Ảnh hưởng của Nga ngày càng suy yếu
Sau khi giao tranh bùng nổ giữa Azerbaijan và Armenia tại vùng đất tranh chấp Nagorno-Karabakh, Nga - trong vai trò trung gian hòa giải, đã cố gắng thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và sau đó là tạo ra một bước đột phá trong các cuộc đàm phán - vốn đang bị đình trệ.
Ngày 22/4, ông Larov đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Armenia Edward Nalbandian tại Yerevan – lần thứ Tư kể từ “Cuộc chiến 4 ngày” Armenia –Azerbaijan.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc gặp cho thấy, việc thúc đẩy nước này và Azerbaijan tiến tới sự đồng thuận gần như là một thách thức khó thể có giải quyết được.
Ngoại trưởng Nga tuyên bố đầy hi vọng rằng, tất cả những yếu tố cần thiết cho một giải pháp thông qua thương lượng, dẫn tới một bước tiến - dù nhỏ trong tiến trình chính trị, đều đã sẵn sàng.
Nhưng Armenia thì cho rằng, điều này có thể sẽ không xảy ra, bởi súng đạn đã khiến 100 binh sĩ mỗi bên thiệt mạng và tạo ra những thực tế mới trên mặt đất.
Việc Nga tuyên bố tiếp tục bán vũ khí cho Azerbaijan khiến Armenia vô cùng khó chịu.
Nó đã phá hỏng chính sách mà Kremlin lâu nay vẫn tiến hành, nhằm giữ Aliyev trong khu vực ảnh hưởng của mình và khiến Moscow không thể tiến hành các biện pháp mang tính thuyết phục hơn đối với đồng minh của mình.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev thì có vẻ như đang quyết tâm giữ căng thẳng leo thang cho tới khi ông ta nhận được những gì mình muốn - Armenia, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể CSTO, đầu hàng.
Trong khi đó, quyền lực thực sự của Nga trong vai trò trung gian đàm phán, kể cả những ảnh hưởng đối với các bên liên quan trong xung đột, đã suy yếu vì nhiều lý do.
Đó là chưa kể tới việc, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhân cơ hội này kích động cuộc tấn công nhằm vào người dân Nagorno-Karabakh, nơi Yeravan cho rằng mình có trách nhiệm phải bảo vệ, buộc Armenia phải ra tay và Nga, không còn lựa chọn nào khác, phải từ bỏ đồng minh.
Nhà phân tích Hovhannes Nikoghosyan cho rằng, Nga đang lâm vào "bi kịch" trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, khi mà không có quốc gia nào sẵn sàng thực hiện cam kết của mình trên cơ sở song phương.
Lính tình nguyện Armenia ở Nagorno-Karabakh
Mong mỏi của Nga sẽ tiếp tục "nằm lại" ở Kazan?
Còn ông Lavrov đã không thể mang theo bất cứ một đề xuất mới nào tới Armenia.
Những thông tin rò rỉ trên báo chí Nga chỉ ra, các nhà trung gian hòa giải, đặc biệt là Nga, đang muốn "vực lại" đề xuất giải quyết tranh chấp lãnh thổ, từng được đưa ra trên bàn đàm phán ở Kazan năm 2011.
Tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Armenia, ông Lavrov khẳng định Armenia không phản đối Kazan.
Tuy nhiên, Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan, trong cuộc phỏng vấn với tờ Bloomberg ngày 25/4 đã nói rằng: "Là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, Lavrov hiểu rõ rằng, đề cập tới các cuộc đàm phán sau Cuộc chiến 4 ngày không hoàn toàn hợp lý".
Ông Nikoghosyan cho rằng, phát biểu của Tổng thống Armenia ám chỉ rằng, cộng đồng quốc quốc tế không thể đề cập tới việc này với Armenia nếu không buộc Azerbaijan phải rút xe tăng, pháo binh của mình khỏi tiền tuyến.
Thông điệp của Armenia đối với Lavrov là, việc tiến trình hòa bình sẽ chỉ có thể đạt được bước tiến nếu thực hiện các biện pháp mang tính xây dựng, thiết lập cơ chế điều tra sự cố và có sự đảm bảo từ cộng đồng quốc tế rằng sẽ không có bom rơi đạn nổ.
Thật ra, tất cả những gì Lavrov đề cập đều đã nằm trong thỏa thuận được đưa ra trên bàn đàm phán từ nhiều năm trước. Song, tất cả tới giờ vẫn nằm trên giấy tờ, do Baku không chấp nhận.
Azerbaijan đã khiến tình hình trở nên phức tạp hơn khi, trong một văn bản gửi cho Hội đồng Bảo an ngày 14/4, được cho là đã rút ra khỏi thỏa thuận ngừng bắn năm 1994, khiến nước này không bị ràng buộc bởi các nguyên tắc không sử dụng vũ lực.
Làm thế nào mà đàm phán và hòa bình bền vững có thể đạt được trong một cuộc xung đột mà ở đó, các bên liên quan đều đang đẩy tình hình tới bờ vực chiến tranh, còn tầm ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài lại rất hạn chế?.