Ứng dụng công nghệ mô phỏng phục vụ huấn luyện

CHU ANH - ANH MÃO |

Những năm qua, Quân chủng Hải quân (QCHQ) đã được Đảng, Nhà nước và quân đội đầu tư, mua sắm trang bị số lượng lớn vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện đại.

Để quản lý, làm chủ, khai thác tốt các loại VKTBKT hải quân mới, hiện đại, một trong những giải pháp hiệu quả là QCHQ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu thiết kế, chế tạo, ứng dụng hệ thống thiết bị mô phỏng vào huấn luyện, nâng cao trình độ của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật.

Phục vụ cho huấn luyện làm chủ và khai thác tốt các loại VKTBKT hiện đại, Viện Kỹ thuật Hải quân thuộc QCHQ đã đầu tư nghiên cứu thành công và chuyển giao nhiều trang, thiết bị huấn luyện hiện đại dựa trên công nghệ mô phỏng.

Nhiều sản phẩm nghiên cứu của viện đã được ứng dụng tại Học viện Hải quân. Tiêu biểu là: Hệ thống mô phỏng cảm biến và giá lắc tập bắn pháo tàu AK-230; buồng tập bắn tên lửa P21-P22 tàu 1241; hệ thống tính toán điều khiển pháo tàu AK-630, AK-176; Hệ thống mô phỏng huấn luyện bắn pháo tàu AK-630; các bộ mô phỏng trang, thiết bị hàng hải…

Cung cấp một số thông tin về nhiệm vụ phát triển công nghệ mô phỏng tại QCHQ, Đại tá Nguyễn Quang Hải, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hải quân, cho biết:

QCHQ hiện đang được trang bị nhiều hệ thống mô phỏng hiện đại, chủ yếu sử dụng cho các trung tâm huấn luyện, học viện, nhà trường như: Hệ thống huấn luyện mô phỏng tác chiến ASTT do Hãng Thales của Đức chế tạo; Trung tâm huấn luyện mô phỏng tàu tên lửa 1241.8; Trung tâm huấn luyện mô phỏng tàu Gepard 3.9; Trung tâm huấn luyện mô phỏng tàu ngầm Kilo... do Nga sản xuất.

Tuy nhiên, các hệ thống này thường thiên về mô phỏng các tình huống chiến thuật, tình huống tác chiến, ít mô phỏng về kỹ thuật của một thiết bị cụ thể.

Để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo trong QCHQ, viện đã nghiên cứu, chế tạo được một số mô hình mô phỏng, kịp thời chuyển giao cho các đơn vị.

Điển hình là viện đã triển khai đề tài "Thiết kế, chế tạo thiết bị mô phỏng tổ hợp pháo-tên lửa phòng không PALMA" để phục vụ huấn luyện chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Tổ hợp pháo-tên lửa phòng không tự động PALMA là một trong những loại vũ khí trang bị công nghệ cao rất phức tạp, lần đầu tiên được trang bị trên tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của QCHQ.

Hệ thống được thiết kế theo các mô-đun chức năng chuyên biệt, có khả năng tự động hóa rất cao, sử dụng hệ thống điều khiển quang điện tử đa kênh có độ chính xác lớn, thời gian phản ứng nhanh.

Vì vậy, trong quá trình khai thác, sử dụng trên hệ thống, kíp trắc thủ cần phải được đào tạo, huấn luyện kỹ, nắm chắc thiết bị, có kỹ năng thao tác thành thục. Tuy nhiên, do yêu cầu bảo đảm tuổi thọ của hệ thống nên thời gian thực hành thao tác dưới tàu tương đối hạn chế; khả năng giám sát, đánh giá quá trình thao tác của cán bộ, chiến sĩ cũng gặp nhiều khó khăn.

Sản phẩm của đề tài đã khắc phục được những khó khăn, tồn tại nói trên; đáp ứng được những yêu cầu bức thiết, mô phỏng trung thực cơ cấu và giao diện điều khiển, giúp cho người sử dụng nhanh chóng nắm bắt, thao tác thuần thục khi huấn luyện, sử dụng khí tài thật.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Quang Hải, việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo các bộ mô phỏng phục vụ huấn luyện, đặc biệt là các bộ mô phỏng phục vụ huấn luyện cho một hoặc một số thành phần đơn lẻ trong một tổ hợp VKTBKT phức tạp, công nghệ cao, đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều công sức và vật chất.

Đồng thời, nghiên cứu viên cần phải có trình độ hiểu biết sâu về thành phần cần mô phỏng, sau đó là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, thiết kế cơ khí… để thiết kế, chế tạo.

Những kết quả nghiên cứu làm chủ trong lĩnh vực này của Viện Kỹ thuật Hải quân bước đầu đã giúp giảm chi phí, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ khai thác, sử dụng VKTBKT cho cán bộ, chiến sĩ QCHQ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại