Vai trò của vệ tinh tư nhân trong xung đột Nga-Ukraine

Hoàng Phạm |

Các công ty vệ tinh tư nhân đang đóng vai trò quan trọng chưa từng thấy trong cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay.

Đầu tháng 8/2022, các bức ảnh của Planet Labs – một công ty vệ tinh tư nhân, cho thấy vụ nổ tại căn cứ quân sự của Nga ở Bán đảo Crimea gây thiệt hại nặng nề hơn những gì phía Nga công bố trong các báo cáo công khai.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố những thiệt hại của Nga ở Crimea là bằng chứng về bước tiến của Kiev trong cuộc xung đột hiện nay.

Vai trò của vệ tinh tư nhân trong xung đột Nga-Ukraine - Ảnh 1.

Ảnh vệ tinh do Planet Labs cung cấp cho thấy máy bay Nga bị phá hủy sau vụ nổ ở Căn cứ Không quân Saky ở Crimea ngày 9/8.

Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi cuối tháng 2, Ukraine đã đề nghị các công ty vệ tinh tư nhân trên khắp thế giới cung cấp dữ liệu. Đến cuối tháng 4, Ukraine nhận được hình ảnh từ các công ty vệ tinh của Mỹ chỉ trong vòng vài phút sau khi dữ liệu được thu thập.

Các chuyên gia từ lâu đã thừa nhận rằng hình ảnh vệ tinh rất hữu ích trong bối cảnh xảy ra xung đột, cuộc chiến ở Ukraine cho thấy dữ liệu vệ tinh có thể tạo nên sự khác biệt mang tính quyết định khi nó cung cấp thông tin cho cả việc lên kế hoạch quân sự cũng như cái nhìn công khai về một cuộc chiến.

Từ những những hình ảnh vệ tinh thương mại có giá trị chiến lược trong xung đột Nga-Ukraine hiện nay, các quốc gia sẽ ngày càng đầu tư nhiều hơn vào các công ty vệ tinh tư nhân.

Sự phát triển của lĩnh vực vệ tinh thương mại

Các vệ tinh quay quanh Trái Đất để thu thập hình ảnh, tín hiệu vô tuyến và nhiều loại dữ liệu khác. Công nghệ này ban đầu được các nước phát triển vì mục đích trinh sát quân sự, dự báo thời tiết và giám sát môi trường.

Tuy nhiên, trong 2 thập kỷ qua, hoạt động thương mại trong lĩnh vực vệ tinh gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là tại Mỹ. Số lượng vệ tinh thương mại quan sát Trái Đất đã tăng từ 11 vệ tinh năm 2006 lên hơn 500 vệ tinh vào năm 2022, trong đó khoảng 350 vệ tinh là của các công ty Mỹ.

Các công ty vệ tinh thương mại đầu tiên đã hợp tác chặt chẽ với quân đội ngay từ giai đoạn mới hoạt động, nhưng các công ty mới bước chân vào lĩnh vực này lại không được phát triển với mục đích ứng dụng cho an ninh quốc gia.

Planet Labs, công ty có trụ sở ở Mỹ và hiện đóng vai trò đáng kể trong xung đột Ukraine, cho biết nhóm khách hàng của họ là những thành phần thuộc lĩnh vực "nông nghiệp và vẽ bản đồ thương mại". Công ty này hy vọng mở rộng hoạt động sang lĩnh vực "bảo hiểm, hàng hóa và tài chính".

Spire, một công ty khác của Mỹ, ban đầu tập trung vào giám sát thời tiết và theo dõi hoạt động hàng hải thương mại. Tuy nhiên, khi chính phủ Mỹ thiết lập các chương trình thử nghiệm năm 2016 nhằm đánh giá giá trị dữ liệu của các công ty vệ tinh, rất nhiều công ty đã hoan nghênh nguồn doanh thu mới này.

Giá trị đối với an ninh quốc gia

Một số chuyên gia đã gọi những gì diễn ra ở Ukraine là "cuộc chiến không gian thương mại" đầu tiên. Cuộc xung đột đã cho thấy rõ giá trị an ninh quốc gia của hình ảnh vệ tinh thương mại.

Chính phủ Mỹ có mạng lưới vệ tinh do thám riêng có năng lực cao, do đó việc hợp tác với các công ty tư nhân có thể là điều ngạc nhiên. Dù vậy, có những lý do rõ ràng cho thấy Mỹ được hưởng lợi từ những thỏa thuận hợp tác này.

Trước tiên là thực tế đơn giản: việc mua dữ liệu thương mại cho phép Chính phủ Mỹ có thể quan sát được nhiều vị trí trên Trái Đất hơn và thường xuyên hơn. Trong một số trường hợp, dữ liệu cũng được truyền về đủ nhanh để có thể đưa ra quyết định theo thời gian thực trên chiến trường.

Lý do thứ hai là việc chia sẻ dữ liệu. Việc chia sẻ dữ liệu từ các vệ tinh do thám đòi hỏi các quan chức Mỹ phải thực hiện quy trình giải mật phức tạp. Điều này cũng có nguy cơ làm lộ thông tin về các năng lực vệ tinh bí mật. Với dữ liệu từ các công ty tư nhân, cả 2 vấn đề trên đều không đáng lo ngại. Quân đội cũng có thể dễ sàng chia sẻ thông tin vệ tinh hơn ngay trong nội bộ chính phủ Mỹ cũng như với các đồng minh của Washington. Lợi thế này đã chứng tỏ là yếu tố then chốt trong cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay.

Ukraine sử dụng dữ liệu vệ tinh như thế nào?

Hình ảnh vệ tinh thương mại đóng vai trò quan trọng trong xung đột Nga-Ukraine theo 2 cách. Thứ nhất, nó trở thành công cụ truyền thông, cho phép công chúng theo dõi diễn biến cuộc chiến bằng những chi tiết đáng tin cậy. Thứ hai, đây là nguồn thông tin quan trọng giúp Ukraine lên kế hoạch tác chiến từng ngày.

Từ trước khi xung đột bùng phát hồi tháng 2, Mỹ đã khuyến khích các công ty vệ tinh tư nhân chia sẻ hình ảnh về hoạt động của Nga. Cũng chính các công ty thương mại đã công bố hình ảnh cho thấy quân đội Nga tập trung gần biên giới với Ukraine, trái ngược với những tuyên bố từ phía Moscow.

Đầu tháng 3/2022, Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov đã đề nghị 8 công ty vệ tinh tương mại cho Kiev tiếp cận dữ liệu của họ. Khi đó ông nói rằng đây có thể là cuộc chiến lớn đầu tiên trong đó các hình ảnh vệ tinh thương mại đóng vai trò đáng kể. Một số công ty đã đồng ý hỗ trợ và trong vòng 2 tuần đầu tiên của cuộc chiến, chính phủ Ukraine đã nhận được dữ liệu bao quát hơn 40 triệu km2 của vùng xung đột.

Chính phủ Mỹ đã tăng cường mua lại những hình ảnh có thể cung cấp cho Ukraine. Washington cũng thúc đẩy việc kết nối trực tiếp giữa các công ty của Mỹ với giới nhà phân tích tình báo Ukraine để đẩy nhanh luồng thông tin.

Ví dụ gần đây nhất về giá trị của hình ảnh vệ tinh thương mại cũng do Planet Labs cung cấp. Trong vài tuần qua, công ty này đã công bố những hình ảnh cho thấy giao tranh ngày càng nguy hiểm gần khu vực Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Trước chiến tranh, giới chức Ukraine cho rằng đầu tư tiền bạc vào các nhu cầu an ninh "dưới mặt đất" sẽ tốt hơn là cho các vệ tinh đắt tiền. Nhưng giờ đây, chính họ đã nhận ra rằng các hình ảnh vệ tinh có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong việc thu thập thông tin chiến trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại