Các quan chức Israel và Ấn Độ tổ chức 6 ngày kiểm tra kỹ năng dành cho công nhân ở bang Haryana (Ấn Độ) hồi đầu tháng 1/2024. Hàng ngàn người đã xếp hàng để được phỏng vấn và có cơ hội thể hiện khả năng của họ với tư cách là thợ mộc, thợ uốn sắt và thợ nề, với hy vọng giành được việc làm ở quốc gia Trung Đông. Dường như những lo ngại về cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas đã bị lấn át bởi những lợi ích thực tế hơn, chẳng hạn như có tiền để hỗ trợ các gia đình.
10.000 công nhân dự kiến sẽ được xuất khẩu lao động sang Israel
Cho đến nay, bang Haryana và Uttar Pradesh đã đăng tải thông báo tuyển dụng lao động có tay nghề để làm việc ở Israel. Trên thực tế, Israel đã chuyển hướng tìm kiếm lao động tại các nước như Ấn Độ và Sri Lanka để bù đắp tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực như xây dựng và nông nghiệp. Khoảng 10.000 công nhân ban đầu dự kiến sẽ được thuê từ Ấn Độ.
Trên thực tế, chương trình này đã gây ra nhiều tranh cãi. Các nhà phê bình đã chỉ trích thỏa thuận của Ấn Độ với Israel vì có khả năng gây nguy hiểm cho người lao động khi gửi họ đến khu vực xung đột và gián tiếp giúp Israel tước bỏ việc làm của người lao động Palestine.
Khoảng 90.000 người Palestine được cho là đã làm việc trong lĩnh vực xây dựng của Israel. Nhưng do xung đột bắt đầu khi các chiến binh Hamas xâm nhập cộng đồng Israel và khiến khoảng 1.200 người thương vong vào tháng 10/2023. Phía Israel đã hủy bỏ giấy phép lao động của hàng nghìn công nhân này.
Trong khi đó, hơn 25.000 người đã thiệt mạng trong chiến dịch của Israel chống lại Hamas ở Dải Gaza, theo chính quyền tại vùng đất bị bao vây của người Palestine. Trung tâm Công đoàn Ấn Độ (CITU) đã tố cáo việc tuyển dụng và kêu gọi chính phủ chấm dứt thỏa thuận với Israel.
Ở một diễn biến khác, Israel đã bác bỏ các cáo buộc diệt chủng được đưa ra tại Liên Hợp Quốc, khẳng định cuộc chiến của họ là để tự vệ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Randhir Jaiswal trả lời truyền thông: "Hiện chúng tôi cũng có thỏa thuận với Israel. Thỏa thuận này đã bắt đầu từ lâu trước khi xung đột nổ ra". Ông nhấn mạnh rằng không có cơ sở để lo lắng: "Luật lao động ở Israel rất mạnh mẽ và nghiêm ngặt, chúng tôi sẽ đảm bảo bảo vệ quyền lao động và quyền của người di cư."
Ông Jaiswal nhấn mạnh: "Chúng tôi ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm sự an toàn và an ninh cho những người lao động ở nước ngoài. Khi xung đột nổ ra ở Israel, chúng tôi đã phát động Chiến dịch Ajay cho tất cả những người muốn quay trở lại. Nói như vậy, chúng tôi vẫn cam kết đảm bảo an toàn cho người dân của mình."
Có nguy hiểm nhưng cũng sẽ có... tiền
Gaurav Seni (27 tuổi) nói với Nikkei Asia : "Tôi phải mất 7 giờ đi tàu mới đến được đây. Tôi đã đến địa điểm tổ chức được hai ngày và tôi hy vọng hôm nay sẽ có được một suất tham dự kỳ thi sàng lọc".
Seni cho biết anh nợ 500.000 rupee (khoảng 6.000 USD). "Nếu nhận được công việc này, tôi có thể giúp gia đình tôi thoát khỏi cảnh nợ nần... trong vòng vài tháng", anh nói và chỉ vào mức lương hàng tháng được hứa hẹn là 137.000 rupee.
Anh và nhiều người khác lý do họ vẫn chọn sang Israel vì thu nhập hứa hẹn. "Rủi ro ở khắp mọi nơi và chúng tôi cần phải học cách chấp nhận. Tôi không thể chỉ ngồi ở nhà và bỏ đói gia đình mình", anh nói. Anh ấy cũng tự tin rằng bản thân sẽ không làm việc gần biên giới căng thẳng của Israel. "Tại sao chính phủ lại gửi chúng tôi đến một nơi không an toàn?"
Hiện tại, Ấn Độ đang gặp thách thức trong việc cung cấp việc làm do họ hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người. Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ, tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức 8,65% trong tháng 12/2023. Đối với độ tuổi 20-24, tỷ lệ này được báo cáo là cao tới 44%.
Kamal Kishore, sinh viên tốt nghiệp ngành nghệ thuật 24 tuổi đến từ Uttar Pradesh, cho biết anh đã phải đối mặt với nhiều lần bị từ chối việc làm ở Ấn Độ. Sau nhiều lần đắn đo, anh quyết định đến xếp hàng từ 5 giờ sáng để ứng tuyển làm nghề mộc ở Israel.
Anh nói: "Nhiệm vụ kiếm tiền nuôi sống gia đình là quan trọng nhất, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn. Chúng ta phải làm gì với cuộc chiến? Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng ít nhất tôi có thể kiếm được tiền ở Israel và nuôi sống gia đình mình".
Theo Nikkei Asia