Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan
Trong bài phân tích đăng trên trang Phượng Hoàng, nhà phân tích Đinh Đông cho rằng Trung Quốc đang cố gắng tiếp cận tranh chấp chủ quyền ở biển Đông theo phương pháp của Mỹ để tránh tình trạng bị động.
Đinh Đông bình luận: "Trung Quốc bắt đầu nhận ra các cơ chế phát ngôn và chính sách ngoại giao cũ kỹ đã mất dần hiệu quả, thể hiện rõ nhất là mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và xã hội quốc tế trong các nghị trình về biển Đông ngày càng rõ rệt.
Do đó, Trung Quốc đang chủ động ngừng phản đối 'sự can thiệp của quốc gia bên ngoài (như Mỹ, Nhật Bản) vào tranh chấp biển Đông', thay vào đó là tích cực vận động hành lang đối với Nga, Ấn Độ, Brunei, Campuchia... để xây dựng 'mặt trận' đối trọng với Mỹ."
Từ khoảng giữa tháng 4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiến hành một loạt cuộc tiếp xúc với những người đồng cấp cùng các quan chức cấp cao của Nga, Ấn Độ, Brunei, Campuchia...
Mới đây, truyền thông Trung Quốc rầm rộ đăng tải thông tin "12 nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vấn đề biển Đông".
Trong khi đó, theo Tân Hoa Xã, Cục Hải dương Trung Quốc tuyên bố đã thực hiện kế hoạch hợp tác về biển Đông trong 5 năm với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Một thực tế khác mà Bắc Kinh phải thừa nhận, dù không công khai, rằng biển Đông không còn đơn thuần là vấn đề cục bộ giữa nước này và các quốc gia trong khu vực, mà đã phát triển theo xu hướng quốc tế hóa, trở thành một vấn đề quan hệ quốc tế mới.
Sự thất thế của bất cứ bên nào cũng ảnh hưởng tới trật tự thế giới trong tương lai.
"Mỹ chắc chắn không thể vắng mặt ở khu vực chiến lược này, còn lập trường của Trung Quốc sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn," ông Đinh viết.
Trong gần 1 năm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh nước này "không muốn thách thức Mỹ" mà đặt mục tiêu thiết lập một "trục quốc tế" mới do Bắc Kinh đóng vai trò chủ đạo.
Tuy nhiên, ông Đinh Đông chỉ ra, hiện thực hóa mục tiêu của ông Tập đồng nghĩa với Bắc Kinh "rút lui toàn diện" ở biển Đông để tránh Mỹ.
Ông Đinh chỉ ra, ý định ban đầu của chính phủ Trung Quốc là lợi dụng vấn đề biển Đông như một công cụ để khơi dậy chủ nghĩa dân tộc trong nước.
Nhưng các diễn biến ở biển Đông kể từ khi nước này tăng tốc các hoạt động bồi lấp, cải tạo đảo nhân tạo phi pháp và bố trí vũ khí trái phép đang dần trở thành thực tế lộ liễu, khiến việc che đậy và lấp liếm trở thành gánh nặng đối với Bộ ngoại giao Trung Quốc.
Bắc Kinh đang ở vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, bởi hiện nay họ không thể từ bỏ lập trường cố hữu ở biển Đông bởi điều đó đồng nghĩa với tạo ra bất ổn trong nước.
Nhưng cái giá phải trả quá lớn về nguồn lực ngoại giao, như sự cô lập từ xã hội quốc tế, đã vượt quá khả năng chịu đựng của Trung Quốc.
"Trung Quốc cuối cùng nhận ra mình rơi vào một cái bẫy logic, đó là duy trì chủ nghĩa dân tộc hay phát triển quan hệ quốc tế hòa dịu?"
Cuộc tập trận chung Balikatan của quân đội Mỹ và Philippines diễn ra hồi tháng 4. (Ảnh: National Interest)
Mỹ chắc chắn không từ bỏ vấn đề biển Đông
Theo học giả Đinh Đông, Trung Quốc phản đối "sự can thiệp" của các nước bên ngoài khu vực vào tình hình biển Đông, được hiểu là chủ yếu nhằm vào Mỹ, Nhật cùng các nước phương Tây.
Bắc Kinh chỉ trích các nước này là "lợi dụng vấn đề biển Đông để bành trướng lợi ích".
Mỹ tuyên bố biển Đông là nội dung cốt lõi trong chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Barack Obama, đồng thời là cơ sở để Washignton xây dựng liên minh quốc tế quy mô lớn chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.
Điều này khiến môi trường ngoại giao châu Á dần trở nên bất lợi đối với Trung Quốc.
Đinh Đông cho hay, đến nay Mỹ đã thể hiện được sức mạnh quân sự trên biển Đông với sự hiện diện của hầu hết khí tài có khả năng tấn công tầm xa.
Mới đây nhất là 4 máy bay A-10C Thunderbolt II cùng hai máy bay trực thăng HH-60G Pave Hawk của Mỹ thực hiện nhiệm vụ bay ở không phận gần bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham).
Đây là động thái chứng minh quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải trên biển Đông, một vấn đề quan trọng đối với Mỹ và đồng minh.
Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni (phải) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Phnom Penh hôm 22/4. (Ảnh: Xinhua/Xue Lei)
Quan trọng hơn, theo học giả Đinh, sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của Mỹ tại biển Đông là lời cảnh cáo nhằm vào nỗ lực thay đổi trật tự thế giới của Trung Quốc.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, D.C. hôm 5/4, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tuyên bố Trung Quốc là "thách thức chiến lược" của Mỹ, bên cạnh Nga, Triều Tiên, Iran và... chủ nghĩa khủng bố.
Chính sách ngoại giao tích cực của Tập Cận Bình đối với biển Đông và Hoa Đông đã làm mối quan ngại của Mỹ sâu sắc hơn.
Chuyên gia Đinh Đông phân tích, đối với quốc gia "mới nổi" như Trung Quốc, việc chấp nhận trật tự quan hệ quốc tế hiện có khiến Bắc kinh khó chịu, nhưng một thực tế dễ nhận thấy là không quốc gia đơn lẻ nào, kể cả Nga và Trung Quốc, có đủ sức mạnh thách thức trật tự này.
Mỹ nhận định hiển nhiên rằng thái độ cứng rắn và hành động gia tăng quân sự hóa của Trung Quốc trên biển Đông chính là nỗ lực "phá rào" nhằm xây dựng hệ thống an ninh riêng của Bắc Kinh.
Và sự "can thiệp toàn lực" của Washington là hệ quả tất yếu khi chính Trung Quốc biến vấn đề biển Đông thành "trọng tâm chiến lược" đối với Mỹ.