Nhưng những đòn bẩy về ảnh hưởng thực sự của Nga đối với các nước Baltic không phải là quân sự, và hành động NATO có thể không phải là câu trả lời phù hợp.
Cây viết Emily Ferris ngày 21/11 đã có bài bình luận về các cuộc tập trận của NATO tại Baltic và căng thẳng giữa liên minh này với Nga ở khu vực này trên trang phân tích Rusi.
Vào ngày 7/11, NATO đã tiến hành các cuộc tập trận huấn luyện quân sự với Ba Lan, trong đó có những nhóm tương đối lớn từ các nước Baltic, Estonia và Latvia. Anaconda 2018 là một cuộc tập trận thể hiện sự bảo đảm chính trị và nỗ lực để kiểm tra các thủ tục khẩn cấp và ứng phó khẩn cấp của liên minh.
Tuy nhiên, không rõ rằng các bài tập quân sự thuộc loại này có phản ánh nhu cầu an ninh thực sự của các quốc gia vùng Baltic.
Trong khi các nhà lãnh đạo Baltic e ngại ý định của Nga đối với các quốc gia của họ, thì dường như Nga không có tham vọng lãnh thổ chủ chốt ở đó mà Moscow chắc chắn quan tâm đến việc có ảnh hưởng sâu hơn về chính trị, tình báo và kinh tế với các nước Baltic. Và vẫn không rõ rằng liệu những vấn đề này NATO có thể giải quyết được bằng một phản ứng quân sự.
Kịch bản quân sự khó khả thi
Nga sẽ không mạo hiểm trực tiếp có hành động quân sự với một thành viên NATO, điều sẽ dấy lên sự phản ứng từ các thành viên khác. Trước đó, các nhà lãnh đạo Baltic đã ngày càng lo ngại sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, dấy lên những câu hỏi về việc thay đổi biên giới ở châu Âu.
Các quốc gia Baltic đặc biệt quan tâm đến các bài tập quân sự của Nga, lo ngại rằng Moscow có thể chuẩn bị cho cuộc xâm chiếm đất đai, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy cuộc tập trận Vostok năm nay hoặc Zapad năm ngoái của Nga là nhằm chiếm lấy lãnh thổ Baltic.
Nga không có nhiều mong muốn liên can vào một cuộc xung đột giáp biên giới nữa sau những bất ổn và tốn kém đối với tình hình ở miền đông Ukraine.
Điều thứ hai và quan trọng hơn, Nga đã có tác động đáng kể đến các nước Baltic, thông qua sức ảnh hưởng trong chính trị và quy trình tình báo của Baltics, cũng như các mạng lưới kinh doanh.
Trong khi Nga chắc chắn có lợi ích trong việc tìm hiểu về năng lực của các quốc gia vùng Baltic, thì những khả năng này không thể hoàn toàn tác động đến lĩnh vực quân sự, chẳng hạn như một cuộc xâm lăng lãnh thổ.
Con đường Nga gây ảnh hưởng
Mặc dù Nga không sẵn sàng có hành động quân sự với Baltics, Nga vẫn coi các nước này nằm trong phạm vi ảnh hưởng lịch sử của Nga. Chính quyền Nga vẫn quan tâm mạnh mẽ trong việc thu thập thông tin tình báo về các quy trình chính trị và quân sự ở đó. Emily Ferris cho hay, sự thâm nhập tình báo của Nga ở các nước Baltic được cho là rất cao.
Cục an ninh quốc gia Lithuania đã công bố bản Đánh giá mối đe dọa quốc gia của họ vào tháng 3, có đề cập tới nhiều hoạt động tình báo của Nga nhắm vào các chính sách đối ngoại và đối nội của Lithuania, bao gồm các nỗ lực gây ảnh hưởng tới công chúng trong cuộc bầu cử tổng thống Lithuania năm 2019.
Estonia cũng đã thấy sự gia tăng hoạt động tình báo của Nga. Đã có một số vụ hoán đổi điệp viên cấp cao, và vào tháng 9 một sĩ quan quân đội cấp cao của Estonia thuộc Bộ Quốc phòng và cha ông đã bị bắt vì tội gián điệp cho tình báo quân sự Nga (GRU).
Nga cũng phân bổ các nguồn lực để thu thập thông tin tình báo quan trọng nhằm đánh giá khả năng quân sự của các quốc gia Baltic. Cả ba nước Baltic đều cho rằng, Nga làm việc cùng tình báo Belarus để thu thập các thông tin, đặc biệt là từ quân đội Lithuania.
Baltic cũng quan ngại việc xây dựng quân đội của Nga ở vùng ngoại ô Kaliningrad (gần Lithuania), còn Moscow thì coi sự hợp tác của Baltic với các tổ chức như NATO, bao gồm việc củng cố quân đội và khí tài gần biên giới là những hành động leo thang căng thẳng.
Sức mạnh tại thương trường
Nga cũng duy trì ảnh hưởng đáng kể trong cộng đồng doanh nghiệp Baltic, đặc biệt là ở Latvia và Estonia. Nhiều doanh nghiệp lớn nước này được cho là có liên kết chặt chẽ với Nga. Lợi ích kinh doanh của Nga vẫn thống trị khu vực ngân hàng Latvia.
Tất cả ba quốc gia vùng Baltic cũng đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt và điện từ Nga và thay vào đó, liên kết với lưới điện của EU. Nhưng đây là tham vọng dài hạn và không thể đưa vào hoạt động trước năm 2025. Lithuania đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga thông qua cảng LNG tại Klaipėda và nhập khẩu khí đốt từ Na Uy.
Tập đoàn dầu khí khổng lồ của nhà nước Nga Gazprom đã thoái vốn tại hầu hết các công ty khí đốt Baltic. Tuy nhiên, Gazprom vẫn có cổ phần lớn ở Latvias Gāze, công ty khí đốt của Latvia, mặc dù thị trường khí đốt nước này được chính thức tự do hóa vào năm 2017.
Cộng đồng nói tiếng Nga
Một trong những đòn bẩy được thảo luận thường xuyên nhất về ảnh hưởng của Nga tại Baltics là thông qua những cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga quan trọng ở Estonia và Latvia – đang chiếm khoảng một phần tư dân số ở Latvia.
Các quốc gia vùng Baltic cho rằng, Điện Kremlin có thể ảnh hưởng đến cộng đồng này bằng cách nhấn mạnh vào những điều họ chưa hài lòng về nước sở tại, như những sự yếu kém về chính trị và kinh tế, trong khi nhiều người Nga chưa có quốc tịch và được cho là không có quyền công dân và họ cũng không được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử quốc gia.
Như một phần của điều này, Duma Nga (quốc hội) đang trong quá trình thông qua một dự luật đơn giản hóa thủ tục công dân cho người Nga sống ở nước ngoài.
Dự luật này sẽ áp dụng cho các quốc gia có tình huống chính trị hoặc kinh tế khó khăn như xung đột vũ trang (có thể là đề cập tới Ukraine), nhưng cũng có thể là muốn đề cập đến các quốc gia vùng Baltic khi cho rằng quyền của người Nga đang bị đe dọa.
Trong khi dự luật này có thể là một biện pháp để giải quyết các mối quan tâm về nhân khẩu học của Nga bằng cách khuyến khích người di cư có tay nghề quay trở lại Nga để làm việc, điều này cũng cho thấy Nga vẫn rất chú ý đến cộng đồng này ở Baltics.
Tuy nhiên, những cộng đồng dân tộc Nga này không tìm kiếm sự thay đổi chế độ ở Baltic. Đồng thời, bất chấp sự than phiền của những người nói tiếng Nga ở Estonia và Latvia, việc ở một nước thành viên EU thì mức sống của họ vẫn cao hơn ở Nga, và việc di cư trở lại Nga cũng không nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ họ.