Bắc Kinh đáp lời Tokyo
Trang Đa Chiều (Mỹ) cho hay, kế hoạch thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Kishida đã được đề cập chính thức từ tháng 1/2016, nhưng gặp nhiều trở ngại bởi thái độ tiêu cực từ Bắc Kinh.
Với việc hai nước thỏa thuận thành công để thực hiện chuyến thăm này, truyền thông quốc tế dự đoán đây là bước ngoặt để quan hệ Trung-Nhật đạt được cải thiện.
Trước đó, báo chí Nhật Bản cũng dự đoán về "chuyển biến trong quan hệ Trung-Nhật" khi Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Triều Tiên Vũ Đại Vĩ thăm Nhật Bản ngày 4/4.
Trái với thái độ tiêu cực thường thấy trước đó giữa quan chức hai nước, ông Vũ tuyên bố Trung Quốc kỳ vọng chuyến thăm Ngoại trưởng Fumio Kishida. Đây chính là tín hiệu quan trọng nhất từ Bắc Kinh.
Thời điểm đánh dấu sự thay đổi của Bắc Kinh được cho là vào ngày 14/3, khi ông Vương Nghị lần đầu nhấc máy đáp lời Fumio Kishida.
Mặc dù cuộc điện đàm còn cho thấy nhiều mâu thuẫn phức tạp, nhưng "song phương đạt được đồng thuận ở mức độ nhất định trong chính sách đối với Triều Tiên".
Ngoại trưởng Nhật đã gọi điện liên tục cho Bắc Kinh từ hôm 6/1, ngày CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom khinh khí (bom H).
Hạt nhân Triều Tiên: Vấn đề duy nhất có thể đồng thuận
Theo Đa Chiều, tình hình bán đảo Triều Tiên diễn biến căng thẳng đã tạo ra cơ hội lớn để Tokyo và Bắc Kinh xích lại gần nhau.
Trung Quốc đang dần rơi vào tình trạng bị cô lập về vấn đề bán đảo khi các sáng kiến của nước này không được Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đồng thuận, trong khi Nga có những tính toán riêng ở Đông Bắc Á.
Bối cảnh này biến Nhật Bản trở thành lựa chọn "đột phá khẩu" tối ưu đối với Trung Quốc.
Về phía Nhật, Đa Chiều cho rằng, nước này có đủ động lực và khả năng để giúp Trung Quốc "phá vây" của Mỹ và Hàn Quốc, từ đó giúp chính Tokyo thoát khỏi vị thế "kẻ đứng bên lề" trong vấn đề hạt nhân bán đảo.
Bên cạnh đó, trong khi Trung-Nhật mâu thuẫn về lập trường trong vấn đề biển Đông và tranh chấp lãnh thổ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên đã trở thành cơ sở hợp lý để "phá băng" quan hệ.
Có thể dự đoán đây là mục tiêu chiến lược của Tokyo và là trọng tâm cuộc trao đổi giữa ông Kishida với Ngoại trưởng Vương Nghị và có thể là Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nếu ông Lý chấp nhận tiếp kiến.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) bước qua Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ đón khách mời của hội nghị thượng đỉnh APEC 2014 tại Bắc Kinh. (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi vấn về kết quả chuyến đi của Ngoại trưởng Kishida, bởi phía Trung Quốc đã tỏ rõ thái độ hy vọng Nhật Bản "hành động cùng phương hướng với Bắc Kinh".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Fumio Kishida tìm kiếm một cuộc đối thoại "thẳng thắn", khẳng định "điều gì cần nói vẫn phải nói", đề cập đến vấn đề tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và quân sự hóa biển Đông.
Trên thực tế, từ sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Bắc Kinh tháng 11/204, quan hệ song phương đã rơi vào quỹ đạo giữa chuyển biến tốt và "giậm chân tại chỗ".
Đầu tháng 3 vừa qua, các quan chức hai nước đã cố gắng thỏa thuận để tiến hành hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo. Bản thân Thủ tướng Abe cũng xác nhận nỗ lực tổ chức hội đàm với ông Tập vào tháng 9 tới.
Các động thái này diễn ra song song với mối lo ngại của Trung Quốc khi Luật an ninh mới của Nhật chính thức có hiệu lực từ 29/3, cùng với sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Tokyo trong vấn đề biển Đông.
Dư luận Trung Quốc không kỳ vọng nhiều vào cuộc gặp Kishida-Vương Nghị
Trong một cuộc thăm dò ý kiến trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, hơn 4.500 độc giả đã tham gia trả lời câu hỏi "Nhân tố bất ổn trong phát triển quan hệ Trung-Nhật trong tương lai có thể giảm bớt không?", để đánh giá về triển vọng chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật.
89% người trả lời, tương đương hơn 4.000 độc giả, đã lựa chọn phương án "Không".