“Vành đai đảo chính” Trung và Tây Phi “nóng” hơn bao giờ hết

Kiều Anh |

Sau đảo chính ở Niger, Gabon lại rơi vào khủng hoảng khi giới lãnh đạo quân sự tuyên bố lên nắm quyền. Nếu thành công, đây sẽ là cuộc đảo chính thứ 8 kể từ năm 2020 ở Tây và Trung Phi – khu vực được cho là “vành đai đảo chính” tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Một nhóm sĩ quan quân đội cấp cao ở Gabon đã thông báo trên truyền hình quốc gia ngày 30/8 rằng họ đã nắm quyền và kết quả bầu cử bị hủy bỏ, chỉ vài phút sau khi Tổng thống Ali Bongo chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba.

Nếu thành công, đây sẽ là cuộc đảo chính thứ 8 kể từ năm 2020 ở Tây và Trung Phi - khu vực mà trong thập kỷ qua đã đạt được tiến triển để loại bỏ dần tên gọi "vành đai đảo chính" - chỉ tình trạng tham nhũng và mất an ninh liên tục mở ra cánh cửa cơ hội cho giới lãnh đạo quân sự lên nắm quyền. Dưới đây là một số cuộc đảo chính gần đây trong khu vực.

“Vành đai đảo chính” Trung và Tây Phi “nóng” hơn bao giờ hết - Ảnh 1.

Đảo chính ở Niger. Ảnh: Reuters

Niger

Tháng 7/2023, các thành viên của lực lượng bảo vệ tổng thống Niger đã giam giữ Tổng thống Mohamed Bazoum trong dinh thự của ông và xuất hiện trên truyền hình để tuyên bố nắm quyền nhằm chấm dứt "tình trạng an ninh suy giảm và quản lý yếu kém".

Việc chính quyền quân sự tuyên bố người đứng đầu lực lượng bảo vệ tổng thống - ông Abdourahamane Tiani là nguyên thủ quốc gia mới đã làm dấy lên lo ngại về tình hình an ninh khu vực , nơi mà Niger là một đối tác chủ chốt của nhiều nước phương Tây nhằm ngăn chặn các cuộc nổi dậy của những lực lượng có liên hệ với al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) trong khi cố gắng đàm phán với lãnh đạo phe đảo chính thì cũng tuyên bố sẵn sàng điều động quân đội tới Niger để khôi phục trật tự hiến pháp nếu nỗ lực ngoại giao thất bại. Niger đã đồng ý để các lực lượng vũ trang của Mali và Burkina Faso can thiệp trong trường hợp bị tấn công.

Burkina Faso

Tháng 1/2022, quân đội Burkina Faso lật đổ Tổng thống Roch Kabore khi đổ lỗi cho ông vì không thể ngăn chặn bạo lực do các nhóm phiến quân Hồi giáo gây ra.

Lãnh đạo phe đảo chính - Trung tá Paul-Henri Damiba cam kết sẽ khôi phục an ninh nhưng các cuộc tấn công ngày càng trở nên tồi tệ hơn, làm suy giảm tinh thần chiến đấu của lực lượng vũ trang. Điều đó đã dẫn đến cuộc đảo chính thứ hai vào tháng 9/2022 khi lãnh đạo chính quyền quân sự hiện nay là Đại úy Ibrahim Traore lên nắm quyền.

Guinea

Tháng 9/2021, chỉ huy lực lượng đặc biệt - Đại tá Mamady Doumbouya đã lật đổ Tổng thống Alpha Conde. Một năm trước đó, việc ông Conde thay đổi hiến pháp để tránh các hạn chế ngăn cản ông tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba đã khiến các cuộc nổi loạn lan rộng.

Ông Doumbouya sau đó đã trở thành tổng thống lâm thời và cam kết sẽ có sự chuyển giao sang các cuộc bầu cử dân chủ trong 3 năm.

ECOWAS bác bỏ khung thời gian này và áp đặt hạn chế lên các thành viên của chính quyền quân sự cũng như gia đình họ, trong đó có việc đóng băng tài khoản ngân hàng.

Chính quyền quân sự đã đề xuất bắt đầu quá trình chuyển giao 24 tháng vào tháng 1/2023 nhưng các đảng phái đối lập cho biết họ hầu như không hành động gì để thực hiện lộ trình quay về các quy định theo hiến pháp.

Cộng hòa Chad

Tháng 4/2021, quân đội Chad nắm quyền sau khi Tổng thống Idriss Deby thiệt mạng khi thăm quân đội đang chiến đấu với lực lượng nổi dậy ở phía Bắc. Theo luật của Cộng hòa Chad, Chủ tịch Quốc hội sẽ trở thành tổng thống. Tuy nhiên, hội đồng quân sự đã can thiệp và giải tán quốc hội với lý do đảm bảo sự ổn định.

Con trai của ông Deby - Tướng Mahamat Idriss Deby trở thành tổng thống lâm thời và chịu trách nhiệm giám sát quá trình chuyển giao 18 tháng tới khi tổ chức bầu cử.

Sự chuyển giao quyền lực không theo hiến pháp này đã dẫn đến các cuộc bạo động ở thủ đô N'Djamena nhưng đã bị quân đội giải tán.

Mali

Tháng 8/2020, một nhóm các đại tá của Mali, dẫn đầu là ông Assimi Goita đã lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita. Cuộc đảo chính diễn ra sau khi các cuộc biểu tình chống chính phủ lan rộng do tình hình an ninh suy giảm, tranh cãi bầu cử và cáo buộc tham nhũng.

Dưới sức ép từ các nước láng giềng Tây Phi, chính quyền quân sự Mali nhất trí chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự lâm thời, chịu trách nhiệm giám sát quá trình chuyển giao kéo dài 18 tháng tới khi các cuộc bầu cử dân chủ được tổ chức vào tháng 2/2022.

Tuy nhiên, lãnh đạo phe đảo chính đã bất đồng với tổng thống lâm thời - đại tá đã nghỉ hưu Bah Ndaw và tiến hành cuộc đảo chính thứ hai vào tháng 5/2021. Ông Goita - người từng là phó tổng thống lâm thời đã được đưa lên vị trí tổng thống.

ECOWAS dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt lên Mali sau khi giới cầm quyền quân sự đề xuất một quá trình chuyển giao kéo dài 2 năm sang chế độ dân chủ và công bố luật bầu cử mới. Quốc gia này dự kiến sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 2/2024 để khôi phục trật tự hiến pháp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại