Vận mệnh xe điện tại Hàn Quốc lâm nguy vì 6 năm xảy ra hơn 200 vụ hỏa hoạn, 1 thành phần khi bắt lửa sẽ cháy dữ dội

Vũ Anh |

Sự vụ đã làm dấy lên nhiều lo ngại xoay quanh xe điện.

Ngọn lửa từ chiếc xe điện Mercedes-Benz nhanh chóng lan qua bãi đậu xe của một khu chung cư tại Hàn Quốc. Gần 900 chiếc ô tô bị hư hại. 23 người ngạt khói.

Theo các quan chức Incheon, thành phố gần Seoul, nơi xảy ra sự cố vào rạng sáng ngày 1/8, lính cứu hỏa phải mất hơn 8 giờ đồng hồ mới có thể dập tắt đám cháy khi nhiệt độ lên tới hơn 1.500 độ C. Nguyên nhân hiện chưa được tiết lộ, song đã làm dấy lên nỗi lo về an toàn đối với các chủ xe.

Một nền tảng bán xe cũ phổ biến có tên K Car cho biết số lượng xe điện rao bán gần đây đã tăng gần gấp 3 kể từ sau vụ cháy.

“Tôi biết xe điện là lựa chọn thân thiện với môi trường, song bản thân vẫn sợ rủi ro bốc cháy”, Lee Min, một nhân viên văn phòng tại Seoul, cho biết. “Tôi thậm chí còn sợ hơn sau khi chứng kiến vụ việc ở Incheon”.

Tin tức xoay quanh sự vụ đang được quan chức chính phủ cố gắng xoa dịu. Họ cho biết vào cuối tháng tới sẽ ngăn chặn việc sạc đầy xe điện tại các bãi đỗ dưới tòa nhà dân cư, đồng thời giới hạn công suất ở mức 90% để ngăn ngừa nguy cơ sạc quá mức.

Một số nhà sản xuất ô tô, bao gồm Mercedes-Benz Hàn Quốc, đã cung cấp cho các chủ sở hữu dịch vụ kiểm tra an toàn miễn phí đối với xe điện cũng như xác định nhà cung cấp pin. Hãng xe Đức cho biết một công ty Trung Quốc có tên Farasis Energy chính là bên cung cấp pin cho chiếc Mercedes-Benz xấu số.

Được biết, Farasis Energy từng phải tiến hành một đợt triệu hồi lớn tại Trung Quốc vào năm 2021 do nguy cơ cháy pin. Ngoài ra, pin của Farasis Energy cũng chưa bao giờ được các cơ quan chức năng Hàn Quốc thử nghiệm an toàn.

“Sự phổ biến của xe điện sẽ giảm trong thời gian tới”, Lee Ho-Geun, giáo sư kỹ thuật ô tô tại Đại học Daeduk ở thành phố Daejeon, cho biết. “Mọi người đang sợ hãi”.

Trước vụ hỏa hoạn, thị trường xe điện của Hàn Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng. Chính phủ triển khai nhiều khoản trợ cấp cho người mua, đồng thời giảm thuế cho các nhà sản xuất xe điện như một phần của nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính khoảng 40% vào năm 2030. Hoạt động mua bán ô tô chạy bằng xăng cũng được kỳ vọng chấm dứt vào năm 2035.

Theo số liệu của chính phủ, gần 200 vụ cháy xe điện được ghi nhận trên toàn quốc trong hơn 6 năm qua. Vụ cháy tại một nhà máy pin lithium gần thủ đô trước đó đã khiến 23 công nhân thiệt mạng vào tháng 6.

Vận mệnh xe điện tại Hàn Quốc lâm nguy vì 6 năm xảy ra hơn 200 vụ hỏa hoạn, 1 thành phần khi bắt lửa sẽ cháy dữ dội- Ảnh 1.

Lithium, được sử dụng trong hầu hết các loại pin EV, sẽ cháy dữ dội khi bắt lửa. Theo sở cứu hỏa quốc gia Hàn Quốc, không có bình chữa cháy nào được chính phủ phê duyệt dành riêng cho các vụ cháy pin lithium.

Xe điện ít bắt lửa hơn các loại xe khác. Theo Ủy ban An toàn và Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ, cứ 100.000 xe điện thì chỉ có 25 vụ cháy, so với 1.530 vụ đối với xe chạy bằng xăng. Tuy nhiên, ông Lee, giáo sư kỹ thuật, cho biết cháy pin có thể nguy hiểm và gây thiệt hại nhiều hơn.

Hỏa hoạn đã làm dấy lên nhiều lo ngại xoay quanh xe điện. Đoạn video an ninh do các hãng tin công bố cho thấy khói bốc ra từ chiếc Mercedes EQE 350. Nó không được cắm điện vào thời điểm đó.

Vài ngày sau vụ hỏa hoạn, Mathias Vaitl, chủ tịch Mercedes-Benz Hàn Quốc, cho biết công ty sẽ trả 4,5 tỷ won, tương đương khoảng 3,4 triệu USD, cho những cư dân bị ảnh hưởng. Mercedes-Benz cho biết trong một tuyên bố rằng hãng vô cùng xin lỗi tất cả những người bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, người dân đã từ chối lời đề nghị này vì cho rằng mức giá quá thấp. Lee Yong-woo, một nhà lập pháp đại diện cho khu vực xảy ra hỏa hoạn, đã tổ chức cuộc họp báo kêu gọi Mercedes-Benz Hàn Quốc hành động.

“Người dân trong khu chung cư này đã phải chịu thiệt hại đáng kể do vụ hỏa hoạn, bao gồm cả việc bị cắt điện và nước”, ông Lee cho biết. “Mercedes-Benz Hàn Quốc phải bồi thường đầy đủ và kịp thời cho những cư dân bị ảnh hưởng”.

Sau vụ hỏa hoạn, nhà sản xuất ô tô Đức đã công bố danh sách các nhà cung cấp pin. Vào cuối tuần, chính phủ cho biết sẽ yêu cầu tất cả các nhà sản xuất ô tô tiết lộ chi tiết thông tin về các nhà cung cấp pin vào đầu năm sau.

Ông Lee, giáo sư kỹ thuật, cho biết chính phủ cần nâng cấp cơ sở hạ tầng sạc và hệ thống ứng phó cháy nổ. Việc giới hạn mức sạc pin ở mức 90% sẽ không giúp ích nhiều trong việc ngăn ngừa cháy nổ.

“Điều đó chỉ giống như yêu cầu một người hút 2 điếu thuốc thay vì 3 điếu vậy”, giáo sư Lee nói.

Theo Giáo sư Yoon Won-sub tại trung tâm nghiên cứu pin do Đại học Sungkyunkwan và Samsung SDI điều hành, không có bằng chứng nào cho thấy pin sạc đầy có nguy cơ bắt lửa cao hơn. Ông cho biết việc sạc quá mức không phải là yếu tố tạo ra hỏa hoạn và rằng trên thực tế, xe điện vốn đã không bao giờ sạc đầy ngay cả khi bảng điều khiển hiển thị 100% pin.

Không chỉ các chuyên gia, chủ sở hữu xe điện cũng không hài lòng với những quy định mới sắp có hiệu lực bởi khi bị giới hạn sạc, hiệu quả phạm vi sử dụng của xe điện sẽ giảm. Trên trang mạng xã hội của Hàn Quốc, một chủ sở hữu xe Tesla đã chia sẻ: “Nếu xe chạy bằng xăng bốc cháy, liệu chính phủ có giới hạn việc đổ xăng ở mức 90% hay không? Không hiểu những con số như 80 và 90% được đưa ra dựa trên dữ liệu nào? Nếu nguy hiểm như vậy, tại sao ngay từ đầu chính phủ lại khuyến khích mọi người mua xe điện?”.

Theo Kim Jong-hoon, phó giáo sư khoa kỹ thuật điện tại Đại học Quốc gia Chungnam, “Có vẻ như danh tiếng của các nhà sản xuất xe điện sẽ không bị tổn hại vì vấn đề trong trường hợp này là ở pin. Các nhà sản xuất pin sẽ phải chịu tổn thất”.

Theo: The New York Times, Nikkei Asia

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại