Theo RIA Novosti, đoạn video cho thấy sự xuất hiện của một tên lửa và một máy bay chiến đấu Su-27 theo sau của Lực lượng Không quân Ukraine ở độ cao thấp trên mặt biển.
Được biết, các cuộc kiểm tra diễn ra vào tháng 11. Theo người đứng đầu văn phòng thiết kế Luch Oleg Korostelev tại Ukroboronprom, lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa đã bay hơn 250 km theo một tuyến đường nhất định.
R-360 “Hải vương tinh” có thể được phóng từ tàu chiến, máy bay và bệ phóng mặt đất. Nặng 870 kg và có thể mang đầu đạn nặng 150 kg.
Phạm vi phóng lên tới 280 km, tốc độ khoảng 900 km/h, độ cao bay trên đỉnh song từ 3 đến 10 mét. Tổ hợp này có khả năng phóng đồng thời lên tới 24 tên lửa. Chính quyền Ukraine đã thông báo các cuộc thử nghiệm thành công của tên lửa hành trình R-360 vào tháng Tư.
Video cho thấy tên lửa R-360 "Hải Vương tinh" đang hoạt động trên mặt biển.
Phía Nga cho rằng, tên lửa “Hải vương tinh” chỉ là một phiên bản hiện đại hóa của tên lửa chống hạm Kh-35 của Nga, được tạo ra từ thời Liên Xô. Các tên lửa Kh-35 và các loại tương tự không có các đặc tính như “Hải vương tinh”, không có các đặc tính kỹ thuật phi thường và không có khả năng tấn công tàu hoặc đội tàu chiến với hệ thống phòng không hiện đại.
Hồi tháng 7, cựu thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraine Oleksandr Turchynov nói rằng, những tên lửa này được cho là có khả năng phá hủy Cầu Crimea (cầu qua eo biển Kerch) trong vài phút.
Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh rằng, tên lửa có thể phá hủy các tàu chiến của hải quân Nga ở Biển Đen và Biển Azov. Đáp lại tuyên bố trên, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vladimir Zhirinovsky nói rằng, nếu theo kịch bản như vậy thì Ukraine sẽ không còn “tồn tại” như một quốc gia.
“Hải vương tinh” là một tên lửa chống hạm tầm thấp cận âm, được thiết kế để tiêu diệt các tàu chiến có lượng giãn nước lên tới 5.000 tấn và các mục tiêu mặt đất. Loại tên lửa này được thiết kế bởi Cục thiết kế Luch. Việc sản xuất hàng loạt tên lửa loại này sẽ được thực hiện bởi công ty nhà nước VIZAR.