Tờ báo Sohu (Trung Quốc) trong một lần nói về võ công bí ẩn của Thích Vĩnh Tín đã đề cập tới Hác Thích Trai. Theo tờ báo này thì cách đây nhiều thập kỷ, Thích Vĩnh Tín là đồ đệ của Thích Hạnh, vốn là một hòa thượng bị mù ở Thiếu Lâm Tự.
Chính vì bị mù, không thể trực tiếp truyền dạy võ thuật cho đệ tử nên hòa thượng Thích Hạnh đã giao Thích Vĩnh Tín cho Hác Thích Trai. Cũng vì vậy, Hác Thích Trai có thể coi như vừa là sư huynh, vừa là sư phụ dạy võ cho Thích Vĩnh Tín.
Theo Baidu, Hác Thích Trai là bậc thầy võ thuật có trí nhớ siêu phàm, có thể thuộc cả một cuốn sách chỉ sau một lần đọc hoặc nhớ từng động tác dù nhỏ nhất của một bài quyền chỉ sau một lần nhìn.
Vào thập niên 1960, Hác Thích Trai thường sử dụng khoảng thời gian nửa đêm để nghiên cứu về võ thuật Thiếu Lâm, dưới ánh nến trong một mật thất không có cửa sổ ở Thiếu Lâm Tự.
Hác Thích Trai (ngoài cùng bên trái, hàng dưới) và Thích Vĩnh Tín (ngoài cùng bên phải) từ khi còn rất trẻ.
Cũng theo Baidu, Hác Thích Trai sinh năm 1930. Ông là một vị tu sĩ luôn thực hiện phương pháp Thiền và "có trái tim của một vị Bồ tát". Khi còn là một đứa trẻ, ông đã có năng khiếu võ thuật đặc biệt. Nhờ sự siêng năng và niềm đam mê, Hác Thích Trai trở thành một bậc thầy về võ thuật Thiếu Lâm từ nhỏ.
Theo website Shaolinwushuchina.com thì Hác Thích Trai có thể tập võ cả ngày lẫn đêm. Trong mùa bận rộn, ông có thể đi bộ hàng chục dặm, leo núi vào ban đêm để đi đến Thiếu Lâm Tự luyện võ.
Hác Thích Trai được Baidu ca ngợi là một bậc thầy từ kungfu, kiếm pháp đặc biệt là khí công, từng được trao danh hiệu "Quyền sư Thiếu Lâm". Trước đó, từ năm 16 tuổi, ông từng một mình chống lại cả gần chục tên côn đồ, khi nhóm này muốn hành hung một anh trai của ông. Đó là giai đoạn mà Hác Thích Trai phải sống với người anh của mình
Hác Thích Trai được ca ngợi là "bậc thầy đích thực" của võ Thiếu Lâm.
Theo Yue Xiaofeng, một học giả nghiên cứu văn hóa Thiếu Lâm ở thành phố Đặng Phong thì Hác Thích Trai là "bậc thầy võ thuật hiếm có, cao thủ đích thực ở Trung Quốc". Tuy nhiên, khác với nhiều võ sư Thiếu Lâm về sau này thì Hác Thích Trai chủ yếu dùng võ thuật để chữa bệnh và cứu người. Ông không bao giờ biểu diễn võ thuật trước công chúng. Dù vậy, Hác Thích Trai vẫn sở hữu hàng trăm đệ tử, sau này thành danh ở khắp Trung Quốc và trụ trì Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín là một trong số đó.
Theo một tờ báo của Trung Quốc thì đến tuổi trung niên, Hác Thích Trai từng phá vỡ những định kiến về thế tục bằng cách thu nhận các đệ tử nữ, điều chưa từng có trước đó. Sau đó, Hác Thích Trai đã vấp phải những luồng ý kiến tranh cãi. Một số người đưa ra những suy đoán thiếu căn cứ về Hác Thích Trai, cho rằng ông không có thiện chí trong việc thu nhận các đệ tử nữ.
Tuy nhiên, Hác Thích Trai từng giải thích rằng ông nhận các đệ tử nữ chỉ đơn giản là bởi ông muốn giúp đỡ nhưng thân phận bất hạnh, những người phải chịu đựng sự bất công trong xã hội.
Ngoài năng khiếu về võ thuật Thiếu Lâm thì Hác Thích Trai còn theo học ngành y từ năm 22 tuổi và trở thành một thầy thuốc rất nổi tiếng. Tờ Baidu khẳng định rằng, Hác Thích Trai từng cứu vô số người trong suốt cuộc đời mình. Ông chấp nhận cuộc sống khổ hạnh, thiếu thốn về vật chất chỉ để thỏa niềm đam mê của mình.
Theo Baidu thì sau nhiều năm hành nghề thầy thuốc, dạy võ thuật Thiếu Lâm và văn hóa Thiền, Hác Thích Trai đột ngột qua đời vào trưa ngày 13/3/2014 (thọ 84 tuổi) sau sự cố gặp tai nạn xe hơi. Lần đó, đệ tử của ông từ khắp nơi trên thế giới và mọi tầng lớp đã đổ xô đến thị trấn Đặng Phong để tham dự lễ tang của ông .
Ngày nay, dù không ai nhìn thấy Hác Thích Trai giao đấu với đối thủ nhưng ông vẫn được coi là một bậc thầy võ thuật, được hàng vạn người dân Trung Quốc ngưỡng mộ.