ra những khoảng trống trong sự hiện diện của Hải quân Mỹ và tạo cơ hội để các nước như Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp kháng cự.

"Tuy nhiên, gia tăng áp lực lên thủy thủ bằng cách giảm thời gian nghỉ ngơi, hồi phục… lại làm tăng nguy cơ tai nạn và thảm họa; từ đó khiến uy tín của Mỹ trong khu vực bị tổn hại hơn nữa".

Vén màn thiệt hại dài hơi cho hải quân Mỹ từ hỏa hoạn tàu chiến mới được dập tắt - Ảnh 3.

Những cột khói khổng lồ bốc lên từ tàu Bonhomme Richard hôm 12/7 (ảnh: US Pacific Fleet)

Theo ông Heath, trong những năm gần đây, danh tiếng của Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương gặp nhiều thách thức, bao gồm cả các vụ va chạm năm 2017 khiến hai tàu khu trục USS Fitzgerald và USS John McCain không thể hoạt động trong hơn 2 năm.

Gần đây hơn, một tàu sân bay Thái Bình Dương của Mỹ là USS Theodore Roosevelt đã phải ngừng hoạt động trong nhiều tuần tại căn cứ Guam do một ổ dịch COVID-19 bùng phát, khiến hơn 1.000 thuyền viên lây nhiễm và 1 người tử vong.

"Hỏa hoạn Bonhomme Richard có thể chỉ là xui xẻo nhưng nó diễn ra sau một loạt những vụ tai nạn của Hải quân Mỹ tại Ấn Độ Dương", Heath chỉ ra. "Với những thông điệp tầm quốc gia mà Mỹ đưa ra về sự bất thường và mâu thuẫn với các đồng minh, những vụ việc trong Hải quân thậm chí còn gây tổn hại nhiều hơn nữa cho uy tín của Mỹ trong khu vực".

Bản thân Hải quân Mỹ cũng băn khoăn, việc mất đi một trong những tàu sân bay nhỏ của mình có thể làm dấy lên những câu hỏi về liệu Washington có thể duy trì các cam kết với các đồng minh hay không.

"Hoạt động tập trận hay kế hoạch nào sẽ bị cắt giảm hoặc hủy bỏ? Những quyết định đó sẽ ảnh hưởng tới cam kết và năng lực của quân đội Mỹ", ông Schuster đánh giá.

Trong khi đó, tại Washington, một vấn đề khác cũng sẽ được đề cập là tài chính. Để đóng mới Bonhomme Richard, Lầu Năm góc đã phải bỏ ra tới 750 triệu USD và vài trăm triệu USD khác để nâng cấp nó phù hợp với phi cơ F-35.

Ông Schuster ước tính, chi phí sửa chữa có thể tốn ít nhất là 150 triệu USD. Trước đó, Hải quân cũng đã tiêu tốn hơn 500 triệu USD để sửa chữa và nâng cấp tàu khu trục (có kích cỡ nhỏ hơn rất nhiều so với Bonhommer Richard) Fitzgerald sau vụ đụng độ ngoài biển Nhật Bản năm 2017.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại