Vén màn kho tên lửa đạn đạo của Houthi khiến "rồng lửa" PAC-3 nhiều lần bất lực

Minh Hoàng |

Suốt 20 tháng qua, quân nổi dậy Houthi ở Yemen đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công đơn lẻ và liên hoàn bằng tên lửa đạn đạo vào lực lượng quân sự Ả Rập Saudi.

Điều này làm dấy lên câu hỏi, bằng cách nào một lực lượng nổi dậy được trang bị và huấn luyện lạc hậu như Houthi lại có thể thực hiện những đòn đánh nguy hiểm như thế?

Cùng với Syria và Iraq, cuộc nội chiến ở Yemen nổ ra từ năm 2015 đã biến đất nước này thành điểm nóng an ninh thứ 3 ở khu vực Trung Đông cho tới thời điểm hiện tại.

Xung đột bùng nổ giữa một bên là quân khởi nghĩa Houthi (người hồi giáo Shiite ở địa phương) và một phần quân đội Yemen trung thành với cựu tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh. Bên còn lại là những người ủng hộ tổng thống được coi là hợp pháp hiện nay - Abdrabbuh Mansour Hadi.

Từ tháng 3/2015, Liên quân các Vương quốc vùng Vịnh đứng đầu là Ả Rập Saudi bắt đầu tham chiến cùng với quân của Hadi chống lại người Houthi và đội quân của Saleh.

Tình hình lại càng trở nên phức tạp hơn khi bạo lực lan rộng làm an ninh ở quốc gia vùng Vịnh này suy yếu, tạo điều kiện cho "lực lượng thứ ba" là IS và Al-Qaeda phát triển ở khu vực này với nòng cốt là những thành phần hồi giáo cực đoan dòng Sunni.

IS và Al-Qaeda chiến đấu bên cạnh nhau, chống lại cả lực lượng Houthi lẫn Ả Rập Saudi, tuy nhiên, chúng ưu tiên hơn cả là tiêu diệt lực lượng dân quân Houthi và đồng minh của họ.

Dân quân Houthi – "Hezbollah" của Yemen

Nếu xét góc độ tương quan lực lượng, chiến tranh lẽ ra đã phải kết thúc bằng một thất bại thảm hại của người Houthi và đồng minh trong vòng vài tháng. Houthi và bộ phận Quân đội Yemen trung thành với Saleh được trang bị chủ yếu là các khí tài quân sự có nguồn gốc từ Liên Xô cũ.

Về mặt tổ chức, Quân đội Yemen xây dựng dựa theo chế độ nghĩa vụ, nhưng trên thực tế các đơn vị đông đảo của Quân đội Yemen khi xảy ra nội chiến đã bị chia rẽ và mất mát rất nhiều.

Cuối cùng, chiến tranh đã kéo dài 2 năm. Trong thời gian đó, Liên quân chỉ thu hẹp được một phần không đáng kể diện tích lãnh thổ do người Houthi và quân của Saleh kiểm soát.

Đội quân có khả năng tác chiến hiệu quả hơn cả trong Liên quân vùng Vịnh là Quân đội các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả đó, họ đã phải trả giá bằng 50 phương tiện cơ giới bọc thép, 1 chiến đấu cơ Mirage 2000 và 1 tàu hộ vệ cao tốc.

Những chiến thắng khó tin của dân quân Houthi và lực lượng quân sự của cựu tổng thống Saleh trước sự áp đảo về quân số lẫn trang thiết bị của Liên quân vùng Vịnh đã làm nổi bật khả năng quân sự của lực lượng nổi dậy này. Nhiều chuyên gia còn đánh giá Houthi như một "Hezbollah" của Yemen.

Giữa lúc Ả Rập Saudi và các đồng minh đang đau đầu tìm lời giải cho bài toàn làm sao để không sa lầy ở chiến trường Yemen mà chính quyền của Hadi vẫn đứng vững, thì quân Houthi lại tung ra một đòn đánh chưa từng có tiền lệ từ đầu cuộc nội chiến đến nay.

Vén màn kho tên lửa đạn đạo của Houthi khiến rồng lửa PAC-3 nhiều lần bất lực - Ảnh 1.

Tên lửa R-17E (Scud-B) của Vệ binh Cộng hòa Yemen.

Ngày 6-6-2015, quân Houthi được cho là đã sử dụng một tên lửa R-300 (Scud-C) tấn công căn cứ quân sự Al-Salil nằm sâu trong lãnh thổ Ả Rập Saudi.

Đến tháng 12-2015, sân bay Jizan thuộc Ả Rập Saudi lại hứng chịu một cuộc tấn công liên hoàn bằng ít nhất 3 tên lửa đạn đạo Qahir-1.

Ả Rập Saudi ngay lập tức huy động hàng trăm máy bay truy lùng và tiêu diệt các kho vũ khí, các xe vận tải tên lửa TEL của đối phương. Chiến dịch này được thực hiện xuyên suốt trong 2 năm 2015 và 2016.

Tuy nhiên, các cuộc không kích dường như không có hiệu quả. Các vụ phóng tên lửa từ lãnh thổ Yemen vào Ả Rập Saudi không những không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng về cả tần suất lẫn cường độ.

Đỉnh điểm là vào tháng 9-2016, nhiều tên lửa Qahir-1 đã đánh trúng căn cứ quân sự Al-Ta’if của Ả Rập Saudi. Tiếp theo là vụ tấn công bằng 4 tên lửa Scud-D và Burkan-1 vào khu vực thành phố Taif, tỉnh Mecca – nơi được coi là trái tim của thế giới Hồi giáo vào cuối tháng 10-2016.

Các tên lửa này được cho là đã đi hết quãng đường 700 km từ vị trí phóng trong lãnh thổ Yemen cho đến khi đáp xuống căn cứ không quân Vua Fahad và gây thiệt hại nặng cho cơ sở này.

Ngày 31-1-2017, theo hãng tin Reuters, Houthi tuyên bố đã phóng tên lửa đạn đạo vào căn cứ quân sự của liên quân Ả Rập Saudi-UAE trên đảo Zuqar tại Biển Đỏ làm 80 lính thiệt mạng (dù vụ việc không được phía Ả Rập Saudi xác nhận).

Gần đây nhất là vụ tấn công một căn cứ quân sự nằm cách thành phố Riyadh, thủ đô Ả Rập Saudi 40 km phía tây bằng tên lửa Scud, diễn ra vào ngày 5-2-2017.

PAC-3 bất lực

Vén màn kho tên lửa đạn đạo của Houthi khiến rồng lửa PAC-3 nhiều lần bất lực - Ảnh 2.

Không quân Ả Rập Saudi tấn công một cơ sở quân sự, nơi được cho là đang tàng trữ tên lửa đạn đạo ở ngoại thành thủ đô Sana, Yemen.

Lưới lửa phòng không của Ả Rập Saudi được xây dựng với nòng cốt là các tổ hợp tên lửa phòng không cải tiến đề cao Patriot 3 (PAC-3) và một số ít tổ hợp Patriot 2 (PAC-2).

PAC-3 được Lockheed Martin và Raytheon hợp tác nâng cấp sâu từ tổ hợp PAC-2. Sau cuộc chiến trang vùng Vịnh lần 1 năm 1991, PAC-2 đã xuất hiện nhiều điểm yếu kỹ thuật, có ảnh hưởng lớn đến độ chính xác của tên lửa đánh chặn.

Các kỹ sư phát hiện ra khi pin của tổ hợp hoạt động quá 100 giờ, nó thường xuyên xảy ra hiện tượng ngắt nguồn đột ngột rồi lại cấp nguồn trở lại.

Hiện tượng này ảnh hưởng tới đồng hồ thời gian thực của máy tính, cứ mỗi giây trôi qua thì máy tính bị lệch 1/3 giây so với thời gian thực. Các phép tính của tổ hợp từ đó xuất hiện các sai lệch trong 4 tham số gồm cự ly, góc tà, góc phương vị và độ cao của mục tiêu.

Ngoài việc sửa chữa các lỗi kỹ thuật của máy tính, PAC-3 cũng thay thế radar cũ AN/MPQ-65 vốn được dùng để bắt bám máy bay chiến đấu bằng radar đa chức năng MEADS tích hợp thêm tính năng theo dõi các mục tiêu tốc độ cao và có kích thước nhỏ như tên lửa.

Đạn tên lửa MIM-104F được tổ hợp sử dụng là loại đạn không có đầu nổ. Nó thực hiện nhiệm vụ đánh chặn bằng cách lao thẳng vào tên lửa đạn đạo rồi kích nổ đầu đạn của nó.

Tuy vậy, những gì mà PAC-3 thể hiện ở bán đảo Ả Rập cũng không khá khẩm hơn người tiền nhiệm là mấy.

Trong số hơn 20 tên lửa đạn đạo được lực lượng Houthi phóng vào lãnh thổ Ả Rập Saudi, chỉ có 4-5 tên lửa được đánh chặn thành công.

Cụ thể gồm: 1 tên lửa bị PAC-3 bắn chặn ngày 6-6-2015 khi nó tiếp cận sân bay Vua Khalid, 1 tên lửa bị bắn trên bầu trời tỉnh Jizan tháng 8-2015, 2 tên lửa khác bị tiêu diệt ngày 10-8-2016 và 1 tên lửa khác bị phá hủy trên không phận tỉnh Mecca ngày 28-10-2016 (phía Houthi tuyên bố tên lửa này đánh trúng mục tiêu).

Vén màn kho tên lửa đạn đạo của Houthi khiến rồng lửa PAC-3 nhiều lần bất lực - Ảnh 3.

Vụ tấn công bằng tên lửa Scud-D và Burkan-1 của Houthi vào căn cứ quân sự Al Muzahimiyah ngày 5-2-2017, cách thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi 40 km về phía tây.

Trong vụ tấn công ngày 5-2-2017, phía Ả Rập Saudi tuyên bố đã đánh chặn thành công tất cả các tên lửa trên bầu trời ngoại thành thành phố Riyadh. Mâu thuẫn xuất hiện khi kênh truyền hình địa phương lại công bố hình ảnh về những người bị thương trong vụ không kích bằng tên lửa của Yemen tại Al Muzahimiyah.

Theo nhà báo Fred Kaplan, chuyên viên phân tích của tạp chí quốc phòng Slate¸ tổ hợp PAC-3 không hoàn hảo như nhiều người tưởng.

Trong các bài bắn nghiệm thu, kết quả thu được từ tổ hợp rất khả quan, tất cả các tính năng theo thiết kế đều được khai thác, 10 mục tiêu trong số 11 mục tiêu giả định bị tiêu diệt.

Tuy nhiên, khi quân đội Mỹ tiến hành các bài kiểm tra giả định chiến đấu tại Iraq, các tên lửa đã thể hiện kém hơn nhiều. Số lượng đạn vọt qua mục tiêu nhiều hơn so với số đánh chặn thành công. Nguyên nhân một lần nữa được quy kết cho thuật toán máy tính.

Khả năng thực sự của lực lượng Houthi

Vén màn kho tên lửa đạn đạo của Houthi khiến rồng lửa PAC-3 nhiều lần bất lực - Ảnh 4.

Tên lửa đạn đạo Qahir-1, vốn được hoán cải từ tên lửa đất đối không V-750 của tổ hợp tên lửa phòng không S-75 (SA-2). Tên lửa này được cho là có tầm bắn 300 km và mang được đầu đạn nặng 200 kg.

Quân nổi dậy Houthi vốn đã được khắc họa trên các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế như một lực lượng quân sự thiếu chính quy, thiếu tổ chức, trang bị nghèo nàn, lạc hậu.

Người lính quân đội Houthi luôn mặc trang phục truyền thống của Yemen, mang dép tông và sử dụng tiểu liên Kalashnikov. Khi những đòn đánh chính xác bằng tên lửa đạn đạo được Houthi tung ra, nó đã gây "sốc" cho giới truyền thông, vì đây gần như là điều không tưởng.

Gần ba thập kỷ trước, bằng sự giúp đỡ từ phía Liên Xô, Quân đội Yemen đã xây dựng được 3 lữ đoàn tên lửa đạn đạo gồm Lữ đoàn 1, Lữ đoàn 26 và Lữ đoàn 89. Cả ba đơn vị này đều nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Vệ binh Cộng hòa Yemen, lực lượng chuyên trách bảo vệ thủ đô Sana trước các nguy cơ an ninh trong và ngoài nước.

Các đơn vị này vận hành 4 loại tên lửa đạn đạo chính gồm R-17E Elbrus (Scud-B), R-300 (Scud-C), OTR-21 Tochka (SS-21 Scarab) và 9K52 Luna-M (FROG-7).

Dưới thời tổng thống Saleh, các đơn vị tên lửa của Vệ binh Cộng hòa thường xuyên tham gia huấn luyện, diễn tập và trao đổi kinh nghiệm với các đoàn quân sự quốc tế đến từ Belarus, Ukraine, Kazakhstan và Iran.

Những năm 2000, Yemen loại bỏ Luna-M và thay thế bằng các tên lửa Hwasong-6 của Triều Tiên. Đây là phiên bản tên lửa nâng cấp sâu của Hwasong-5 (Scud-B) do Triều Tiên tự sản xuất, với những sửa đổi tập trung chủ yếu ở tầm bắn và đầu đạn.

Sau khi tổng thống Saleh bị lật đổ năm 2011, tổng thống Hadi lên cầm quyền đã tổ chức lại toàn bộ lực lượng quân sự, cách chức những người trung thành với Saleh, giải tán Vệ binh Cộng hòa và thành lập Cục tên lửa đạn đạo, chuyển lực lượng này ra khỏi Sana.

Khi cuộc nội chiến ở Yemen nổ ra tháng 3/2015, toàn bộ các đơn vị cũ thuộc Vệ binh Cộng hòa đã tuyên bố trung thành với cựu tổng thống Saleh, các đơn vị tên lửa chuyển sang hàng ngũ của quân nổi dậy Houthi.

Theo kỹ sư tên lửa người Belarus Volodymyr Guzenko, người đã làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tên lửa Yemen với vai trò cố vấn nước ngoài từ năm 2010 đến thời điểm chiến tranh xảy ra, thì hiện nay ở Yemen có 5 loại tên lửa đạn đạo.

Chiếm số lượng chủ đạo là loại R-17E và R-300, hay còn gọi là Scud-B/C. Các tên lửa này bao gồm một số được sản xuất từ Liên Xô cũ, và một số khác là các biến thể của Triều Tiên.

3 phiên bản còn lại ít phổ biến hơn gôm tên lửa Scud-D do Triều Tiên sản xuất, tên lửa Burkan-1 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tên lửa Yemen tự cải tiến dựa trên Scud-C và tên lửa đạn đạo Qahir-1, hoán cải từ đạn phòng không V-750 của tổ hợp tên lửa phòng không S-75 Dvina.

Ngoài ra vẫn còn một số tên lửa Tochka-U và Luna-M đã ngừng bảo quản trong nhiều năm.

Cũng theo Volodymyr Guzenko, trong thời gian làm việc tại Yemen, ông đã cùng với một số chuyên gia Iran giúp đỡ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tên lửa xây dựng phương pháp nâng tầm bắn và tăng khối lượng đầu đạn cho các tên lửa Scud cũng như Hwasong.

Điển hình là tên lửa Burkan-1, đây thực chất là tên lửa Scud-C hoặc Hwasong-6 do Trung tâm này tự cải tiến. Từ tầm bắn ban đầu là 600 km, các tên lửa này đã được tăng tầm lên mức xấp xỉ 800 km cùng với khả năng mang một đầu đạn nặng 555 kg.

Một kỹ sư tên lửa Iraq dấu tên đã trả lời phỏng vấn với chuyên trang quân sự War is Boring rằng, việc nâng tầm bắn cho tên lửa đạn đạo, đặc biệt là Scud và các dòng biến thể của nó khá đơn giản, vì vốn từ khi thiết kế, các kỹ sư quân sự Liên Xô đã thiết kế theo hướng đặt tiền đề cho việc nâng cấp và phát triển sau này:

" Khi chế tạo tên lửa Al Hussein (một biến thể nâng cấp của Scud do Iraq chế tạo), chúng tôi gặp ba trở ngại lớn.

Tăng chiều dài cho tên lửa thì không gặp nhiều vấn đề, nhưng tăng chiều dài bình nhiên liệu thì có. Chúng tôi dùng cách đơn giản nhất, đó là cắt phần lõi của bình nhiên liệu từ 1 tên lửa khác, sau đó lắp nó vào bình nhiên liệu gốc của tên lửa đang nâng cấp.

Mẫu tên lửa nội địa thử nghiệm đầu tiên của chúng tôi sử dụng 1 bình nhiên liệu lớn được hợp thành bởi 3 bình nhiên liệu của tên lửa R-17E. Việc cắt các bình nhiên liệu rất khó, vì lưỡi cắt dễ ăn sâu vào các mấu ghép, gây hư hại cho cấu trúc bình.

Chúng tôi may mắn tìm ra một kỹ sư cơ khí được đào tạo tại Anh trước năm 1951, ông ấy chỉnh sửa lại lưỡi cắt để việc tiện cắt bình nhiên liệu không ảnh hưởng đến cấu trúc bình.

Vấn đề thứ hai là việc hàn các bình nhiên liệu với nhau để tạo ra 1 bình lớn. Chúng tôi đã phải sử dụng đến công nghệ hàn TIG (hàn bằng khí Agon), một công nghệ thuộc dạng tiên tiến lúc bấy giờ nhằm bảo vệ các nguyên tố kim loại có hoạt tính cao có trong vỏ bình.

Vấn đề thứ ba là tính toán trọng tâm của tên lửa. Trong lần phóng thử nghiệm đầu tiên, ở giai đoạn tiếp đất, tên lửa xoay ngang, rơi từ từ xuống mặt đất và không phát nổ. Để giải quyết bài toàn náy, chúng tôi di chuyển xy lanh áp suất khí từ phần cuối lên phần đầu của tên lửa, đặt nó nằm gần đầu đạn để là cho phần mũi của quả đạn nặng hơn".

Vén màn kho tên lửa đạn đạo của Houthi khiến rồng lửa PAC-3 nhiều lần bất lực - Ảnh 5.

Tên lửa đạn đạo Burkan-1 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tên lửa Yemen cải tiến từ Scud-C

Sở hữu một kho tên lửa đạn đạo đa dạng và khổng lồ, được huấn luyện bài bản bởi các chuyên gia nước ngoài, có khả năng tự nâng cấp các tên lửa có trong biên chế, ba yếu tố trên đã giúp cho những "du kích dép đúc" Houthi đủ khả năng khai thác toàn diện những "con át chủ bài" Scud.

Nếu Liên quân vùng Vịnh không giải được bài toán làm sao để có thể khống chế được lực lượng tên lửa đạn đạo của quân Houthi và Saleh, thì chắc chắn cuộc chiến mà họ phát động để bảo vệ chính quyền Hadi ở Yemen vẫn còn kéo dài, lãnh thổ Ả Rập Saudi sẽ còn phải hứng chịu các đòn tấn công chính xác từ phía đối phương trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại