Cùng với những cái tên gạo cội như Huỳnh Tiền, Lý Huỳnh, Kid Dempsey… thì Minh Cảnh là một ngôi sao sáng của làng võ miền Nam trước năm 1975, từng làm mưa làm gió trên các võ đài trong và ngoài nước, là người có công đào tạo ra nhiều thế hệ tài năng.
Tuy nhiên, bên cạnh những ánh hào quang thì huyền thoại làng boxing Minh Cảnh còn ẩn chứa nhiều góc khuất mà tới nay vẫn ít người biết đến.
Thất bại hiếm hoi ở lần bị ép đấu cao thủ người Mỹ
Theo võ sư, nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường (Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà) thì cố võ sư Minh Cảnh xứng đáng được coi là một cây đại thụ của làng võ miền Nam trước giải phóng.
Minh Cảnh là một trong ba võ sĩ người Việt Nam từng đoạt chức vô địch Quyền Anh toàn Đông Dương từ năm 1949 (ngoài ông chỉ có Kid Dempsey và sư Muôn – tên gọi sư phụ của Minh Cảnh). Cần lưu ý rằng ở thời đó, việc vô địch toàn Đông Dương là rất khó bởi đó là thời kỳ mà các võ sĩ người Pháp hay Philippine (những quốc gia vốn rất mạnh về Quyền Anh) nhưng sống ở Đông Dương cũng thường tham gia thi đấu.
Võ sư Minh Cảnh vốn là người rất ưa mạo hiểm, vậy nên ông chính là một trong những người Việt Nam đầu tiên biểu diễn mô tô bay ở hội chợ tại Sài Gòn. Ông học Quyền Anh với võ sư Muôn (tên thật là Lê Văn Muôn), chơi võ đài từ đầu thập niên 1940.
Nói về Quyền Anh, sự nghiệp của Minh Cảnh hầu như toàn là chiến thắng. Minh Cảnh có một điểm rất nổi bật đó là chuyên thắng knock-out bằng đòn đấm móc tay phải. Rất nhiều đối thủ từng biết "đòn sát thủ" này của ông nhưng rốt cục khi thượng đài thì họ vẫn bị hạ knock-out.
Chân dung võ sư Minh Cảnh.
Khoảng năm 1970, có một lần võ sư Minh Cảnh đã từng bị ép đấu với một võ sĩ ngươi Mỹ tên là Henry Miller, cao khoảng 1,80 mét, nặng khoảng hơn 70 kg. Trong khi Minh Cảnh chỉ cao khoảng 1,65 mét, nặng khoảng gần 60 kg. Lúc này Minh Cảnh cũng khoảng tầm 46-47 tuổi rồi, trong khi võ sĩ người Mỹ còn trẻ, khoảng gần 30 tuổi. Theo võ sư Hồ Tường, đây là lần rất hiếm hoi mà Minh Cảnh để thua nhưng đến nay, không có nhiều người biết tới trận đấu này.
Võ sư Hồ Tường kể: "Trận đấu diễn ra ở sân Tinh Võ khoảng năm 1970. Thực chất, võ sư Minh Cảnh giống như bị Tổng cuộc Quyền thuật đem ra làm vật tế thần nên bất đắc dĩ phải đấu với võ sĩ người Mỹ chứ Minh Cảnh không phải người thách đấu. Hai người con trai của võ sư Minh Cảnh là Minh Hoàng và Minh Sang cũng đều khẳng định như vậy.
Ở trận đấu đó, tưởng chừng Minh Cảnh có thể gây bất ngờ bởi khi vô đầu hiệp 1, trong một pha nhập nội, Minh Cảnh đã tung cú đấm móc sấm sét của mình, làm cho Henry Miller té xuống sàn đài.
Nhưng sau 8 tiếng đếm của trọng tài, Henry Miller vẫn đứng vững và thi đấu tiếp tục với Minh Cảnh đến hết trận đấu gồm 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút.
Henry Miller biết đòn móc tay phải là sở trường của Minh Cảnh, cho nên võ sĩ người Mỹ chủ động đánh xa, không cho Minh Cảnh sáp gần mình nữa. Từ đó, Minh Cảnh hoàn toàn bó tay, vì đối phương đã đánh trúng vào sở đoản của ông, đó là đánh xa không bằng Henry Miller vừa cao, vừa nặng ký hơn, vừa dài đòn hơn, lại quá trẻ trung và sung sức.
Kết quả trận đấu, võ sư Minh Cảnh đành phải thua điểm trước Henry Miller. Cả 5 giám định đều chấm võ sĩ người Mỹ thắng cuộc. Thế nhưng về sau, võ sư Minh Cảnh đã không bao giờ nhắc lại trận đấu này nữa và ngày nay không có nhiều người biết tới".
(Ảnh minh họa).
Trận đấu bị nghi làm độ với võ sư người gốc Trung Quốc
Theo võ sư Hồ Tường thì vài năm sau lần thách đấu võ sĩ người Mỹ Henry Miller, võ sư Minh Cảnh từng trải qua một trận đấu nữa với một võ sư người Trung Quốc mà cho đến nay, cũng không nhiều người biết tới.
Đầu những năm 1970, trong số các võ sư người Hoa ở Sài Gòn thì nổi lên có võ sư Nguyễn Hớn Minh là người từng đào tạo ra nhiều võ sĩ giỏi. Trong một kỳ võ đài, võ sư Nguyễn Hớn Minh đã lên đài thách đấu võ sư Minh Cảnh. Dĩ nhiên là võ sư Minh Cảnh chấp nhận ngay. Hai võ sư đấu theo luật quyền tự do của Võ Việt Nam, địa điểm vẫn ở sân Tinh Võ (nay thuộc quận 5, TP.HCM).
Võ sư Hồ Tường kể rằng vào thời điểm đó, nhiều người cũng ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy võ sư Minh Cảnh đấu quyền tự do Võ Việt Nam cả bởi ông chỉ đấu Quyền Anh. Còn Nguyễn Hớn Minh xưng là người phái Thiếu Lâm Hắc Hổ Môn, võ đường nằm tại đường Nguyễn Huỳnh Đức (nay gọi là đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận). Nếu còn sống, tuổi của Nguyễn Hớn Minh chắc cũng phải gần 90.
Đến kỳ võ đài, nhiều khán giả đã kéo tới xem bởi kỳ đó do võ sư Nguyễn Hớn Minh tổ chức. Đặc biệt, những khán giả người Hoa thi nhau đến để ủng hộ người đồng hương.
Trận đấu giữa hai võ sư Minh Cảnh và Nguyễn Hớn Minh do trọng tài là võ sư nổi tiếng Minh Sang điều khiển. Sau khi tiếng kẻng vang báo hiệp đấu bắt đầu, võ sư Minh Cảnh đứng ở góc đài chờ đợi, trong lúc đó võ sư Nguyễn Hớn Minh thực hiện bài bái tổ khá điệu nghệ để nhận nhiều tiếng vỗ tay cỗ vũ.
Sau màn bái tổ, võ sư Nguyễn Hớn Minh tấn công ngay bằng những đòn chân nhưng thực ra không quá uy lực bởi khi đó ông đã luống tuổi. Võ sư Minh Cảnh cũng đánh trả, dĩ nhiên bằng các đòn tay của môn Quyền Anh, chủ yếu gồm 3 đòn cơ bản là đấm thẳng, móc ngang, móc lên nhưng bị hụt nhiều, bởi vì Nguyễn Hớn Minh cũng tràn trớ, tránh né tốt.
Lúc gần dứt hiệp 1, võ sư Nguyễn Hớn Minh mở cuộc tấn công bằng đòn chân, rồi nhập nội tấn công ồ ạt võ sư Minh Cảnh bằng những đòn tay. Trong khi hai bên đáng sáp chiến, bỗng võ sư Nguyễn Hớn Minh té ra sau, nằm ngửa do bị trúng một đòn móc ngang tay phải sở trường của võ sư Minh Cảnh.
Ảnh minh họa.
Sau tám tiếng đếm, võ sư Nguyễn Hớn Minh tiếp tục trận đấu, nhào vô nhập nội liền, chủ yếu ôm võ sư Minh Cảnh. Trong lúc hai võ sư đang giằng co nhau, trọng tài Minh Sang theo luật đã nhảy vào can ra.
Ngay sau đó, trọng tài Minh Sang bước lui ra, ra hiệu cho hai võ sư Minh Cảnh và Nguyễn Hớn Minh đứng về hai phía đài. Trọng tài Minh Sang bước tới trao đổi với ban giám định rằng khi bước vào can, chính ông đã nghe võ sư Nguyễn Hớn Minh cự nự võ sư Minh Cảnh rằng "Đã hợp đồng rồi, sao mày đánh tao đau quá vậy?".
Do nghe được câu này nên trọng tài Minh Sang cho rằng đây là một trận "đánh cuội", trong đó võ sư Nguyễn Hớn Minh đã làm độ với võ sư Minh Cảnh. Trọng tài Minh Sang quyết định hủy trận đấu. Một võ sư là trọng tài giám định ngồi ở góc đài, nơi mà 2 võ sư Minh Cảnh và Nguyễn Hớn Minh vừa ôm nhau cũng xác nhận điều mà võ sư Minh Sang nói là đúng, vì ông cũng nghe như vậy.
"Sau trận đấu này, người ta không còn thấy võ sư Nguyễn Hớn Minh xuất hiện trong giới võ đài nữa. Còn về phía võ sư Minh Cảnh, ông cũng không bao giờ nhắc tới trận đấu này. Ngày nay, võ sư Minh Cảnh đã mất nhưng con trai của ông ấy vẫn còn hoạt động trong môn Boxing ở TP.HCM.
Hai lần giao đấu với Henry Miller và Nguyễn Hớn Minh là những lần hiếm hoi mà võ sư Minh Cảnh không giành chiến thắng, hoặc tạo nên tranh cãi. Về sau, ông không nhắc tới hai trận đấu này nên lớp trẻ bây giờ rất ít người biết đến.
Tuy nhiên, xét toàn cục cả sự nghiệp thì Minh Cảnh vẫn xứng đáng là một cây đại thụ. Ngoài những chiến thắng trên võ đài thì ông ấy còn có công lao trong việc đào tạo nhiều võ sĩ giỏi, tiêu biểu có võ sĩ Nguyễn Phi Hùng (tên thật là Nguyễn Ninh) về sau trở thành nhà vô địch. Sau Nguyễn Phi Hùng mới có dòng họ Nguyễn Tấn giỏi võ, mà võ sĩ hiện tại Nguyễn Trần Duy Nhất là con của một vị thuộc dòng họ Nguyễn Tấn" – võ sư Hồ Tường khẳng định.
(Bài viết được ghi chép theo lời kể của võ sư Hồ Tường, Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, phụ trách võ đường Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM).