Ứng dụng công nghệ sinh học trong chiến tranh hiện đại

ĐỨC TÂM (tổng hợp) |

Chiến tranh hiện đại sử dụng vũ khí công nghệ cao đã làm thay đổi đáng kể phương thức tác chiến truyền thống. Hiện nay, các nước có tiềm lực quốc phòng lớn đã đầu tư nghiên cứu sâu, cho ra đời các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện tác chiến dựa vào ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH).

Đây được xem là cuộc cách mạng khoa học công nghệ quân sự làm thay đổi phương thức tác chiến trong chiến tranh hiện đại.

Từ lâu, CNSH đã được nghiên cứu và đã được các nước trên thế giới ứng dụng trong hoạt động quân sự, áp dụng vào chiến tranh; nhưng so với tiềm năng và thế mạnh của CNSH, những ứng dụng ấy mới chỉ là sơ khai, có tính chất nền móng.

Trong giai đoạn hiện nay, CNSH được hiểu rộng hơn và đang được các nước có tiềm lực kinh tế, quốc phòng mạnh như Mỹ, Nga, Trung Quốc… nghiên cứu, phát triển, ứng dụng vào hoạt động quân sự.

Nhiều người trong xã hội thường hiểu, nghiên cứu CNSH là lĩnh vực chỉ liên quan đến ngành nông nghiệp, công nghệ thực phẩm, y khoa là chủ yếu. Tuy nhiên, hiểu như thế chỉ mới đúng một phần, bởi ở các quốc gia phát triển trên thế giới, nghiên cứu CNSH đã có sự phát triển mạnh mẽ trong vài thập niên lại đây.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia và các nhà khoa học trên thế giới, trong thế kỷ tiếp theo, CNSH sẽ là quan trọng đối với hoạt động kinh tế, xã hội và quân sự, giống như cuộc cách mạng khoa học công nghệ thông tin ở giai đoạn trước.

Trong lĩnh vực hoạt động quân sự, CNSH phát triển mạnh trong y tế, nhất là trong giảm thiểu chấn thương, chữa lành vết thương và phát triển các loại vắc-xin.

Ở lĩnh vực viễn thám quân sự, CNSH được ứng dụng giúp nâng cao khả năng phát hiện sự hiện diện của tác nhân chiến tranh hóa học, sinh học; thu thập thông tin tình báo chiến trường, các hoạt động ảnh hưởng đến sự thay đổi trong môi trường.

Trong lĩnh vực hoạt động quân sự, CNSH đã được nghiên cứu và ứng dụng từ lâu. Đơn cử như từ việc phân tích chim bay, con người đã thiết kế ra phương tiện bay có cánh, sau đó phát triển thành máy bay chiến đấu ứng dụng vào lĩnh vực hoạt động quân sự.

Hoặc thông qua mô phỏng định vị siêu thanh của con dơi, con người đã phát minh ra kỹ thuật ra-đa, khiến "con mắt nghìn dặm" không còn là thần thoại nữa. Từ sóng siêu âm của cá heo, đã phát minh ra kỹ thuật sô-na, có thể nhìn thấu được cả thể giới dưới nước.

Sự phát triển CNSH quân sự đã thực sự đem lại bước nhảy vọt và biến đổi về chất các mặt sử dụng vũ khí trang bị, chỉ huy chiến trường, bảo đảm thông tin, hậu cần… tạo ra động lực mới để phát triển vũ khí, trang bị theo hướng "kết hợp não-máy"; học hỏi và vận dụng rất nhiều các cấu trúc và chức năng đặc biệt của sinh vật, cung cấp nguồn mới để có những sáng tạo mới phát triển vũ khí trang bị thông minh; giúp nâng cao khả năng nhận biết và xử lý tình huống trên chiến trường, tạo ra phương thức mới cho công tác bảo đảm hậu cần – kỹ thuật.

Hiện nay, các nước phát triển về CNSH đã tạo ra hàng loạt các sản phẩm và công nghệ có triển vọng ứng dụng vào lĩnh vực quân sự.

Ứng dụng công nghệ sinh học trong chiến tranh hiện đại - Ảnh 1.

Dự án Soldier Scentric Imaging via Computational Cameras (SCENICC) được phát triển từ năm 2011 đang trong quá trình thử nghiệm. Về cơ bản, đây là những chiếc lens được tích hợp công nghệ hiển thị thông minh giống như Google Glass. Nguồn: technovelgy.com.

Ví dụ, việc nghiên cứu lõi chíp hình thái thần kinh kiểu mới giúp cho con người có khả năng hiểu biết, tính toán đi trước thời hạn một bước để có thời gian xử lý các tình huống phức tạp trong chiến đấu.

Hay các sản phẩm chế tạo từ vật liệu sinh học như pin sinh học, giáp phòng hộ kết cấu vỏ sò, hợp chất keo kết dính sinh học…, đã mang lại các tính năng vượt trội hơn hẳn các sản phẩm hiện có dùng trong hoạt động quân sự lâu nay.

Đáng chú ý là sự ra đời của các trang bị và sản phẩm mô phỏng sinh học, camera mắt kép có thể phát triển năng lực thực hiện nhiệm vụ quân sự của con người; các loại nhiên liệu đốt sinh học thử nghiệm thành công cho máy bay quân sự và dân sự được coi là bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực nguồn năng lượng, trong ứng dụng CNSH vào hoạt động quân sự.

Mỹ và Nga là hai nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển, có tiềm lực về quân sự đã hết sức coi trọng công tác nghiên cứu và ứng dụng CNSH vào hoạt động quân sự. Mỹ đã thực hiện các kế hoạch như như "kế hoạch giám sát kiểm tra sinh học", "kế hoạch lá chắn sinh học", "kế hoạch cảm biến sinh học".

Năm 2013, đã công bố kế hoạch nghiên cứu khoa học kỹ thuật não trong thời gian 10 năm. Hiện nay, Mỹ đã đưa kỹ thuật sinh học vào trong các cơ quan cấp cao của quốc gia và coi đó là một trong 8 lĩnh vực chiến lược lớn tập trung đầu tư và phát triển.

Trong chiến lược quy hoạch như "Quy hoạch khoa học và báo cáo chiến lược của lục quân", "Quy hoạch chiến lược khoa học kỹ thuật hải quân", "Chiến lược khoa học kỹ thuật không quân", Quân đội Mỹ đã đưa kỹ thuật sinh học vào làm trọng điểm đầu tư.

Năm 2003, Lục quân Mỹ đã thành lập Sở nghiên cứu kỹ thuật sinh học liên hợp của lục quân, chịu trách nhiệm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật sinh học lục quân, phát triển công nghệ sinh học tổng hợp, khoa học thần kinh nhận biết...

Cơ quan nghiên cứu đề án cao cấp quốc phòng Mỹ (DARPA) từ năm 2003 đã bắt đầu coi kỹ thuật sinh học là một trong những trọng điểm cần phát triển ưu tiên trong quy hoạch chiến lược.

Năm 2014 DARPA thành lập phòng kỹ thuật sinh học, thống nhất quản lý các dự án kỹ thuật sinh học mà trước kia bị tách, phân cho các phòng riêng lẻ.

Phòng kỹ thuật sinh học này tiến hành nghiên cứu các loại cơ chế tự nhiên bao gồm từ dạng tế bào đơn đến các hệ thống sinh học phức tạp, tập trung nghiên cứu theo ba phương hướng: Một là tìm hiểu các kỹ thuật và phương pháp mới nhằm tối đa hóa khả năng duy trì năng lực cho người lính, đảm bảo cho người lính có khả năng phục hồi năng lực một cách nhanh chóng bất kỳ lúc nào; hai là tận dụng tính năng, công năng và khả năng tổng hợp tiến hóa cao của hệ thống sinh học, nghiên cứu phát triển ra các sản phẩm mới nhằm đảm bảo an ninh quốc gia; ba là, thông qua vai trò trao đổi qua lại để hiểu hơn nữa về hệ thống sinh học, nhằm thúc đẩy sự ra đời các phương pháp mới tăng cường sức khỏe cho cơ thể người lính.

Tổ chức nghiên cứu khoa học của Nga chuyên nghiên cứu các kỹ thuật mũi nhọn, cũng coi lĩnh vực sinh học và kỹ thuật y học là một trong ba lĩnh vực nghiên cứu chính.

Trong lĩnh vực sinh học và y học quân sự, các hạng mục mà tổ chức này triển khai gồm: Y học mũi nhọn, vật liệu sinh học kiểu mới, mô phỏng sinh học, nguồn năng lượng tương lai và vật liệu sinh học tổng hợp....

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại