Bí ẩn võ công của vị cao tăng mù từng nhiều lần cứu Thiếu Lâm Tự khỏi họa diệt vong

Tiểu Mã |

Thích Hạnh Chinh sinh ra để trở thành một cao tăng nhưng sinh thời, ông từng trải qua những tháng ngày đầy cực khổ để cứu Thiếu Lâm Tự khỏi viễn cảnh bị xóa sổ.

Vị cao tăng sinh ra để cứu Thiếu Lâm Tự

Thích Hạnh Chinh chính là trụ trì đời thứ 29 ở Thiếu Lâm Tự và chính là sư phụ từng thu nhận Thích Vĩnh Tín – người sau này trở thành phương trượng đời thứ 33 ở chùa Thiếu Lâm.

Theo Baidu, Thích Hạnh Chinh là người sinh ra để trở thành một cao tăng. Ông sinh tháng 8/1914 tại huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam. Năm lên 6 tuổi, vì niềm đam mê võ thuật và mong muốn luyện võ để tự vệ, ông đã được gửi lên chùa Thiếu Lâm để tầm sư học đạo.

Thích Hạnh Chinh được gửi đi học thiền rồi học võ và sớm bộc lộ những tố chất đặc biệt để trở thành một cao tăng. Theo Baidu, Thích Hạnh Chinh từng lập được một "chiến công" rất lớn cho Thiếu Lâm Tự từ khi còn là một đứa trẻ, năm ông mới lên 13 tuổi.

Đó là vào năm 1928, tướng lĩnh Thạch Hữu Tam đã ba lần đốt Thiếu Lâm Tự và ngôi chùa tưởng chừng đã bị hủy diệt hoàn toàn. May thay, cậu bé Thích Hạnh Chinh mới 13 tuổi lại trở thành nhân vật chính cùng với một số nhà sư trong chùa đã đứng ra giải cứu nhiều tài liệu và di tích còn sót lại.

Bí ẩn võ công của vị cao tăng mù từng nhiều lần cứu Thiếu Lâm Tự khỏi họa diệt vong - Ảnh 1.

Chân dung cố hòa thượng Thích Hạnh Chinh.

Bí ẩn võ công của vị cao tăng mù từng nhiều lần cứu Thiếu Lâm Tự khỏi họa diệt vong - Ảnh 2.

Cũng bởi những biến cố của thời cuộc mà đến năm lên 19 tuổi (1933), Thích Hạnh Chinh được gửi đến Quy Nguyên Thiền Tự ở Vũ Hán để luyện võ thuật và học Phật pháp trong vòng 3 năm, sau đó ông chuyển đến chùa Tung Sơn rồi quay trở lại Thiếu Lâm Tự trở thành một tu sĩ.

Đến năm 1937, một trận đại hạn hán tồi tệ đã xảy ra ở Hà Nam, khiến những cánh đồng trồng nông sản của Thiếu Lâm Tự bị mất trắng. Trong thời kỳ đầy khắc nghiệt này, Thích Hạnh Chinh khi đó với thị lực rất kém đã phải đi bộ qua hết ngọn núi này đến ngọn núi khác, bán than để kiếm ăn qua ngày. Sau rất nhiều khổ ải, cuối cùng ông cũng dẫn dắt các nhà sư vượt qua ba năm đói kém hiếm hoi trong lịch sử.

Thế nhưng đến năm 1944, quân đế quốc Nhật Bản liên tục tấn công những cơ sở Phật giáo ở Trung Quốc và Thích Hạnh Chinh lại phải bí mật cất giấu nhiều di tích Phật giáo và nhiều cuốn sách về võ thuật Thiếu Lâm.

Với trình độ uyên thâm về võ học, đặc biệt là nhờ nhiều công lao lớn của mình, đến năm 1954, Thích Hạnh Chinh được tất cả những nhà sư ở Thiếu Lâm Tự bầu chọn làm Giám thị viên ở ngôi chùa này (khi không có trụ trì thì Giám thị viên là người đứng đầu Thiếu Lâm, quyền lực tương đương với phương trượng trụ trì).

Bí ẩn võ công của vị cao tăng mù từng nhiều lần cứu Thiếu Lâm Tự khỏi họa diệt vong - Ảnh 3.

Thích Hạnh Chinh (áo cà sa) cùng một số đệ tử.

Thế nhưng, Thích Hạnh Chinh vẫn chưa thể yên ổn để luyện võ và tu hành. Trong cuộc Cách mạng văn hóa năm 1966, Thiếu Lâm Tự một lần nữa bị phá hủy. Thích Hạnh Chinh phải lẩn trốn, liên tục chuyển địa điểm rồi bí mật chôn giấu hàng ngàn kinh điển Phật giáo, những cuốn sách võ thuật và những bảo vật có giá trị khác.

Sau đó, quân đội ra thông báo sẽ dùng thuốc nổ để nghiền nát tất cả những tòa tháp cổ Phật giáo ở Hà Nam. Vừa hay tin, Thích Hạnh Chinh tức tốc lên đường để gặp bằng được những người có thẩm quyền để thuyết phục họ dừng lại. Cuối cùng, Thích Hạnh Chinh cũng thành công, một lần nữa cứu nguy cho những di sản của Thiếu Lâm Tự.

Vị phương trượng đầu tiên của Thiếu Lâm Tự sau 300 năm

Sau rất nhiều biến cố thăng trầm, bao nhiêu tháng ngày cực khổ thì mãi tới sau năm 1982, dù đã bị mù nhưng với những năng lực hơn người, Thích Hạnh Chinh liên tục giữ chức vụ làm chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc và vẫn là người đứng đầu của Thiếu Lâm Tự. Đây cũng là thời điểm mà Thích Hạnh Chinh đã thu nhận Thích Vĩnh Tín (trụ trì hiện tại của Thiếu Lâm Tự) làm đệ tử.

Dù sở hữu trình độ võ thuật cao thâm nhưng do bị mù nên Thích Hạnh Chinh không thể trực tiếp dạy võ cho Thích Vĩnh Tín mà giao lại nhiệm vụ này cho một đệ tử khác của ông là Hác Thích Trai.

Bí ẩn võ công của vị cao tăng mù từng nhiều lần cứu Thiếu Lâm Tự khỏi họa diệt vong - Ảnh 4.

Thích Hạnh Chinh (giữa) khi đã bị mù. Người bên phải là học trò của ông và cũng là phương trượng hiện tại - Thích Vĩnh Tín.

Đến tháng 10/1986, Thích Hạnh Chinh được bầu làm trụ trì của Thiếu Lâm Tự, trở thành vị phương trượng đời thứ 29 của Thiếu Lâm Tự. Đặc biệt, ông cũng là trụ trì đầu tiên kể từ khi hệ thống trụ trì ở Thiếu Lâm Tự bị gián đoạn trong suốt hơn 300 năm, từ đầu triều đại nhà Thanh.

Trong giai đoạn làm trụ trì chùa Thiếu Lâm, Thích Hạnh Chinh chủ trương khôi phục, hệ thống lại di sản võ thuật Thiếu Lâm. Baidu cho rằng ông là người đóng góp vô cùng quan trọng trong việc kế thừa phát dương Kungfu Thiếu Lâm ra bạn bè quốc tế. Sau nhiều cống hiến đặc biệt thì đến tháng 7/1987, phương trượng trụ trì Thích Hạnh Chinh bị bệnh rồi qua đời ở Thiếu Lâm Tự, hưởng thọ 73 tuổi.

Bí ẩn võ công của vị cao tăng mù từng nhiều lần cứu Thiếu Lâm Tự khỏi họa diệt vong - Ảnh 5.

Hòa thượng Thích Hạnh Chinh trong những ngày cuối đời.

Theo truyền thông Trung Quốc thì các tài liệu ở nước này không mô tả một cách chi tiết về những kỹ năng võ thuật của Thích Hạnh Chinh nhưng khẳng định ông sở hữu những công năng hiếm thấy ở võ công Thiếu Lâm.

Đến nay, sau nhiều năm kể từ ngày Thích Hạnh Chinh mãi về với cát bụi thì với người hâm mộ võ thuật Trung Hoa, ông luôn được coi là một "đại anh hùng" của Thiếu Lâm Tự. Bởi nếu không có ông, có lẽ Thiếu Lâm Tự đã bị xóa sổ, võ thuật Thiếu Lâm sẽ chỉ còn tồn tại trong tiểu thuyết thay vì được quảng bá rộng rãi trên thế giới như ngày nay.

Bí ẩn võ công của vị cao tăng mù từng nhiều lần cứu Thiếu Lâm Tự khỏi họa diệt vong - Ảnh 6.

Thích Hạnh Chinh giống như một huyền thoại của Thiếu Lâm Tự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại