Cổ đông của Gazprom
Trong suốt chiến dịch tranh cử, những quan điểm về Nga của Donald Trump luôn khác biệt với các ứng viên khác. Ông ta hơn một lần khẳng định sẽ cải thiện quan hệ với Washington – Moscow, đồng thời ca ngợi Tổng thống Putin là “nhà lãnh đạo mạnh mẽ".
"Tôi nghĩ tôi có mối quan hệ rất tốt với Putin", tỉ phú Mỹ từng phát biểu.
Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi Trump "nhắm" cái tên Carter Page vào nhóm cố vấn chính sách đối ngoại.
Nhờ những năm tháng làm việc và sau đó là khai thác thị trường năng lượng tại Nga, Carter Page đã gây dựng được nhiều mối quan hệ với giới doanh nhân ở đây.
Page chia sẻ, sau khi tên mình được Trump xướng lên, hòm thư điện tử của ông đầy ắp những email tích cực từ Nga.
"Rất nhiều người tôi quen biết và từng làm việc đã gặp bất lợi bởi chính sách cấm vận (của châu Âu đối với Nga. Nhiều người đã bày tỏ sự phấn khởi về khả năng tình hình tốt lên".
Bản thân Page và hoạt động kinh doanh của ông cũng phải chịu hậu quả trực tiếp từ các lệnh cấm vận kinh tế.
Ngoài mối quan hệ thân thiết với một số nhân vật cấp cao ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom, Page tiết lộ, ông hiện đang là một nhà đầu tư của tập đoàn này và hàng năm, vẫn tới tham dự cuộc gặp mặt thường niên giữa các nhà đầu tư.
Carter Page tại Tbilisi, Gruzia.
“Tuyển” phó Giám đốc Gazprom làm cố vấn
Mối quan tâm của Page dành cho nước Nga bắt nguồn từ những năm tháng tuổi trẻ của ở Hudson Valley, New York.
Khi xem chương trình tin tức nói về các cuộc thảo luận vấn đề kiểm soát vũ khí, ông đã bị thu hút bởi một cố vấn mặc quân phục ngồi phía sau Tổng thống Ronald Reagan.
Một vài năm sau, Page ghi danh vào Học viện Hải quân Hoa Kỳ, rồi vào làm cho bộ phận kiểm soát vũ khí tại Nhà Trắng và hoàn thành khóa nghiên cứu của mình tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, New York.
Năm 2000, Page nhận công việc tại nhóm phụ trách thị trường vốn của tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới tại Mỹ Merrill Lynch, chính thức bước chân vào lĩnh vực trung gian tài chính.
Mối quan hệ với tỉ phú người Ukraine Victor Pinchuk đã giúp ông gây ấn tượng mạnh với đồng nghiệp, để rồi sau đó được cử đến giúp mở văn phòng công ty ở Moscow năm 2004.
Tại Nga, Page đã thiết lập được mối quan hệ với các nhân sự cấp cao ở Gazprom. Doanh nhân này tiết lộ, ông chính là người cố vấn cho Gazprom trong nhiều thương vụ lớn nhất của tập đoàn này vào thời điểm đó, ví dụ như vụ mua lại mỏ dầu khí Sakhalin ở biển Okhotsk.
Ông cũng giúp Gazprom trong những vụ kiện nhà đầu tư phương Tây, hỗ trợ tổ chức các cuộc gặp mặt định kỳ đầu tiên với các cổ đông của họ ở New York và London.
Rất nhiều quan chức cấp cao tập đoàn dầu khí Nga đã có mặt trong bữa tiệc chia tay trước khi Page quay trở về New York năm 2007, được tổ chức ở một nhà hàng gần Điện Kremlin.
Sau khi trở về nước, ông đã dùng số tiền kiếm được từ Merrill bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng của mình vào năm 2008 - công ty Global Energy Capital LLC, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.
Ông đã đi tới Turkmenistan, đàm phán để mở một quỹ đầu tư vốn cổ phần cá nhân trị giá 1 tỉ USD nhằm mua tài sản ở nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này và gặp gỡ các quan chức cấp cao. Song, không may là khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến ý tưởng đó “phá sản”.
Cuối cùng, Page tập trung hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, đánh giá thị trường, bao gồm việc tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài mua tài sản ở Nga.
Trong một số thương vụ, ông đã từng làm việc với cựu phó giám đốc tài chính Sergey Yatsenko của Gazprom. Nhân vật này nay là cố vấn chính thức cho công ty của Page.
Yatsenko cũng xác nhận đã hợp tác với Page khi hỗ trợ một nhà đầu tư Nga khi khai thác thị trường đầu tư dầu mỏ ở khu vực người Kurd tại Iraq và cố vấn cho một nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua dầu mỏ Nga ở Đông Siberia.
Một dự án khác liên quan tới việc phát triển phương tiện chạy bằng khí ga tự nhiên ở Nga - nhiều khả năng hợp tác với Gazprom cũng đang được Page và Yatsenko thúc đẩy, cuối cùng đã vì các lệnh cấm vận mà phải hoãn lại.
Carter Page chụp ảnh với Chủ tịch Tập đoàn Al Hayat ở Bahrain.
Chuyên gia hay "gà mờ"?
Thay vì “chiêu mộ” những nhân vật có hiểu biết và đặc biệt quan tâm tới chính sách của Washington, Donald Trump lại chọn cho mình một đội ngũ cố vấn mà theo đánh giá của New York Times, là có kinh nghiệm thực tế.
Page thẳng thắn thừa nhận, điều đó ẩn chứa rủi ro.
Vừa là doanh nhân, vừa là chuyên gia về chính sách đối ngoại, bản thân ông đôi khi cũng phân vân giữa mối quan hệ làm ăn của mình với Nga và góc nhìn trong việc việc lãnh đạo sao cho phù hợp với lợi ích quốc gia.
Dù vậy, ông tự tin rằng kinh nghiệm cố vấn cho các công ty Nga và kỹ năng tìm kiếm, "chinh phục" thỏa thuận hợp tác ở những khu vực như Turkmenistan sẽ mang lại cho Trump một cái nhìn thực tế hơn so với "những người ở xa, chỉ ngồi vắt chân sung sướng tại các công ty cố vấn tại Washington".
Page không nói cụ thể quan điểm chính sách của mình, bởi nhiệm vụ của ông trong chiến dịch tranh của của Trump vừa mới bắt đầu.
Tuy nhiên, cố vấn của tỉ phú Mỹ khẳng định, sự nghiệp của mình được ghi dấu bởi niềm đam mê suốt đời với Nga và Trung Á, và quyết tâm phải thiết lập hoạt động kinh doanh ở đó, ngay cả khi phải đối mặt với những "cơn gió ngược chiều về chính trị".
Page cũng nói thêm rằng, vai trò của mình trong chiến dịch tranh cử mà Trump đang tiến hành nhiều khả năng sẽ không mang lại cho ông lợi ích về kinh tế. Thậm chí, một dự án đã buộc phải hoãn lại.
"Tất cả các buổi tối và cuối tuần của tôi đều dành cho các ý tưởng, chứ không phải tìm kiếm dự án tiếp theo để kiếm tiền".
Ông Bernie Sucher, cựu giám đốc chi nhánh Merrill tại Nga khẳng định, Page "hiểu rõ những vấn đề ngầm và phức tạp trong sự tương tác giữa chính trị và năng lượng".
Trái lại, một quan chức cấp cao khác của Merrill tại Nga là Sergey Aleksashenko thì phàn nàn, Page chẳng hiểu gì về quốc gia này. “Tôi không thể tưởng tượng nổi có ngày Carter lại là cố vấn về chính sách đối ngoại. Thật sự rất đáng kinh ngạc”.