Ukraine tung loạt vũ khí chiến lược mới nhằm đe dọa các mục tiêu Nga

Hồng Anh |

Ukraine đang đẩy nhanh quá trình phát triển vũ khí mới. Ngoài tên lửa Neptune - mà Ukraine tuyên bố đã sử dụng để đánh chìm tàu tuần dương Moskva của Nga vào mùa xuân năm 2022, Kiev cũng chế tạo UAV tên lửa Peklo, tên lửa Ruta và hệ thống phòng không laser Tryzub.

Vì sao Ukraine muốn phát triển những vũ khí mới?

Trụ cột của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine vẫn là chương trình máy bay không người lái tấn công tầm xa. Chương trình này vẫn tiếp tục chứng minh được hiệu quả khi Ukraine thường xuyên sử dụng UAV tấn công các mục tiêu cách xa hàng trăm km bên trong lãnh thổ Nga.

 - Ảnh 1.

UAV tên lửa Peklo. Ảnh: RBC-Ukraine

Máy bay không người lái có lợi thế là việc sản xuất tương đối nhanh, dễ dàng và cần ít chi phí nhưng chúng chỉ cung cấp một một phần giải pháp cho những thách thức mà Ukraine đang phải đối mặt. Về lâu dài, điều quan trọng đối với Ukraine là phải sở hữu hai phương tiện tấn công chính: UAV tầm xa và tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo.

Vào tháng 11/2024, Nga đã tấn công khu vực Dnipro của Ukraine bằng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Đây được hiểu là lời cảnh báo của Nga về việc nước này luôn sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần thiết.

Chỉ vài ngày sau, Ukraine đã trả đũa bằng việc triển khai máy bay không người lái tấn công bãi tập Kapustin Yar, nơi tên lửa Oreshnik được phóng đi. Cuộc tấn công đó chứng minh khả năng của Ukraine tấn công các mục tiêu cách xa hơn 650 km, vượt xa tầm bắn của tên lửa do Mỹ và các đối tác phương Tây khác cung cấp.

Đến đầu tháng 12/2024, quân đội Ukraine bắt đầu nhận được một loại UAV tên lửa mới do nước này tự phát triển. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã công bố việc chuyển giao lô UAV tên lửa Peklo (hay Địa ngục) đầu tiên cho Lực lượng vũ trang Ukraine. Ngay sau đó, ông cũng xác nhận việc thử nghiệm thành công tên lửa Ruta.

Sở dĩ Ukraine tăng cường phát triển những loại vũ khí này là do máy bay không người lái tầm xa có động cơ đốt trong không thể giải quyết một số nhiệm vụ như nhanh chóng tấn công ở khoảng cách xa, đột phá qua các nhóm hỏa lực cơ động của Nga và tấn công mục tiêu bất ngờ, chuyên gia hàng không Anatolii Khrapchynskyi giải thích.

“Các máy bay không người lái và tên lửa mới như Peklo và Ruta sẽ cho phép Ukraine vượt qua hệ thống phòng không của đối phương hiệu quả hơn. Tuy vậy, vẫn cần thời gian để khôi phục lại chương trình tên lửa của Ukraine vốn đã tụt hậu trong nhiều năm qua”, ông Khrapchynskyi nói với RBC-Ukraine.

UAV tên lửa Peklo

Ukraine cho biết, Peklo là tên lửa lai máy bay không người lái có tốc độ bay tối đa khoảng 700km/h, tầm bắn tới 700km, tức gấp đôi tầm bắn của Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS mà Mỹ viện trợ.

Hình ảnh do Ukraine công bố cho thấy UAV tên lửa Peklo dường như chỉ dài hơn một mét, có cánh điều hướng và một động cơ phản lực. Các chuyên gia nhận định, Peklo có cách thức phóng giống máy bay không người lái và không được trang bị động cơ đẩy sơ cấp giống như tên lửa thông thường.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine, ông Herman Smetanin lưu ý rằng Peklo đã được phát triển trong thời gian ngắn kỷ lục - trong vòng một năm. Theo ông Smetanin, các nhà phát triển đang nỗ lực tăng cường khả năng chống tác chiến điện tử (EW), cải thiện độ chính xác khi tấn công mục tiêu và các khả năng khác của Peklo. Ngoài ra, họ cũng phát triển các loại đầu đạn mới cho Peklo để mở rộng phạm vi mục tiêu tiềm năng của nó.

Cổng thông tin quốc phòng Ukraine Defense Express cho biết, về kích thước, chiều dài và sải cánh của tên lửa ước tính đạt tới 2 mét. Trọng lượng đầu đạn có thể không quá 50 kg.

"Vũ khí này có thể tấn công hiệu quả các nhà máy lọc dầu, kho chứa và bất kỳ thứ gì dễ cháy. Ngay cả 50 kg thuốc nổ cũng đủ để xóa sổ một cơ sở quân sự", chuyên gia hàng không Anatolii Khrapchynskyi nhấn mạnh.

Đối với các cuộc tấn công vào các cơ sở công nghiệp lớn hơn, cần có vũ khí mạnh hơn. Tuy nhiên, ông Khrapchynskyi lưu ý, Peklo rất phù hợp để tấn công các sân bay, máy bay đang đậu trên mặt đất và các cơ sở bảo dưỡng hàng không của đối phương.

Lực lượng Phòng vệ Ukraine được cho là đã sử dụng Peklo trong các cuộc tấn công kết hợp. Ngoài ra, họ cũng sử dụng tên lửa Palianytsia. Tất cả những vũ khí này gây thêm áp lực cho hệ thống phòng không của đối phương, ông Khrapchynskyi kết luận.

Tên lửa Ruta

Vào ngày 10/12, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã công bố cuộc thử nghiệm thành công tên lửa mới của Ukraine, có tên gọi Ruta.

"Tên lửa Palianytsia đã được đưa vào sản xuất hàng loạt. UAV tên lửa Peklo đã hoàn thành các ứng dụng chiến đấu đầu tiên. Thời gian gần đây, chúng tôi đã chuyển giao lô đầu tiên cho Lực lượng Phòng vệ của mình. Ukraine hiện đang tiến hành các cuộc thử nghiệm thành công đối với tên lửa Ruta. Ngoài ra, tên lửa Neptune tầm xa sẽ sớm trở thành mối đe dọa đáng sợ đối với Nga", ông Zelensky cho biết.

Tên lửa Ruta có thể là kết quả công trình nghiên cứu của công ty Destinus của châu Âu. Một số báo cáo cho biết, việc bàn giao sản phẩm bắt đầu vào năm 2024. Ban đầu, trang web của công ty mô tả Ruta là máy bay không người lái chạy bằng động cơ phản lực có tầm bắn 300 km. Tuy nhiên, những hình ảnh chi tiết hơn sau đó cho thấy Ruta giống với một tên lửa hành trình thông thường.

Tên lửa này có các bộ phận thiết yếu như đầu đạn, cánh cố định, bình nhiên liệu, khối điện tử và động cơ phản lực nhỏ gọn. Ruta được cho là phóng bằng tên lửa đẩy. Các nhà phân tích ước tính với tầm bắn lên tới 300 km, trọng lượng đầu đạn tên lửa có thể nặng gần 100 kg.

Ưu điểm chính của tên lửa Ruta là khả năng bay với tốc độ cao, ước tính từ 500 - 800 km/h. Tốc độ này làm giảm hiệu quả của hệ thống phòng không di động mà đối phương sử dụng, đồng thời khiến trực thăng không còn là phương tiện đối phó khả thi trong các hệ thống chống máy bay không người lái của Nga.

Vẫn chưa rõ khi nào Ruta sẽ được triển khai hàng loạt trên chiến trường. Việc mở rộng quy mô sản xuất và tích hợp hoạt động phụ thuộc rất nhiều vào hiệu suất của các nguyên mẫu. "Quá trình này rất phức tạp, nhưng trong điều kiện thời chiến, tôi tin rằng quân đội quan tâm đến việc đẩy nhanh việc chế tạo", nhà phân tích Khrapchynskyi nhấn mạnh.

Vũ khí laser Tryzub

Ông Vadym Sukharevskyi, Chỉ huy Lực lượng hệ thống không người lái Ukraine cho biết, quân đội Ukraine đã nhận được vũ khí laser do nước này tự sản xuất. "Ukraine đã trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới sở hữu vũ khí laser, có thể bắn hạ mục tiêu ở độ cao 2 km", ông Vadym Sukharevskyi tuyên bố.

Chuyên gia hàng không Anatolii Khrapchynskyi nhận định, mặc dù vẫn ở giai đoạn trứng nước, nhưng với phạm vi và loại mục tiêu được xác định, Tryzub có thể có khả năng phòng không.

Vũ khí laser đã được phát triển từ giữa thế kỷ 20. Tuy nhiên, ứng dụng thực tế của chúng trong phòng không chỉ trở nên khả thi khi kết hợp với những tiến bộ trong hệ thống tính toán và công nghệ radar, có thể tính toán chính xác các điểm đánh chặn.

Mặc dù thông tin chi tiết về thông số kỹ thuật, thiết kế và phạm vi hoạt động của Tryzub vẫn chưa được tiết lộ, nhưng tầm bắn của nó có thể so sánh với các hệ thống hiện có. Hệ thống AN/SEQ-3 (LaWS) của Mỹ, với công suất lên tới 50 kW, có thể bắn trúng mục tiêu ở phạm vi 1,6 km. Hệ thống DragonFire của Anh, với công suất tương tự, đã chứng minh được khả năng bắn hạ máy bay không người lái ở khoảng cách lên tới 2 km. Đáng chú ý, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps đã công bố kế hoạch chuyển hệ thống này sang Ukraine để thử nghiệm, nhưng vẫn chưa có tin tức gì về điều này.

Không giống như các hệ thống phòng không thông thường, vốn tiêu diệt mục tiêu trên không thông qua các đòn tấn công trực tiếp chùm tia laser ngay lập tức làm nóng mục tiêu đến nhiệt độ cực cao, khiến mục tiêu tan chảy hoặc thậm chí bốc hơi. Chẳng hạn, hệ thống Iron Beam của Israel sử dụng chùm tia 100 kW với phạm vi 7 km, vô hiệu hóa hiệu quả các đàn máy bay không người lái và tên lửa chống hạm. Theo các báo cáo, hệ thống này hoạt động với độ chính xác cao.

Nếu vũ khí laser Tryzub của Ukraine thực sự có thể bắn hạ máy bay ở độ cao 2 km, thì đây là một bước phát triển đầy hứa hẹn, ngay cả khi hệ thống này đang chờ được mở rộng quy mô và cải tiến thêm, Defense Express nhận định

Một trong những lợi thế chính của hệ thống laser là chi phí vận hành thấp. Ví dụ, vũ khí laser của Hàn Quốc, một phần trong dự án Star Wars của nước này, có thể đốt cháy động cơ máy bay không người lái hoặc hệ thống điện trong vòng 10 giây với chi phí chỉ 1,50 USD cho mỗi lần bắn.

"Tất nhiên, chi phí của Tryzub sẽ thấp hơn nhiều so với tên lửa được sử dụng cho các hệ thống phòng không thông thường", ông Khrapchynskyi nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại