Vắng Trung Quốc, phương Tây lúng túng nhóm họp đối phó Triều Tiên

Anh Tuấn |

Hãng tin Reuters đưa tin, ngoại trưởng 20 nước trên thế giới sẽ nhóm họp vào ngày 16/1 để tìm phương án đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên, song Trung Quốc, một quốc gia có vai trò rất quan trọng, sẽ vắng mặt.

Cuộc họp giữa các ngoại trưởng sẽ diễn ra tại thành phố Vancouver (Canada), được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang tạm thời lắng xuống. Triều Tiên và Hàn Quốc đã đối thoại với nhau lần đầu tiên sau hai năm vào tuần trước và Bình Nhưỡng khẳng định họ sẽ cử đoàn thể thao sang Hàn Quốc tham dự Thế vận hội ở Pyeongchang.

Dù vậy, Mỹ và nhiều nước khác cho biết cộng đồng quốc tế vẫn phải tìm các cách khác nhau để tác động vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

“Đang có những bằng chứng cho thấy sức ép mà chúng ta tạo ra đang ảnh hưởng phần nào đến Triều Tiên“, ông Brian Hook, Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Ông Hook cũng nói thêm rằng những người tham gia cuộc họp, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ tìm các phương án để thúc đẩy an ninh vùng biển để ngăn chặn các tàu biển có ý định phá lệnh cấm vận, cũng như phương án cắt đứt nguồn tài chính đối với Triều Tiên.

Một thách thức lớn trong cuộc họp tại Vancouver đó là sự vắng mặt của Trung Quốc, đất nước có ảnh hưởng đáng kể đối với Triều Tiên. Hiện tại, Bắc Kinh là đồng minh và là đối tác thương mại quan trọng của Bình Nhưỡng.

Trung Quốc đã chỉ trích cuộc họp này. “Việc tổ chức một cuộc họp không có những bên quan trọng trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ không thể giúp giải quyết triệt để vấn đề này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Kháng phát biểu.

Ông Hook cho biết Trung Quốc và Nga, quốc gia cũng sẽ không tham dự cuộc họp, sẽ được thông báo về nội dung các cuộc trao đổi đã diễn ra. Dù vậy, sự vắng mặt của Bắc Kinh sẽ có tác động rất lớn. “Nếu không có Trung Quốc, những gì đạt được sẽ rất giới hạn”, một quan chức ngoại giao cho biết.

Ông Zhao Tong, một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên cho biết Mỹ không muốn Nga và Trung Quốc làm rối loạn cuộc họp bằng việc đưa ra đề xuất ngừng cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc mà Triều Tiên cho là tiền đề cho một cuộc xâm lược.

Nỗi lo sợ chiến tranh đã phần nào giảm bớt sau cuộc đối thoại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vào tuần trước, và trong một cuộc phỏng vấn với báo Wall Street Journal, ông Trump ngầm tỏ ý rằng ông muốn cải thiện quan hệ sau một khoảng thời gian ông và ông Kim có những phát biểu đe dọa nhau.

Các quan chức Mỹ cho biết, mặc dù nhiều người trong chính quyền Trump không cho rằng cuộc hội đàm giữa Triều Tiên và Trung Quốc có thể sẽ không có tác dụng, song trong bối cảnh Thế vận hội Mùa đông sẽ diễn ra tại Hàn Quốc, họ đã không còn ủng hộ tấn công trước bằng tên lửa nữa.

Về phần mình, ông Trump liên tục khen ngợi lẫn chỉ trích Trung Quốc khi ông cho rằng nước này có vai trò quan trọng trong việc cản trở tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Vào ngày 12/1, Nhà Trắng đã hoan nghênh khi kim ngạch nhập khẩu từ Triều Tiên của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2014. Tuy nhiên tháng trước, ông Trump đã chỉ trích Trung Quốc vẫn ngầm cung cấp dầu cho Triều Tiên. Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại