Trên trang Twitter cá nhân, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine, ông Pavlo Klimkin, đã chỉ trích tuyên bố của Tổng thư ký Ủy hội châu Âu Thorbjorn Jagland về việc khôi phục quyền bỏ phiếu tại tổ chức này cho Nga.
Cụ thể, ông Klimkin đã so sánh việc trả lại quyền biểu quyết cho Nga giống như việc phóng thích “tội phạm trong các nhà tù”.
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Ukraine trình bày: “Ngài Jagland tin rằng Ủy hội châu Âu cần phải khôi phục lại đầy đủ quyền hạn cho Nga, bởi nếu không châu Âu sẽ xuất hiện một sự chia tách mới. Theo lô-gic của lập luận này thì chúng ta cũng nên thả các phạm nhân ra khỏi nhà tù, bởi nếu không sẽ có một sự phân biệt đối xử trong xã hội”.
Trước đó, ngày 8/4 Tổng thư ký Ủy hội châu Âu Thorbjorn Jagland cho biết việc Nga rút khỏi tổ chức này có thể sẽ là một cú sốc thực sự đối với toàn châu Âu. Theo ông, để ngăn chặn việc này xảy ra, cần phải trao lại quyền bỏ phiếu trong Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu (PACE) cho Nga.
Phái đoàn Nga tại PACE đã bị tước quyền bỏ phiếu từ năm 2014 sau sự việc Crưm sáp nhập vào Liên bang Nga . Đến năm 2017 chính quyền Nga quyết định ngừng chi trả các khoản đóng góp. Trước khi có quyết định này, Matxcơva là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho ngân sách của Ủy hội châu Âu với khoảng 30 triệu euro mỗi năm.
Crưm trở thành một phần lãnh thổ của Nga sau kết quả của cuộc trưng cầu dân ý năm 2014. Khi đó, có đến 96,77% người dân bán đảo này và 95,6% người dân của Sevastopol đã nhất trí tán thành việc Crưm sáp nhập vào Liên bang Nga.
Vào ngày 15/1 vừa qua, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, ông Vyacheslav Volodin, tuyên bố rằng Nga sẽ quay trở lại làm việc tại PACE chỉ khi tất cả các điều khoản trừng phạt đối với phái đoàn nước này được dỡ bỏ.
Đến ngày 17/1, các đại biểu Duma Quốc gia Nga đã thông qua quyết định không thành lập phái đoàn tại PACE, đồng thời cũng không chi trả các khoản đóng góp cho Ủy hội châu Âu.
Ủy hội châu Âu (tiếng Anh: Council of Europe) là một tổ chức quốc tế làm việc hướng tới việc hội nhập châu Âu. Ủy hội được thành lập năm 1949 và có một sự nhấn mạnh đặc biệt trên các tiêu chuẩn pháp lý, nhân quyền, sự phát triển dân chủ, pháp quyền và việc hợp tác văn hoá.
Ủy hội có 47 quốc gia thành viên với khoảng 800 triệu công dân. Ủy hội khác biệt với Liên minh châu Âu (EU) nơi có các chính sách chung, các luật ràng buộc và chỉ có 27 nước thành viên.