Nhiều chuyên gia có ý kiến không thống nhất về việc Ukraine cung cấp các công nghệ bí mật của Liên Xô, nhưng phần nhiều đều nhận định rằng chính những động thái này đã tạo đà cho sự trỗi dậy về khả năng chiến đấu của Quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi xem xét một cách chi tiết có thể hiểu được rằng, không chỉ những phát minh quân sự, mà thậm chí cả các át chủ bài của ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô cũng bị Ukraine mang ra bán.
Giao hàng siêu tốc
Chắc không ai còn lạ gì với đề tài liên quan tới những "biên bản thoả thuận" song phương của Trung Quốc và Ukraine trong lĩnh vực chế tạo hàng không.
Sự cần thiết trong việc chế tạo máy bay vận tải trọng tải lớn của Trung Quốc đã bộc lộ rõ bộ mặt thật của lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự Ukraine với phần lớn các đối tác - câu chuyện mà ngay từ đầu đã bị cố gắng giấu nhẹm dưới chiêu bài "hợp tác sản xuất", tuy nhiên trên thực tế mọi lý do để biện minh cho mối quan hệ hợp tác cùng có lợi lại hết sức thiếu thuyết phục.
Ý tưởng tổ chức hợp tác sản xuất dự kiến sẽ tác động đáng kể tới công nghệ từ phía các chuyên gia Ukraine, tuy nhiên trên thực tế các chuyên gia này được mời đến chỉ để tư vấn thay vì tham gia trực tiếp vào dự án.
Trước khi vụ bê bối liên quan tới chiếc máy bay vận tải siêu trọng phục vụ nhu cầu của Quân đội Trung Quốc trở thành đề tài bình luận chính của những hãng thông tấn thế giới, Ukraine đã kịp bán được các công nghệ độc đáo của Liên Xô cho nước này.
Từ năm 2003, phía Trung Quốc đã nỗ lực sở hữu các tàu đổ bộ đệm khí "Zubr" thuộc đề án 12322 và giải pháp kỹ thuật liên quan tới đề án này.
Tàu đổ bộ đệm khí "Zubr" thuộc đề án 12322 của Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc bán tháo di sản quốc phòng của Liên Xô để lại đã không diễn ra xuôi chèo mát mái: Các cuộc đàm phán kéo dài trong 6 năm. Chỉ đến năm 2014, một tờ báo của Trung Quốc mới đăng tải những thông tin về việc Trung Quốc đã đặt 4 chiếc tàu đổ bộ đệm khí siêu tốc của Kiev.
Các chuyên gia nhận định rằng, quân đội Trung Quốc có được sức mạnh chiến đấu như hiện giờ chủ yếu là nhờ các công nghệ của Liên Xô.
Trong hơn 20 năm được Ukraine "tuồn" công nghệ, Trung Quốc đã thần tốc rút ngắn sự tụt hậu về mọi mặt trong lĩnh vực công nghiệp quân sự: Hàng không, vũ khí không quân, các tên lửa chiến thuật và hành trình, những động cơ cho các tàu chiến mặt nước,...
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, không chỉ những công nghệ cần thiết mà cả các chuyên gia cũng được mua với giá gần như cho không.
Trung Quốc không ngại ngần nêu ra cả mức giá: 1.200 USD cho một kỹ sư với kinh nghiệm công tác không quá 5 năm, 2.500 USD cho kỹ sư cấp lãnh đạo với kinh nghiệm công tác từ 10 năm trở lên.
Nhu cầu cao đối với nhân sự từ khu vực các nước Liên Xô cũ, và trước tiên từ Ukraine, được lý giải hết sức đơn giản: Để đào tạo được đội ngũ chuyên gia trong nước có thể đưa ra những giải pháp đột phá cần phải mất không chỉ tối thiểu 10-12 năm, mà còn rất tốn kém.
Quy mô chuyên ngành
Theo những đánh giá hết sức khiêm tốn, trong vòng hơn 20 năm thu nạp công nghệ và nhân sự, Trung Quốc đã "đón" không dưới 3 nghìn dự án về kỹ thuật với các cấp độ phức tạp khác nhau.
Lĩnh vực công nghiệp-quân sự Trung Quốc không có một lĩnh vực nào phát triển đột phá mà lại không sử dụng kỹ thuật lưỡng dụng của Liên Xô được các đối tác Ukraine bán với mức giá rẻ mạt. Một trong những bản hợp đồng kiểu này chính là chiếc tàu sân bay "Varyag" được bán cho Trung Quốc với giá 25 triệu USD.
Thoả thuận của chính phủ Ukraine và Trung Quốc quy định chiếc tàu không thể chạy này dự kiến sẽ được biến thành sòng bài và neo đậu tại Macau. Tuy nhiên, ngay sau khi chiếc tàu sân bay được bàn giao, nó được đưa tới nhà máy tại thành phố Đại Liên.
Vào năm 2011, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc đã thừa nhận rằng chiếc tàu sân bay này được sử dụng làm nền tảng để Trung Quốc đóng các tàu sân bay nội địa và để các phi công tập luyện.
Tàu sân bay "Varyag" mà Ukraine bán lại cho Trung Quốc đã được tân trang để hoạt động trở lại.
Bên cạnh những khí tài hải quân, các chuyên gia Trung Quốc đã tiếp nhận từ phía Ukraine công nghệ sản xuất động cơ diesel siêu bền 6TD dành cho xe tăng. Động cơ của xe tăng T-80UD đã được các chuyên gia Trung Quốc điều chỉnh phục vụ mục đích của mình khi liên kết với các đồng nghiệp phía Pakistan chế tạo chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Al Khalid.
Và một lần nữa lại phải "cảm ơn" các chuyên gia Ukraine về việc cung cấp các công nghệ độc đáo của Liên Xô. Theo ý kiến của chuyên gia quân sự Nga, ông Vasily Kashin, danh sách những công nghệ của Liên Xô bị Ukraine bán rẻ có thể sẽ còn kéo dài tới bất định.
"Ukraine bán cả một biển công nghệ đặc biệt theo đúng nghĩa đen của nó. Công nghệ thiết kế một vài loại máy bay vận tải, khoảng hơn một tá mẫu vũ khí tên lửa chiến thuật, các động cơ và nhiều chi tiết khác dành cho các tên lửa đẩy vũ trụ, một vài kỹ thuật radar", ông Kashin lý giải.
Gần như tất cả những thành tựu của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Trung Quốc - từ các động cơ dành cho xe tăng cho tới một vài mẫu vũ khí, có xuất xứ từ Liên Xô.
Những kẻ bán hàng bất tài
Nếu như nhìn một cách khách quan vào tất cả những công nghệ của Ukriane thì tính hiện đại và tỷ lệ các giải pháp công nghệ nội địa trong tất cả những lĩnh vực công nghiệp quốc phòng còn nguyên vẹn ở trình độ công nghệ của giai đoạn đầu thập niên 80.
Các khách hàng nước ngoài tạm thời làm ngơ trước một số sản phẩm công nghiệp quốc phòng Ukraine gắn mác "mẫu mới" nhưng sử dụng công nghệ những năm 80.
Xe tăng hiện đại của Ukraine.
Tuy nhiên, làm chủ thực sự các dự án quy mô mà sự tham gia có thể mang lại hàng chục triệu USD lợi nhuận cho ngân sách thì các chuyên gia Ukraine vẫn chưa có khả năng, thậm chí sau cả 25 năm nữa.
Những chứng cứ về "sự lựa chọn thay thế" Ukraine như một nhà cung cấp vũ khí Liên Xô không nên quá coi trọng bởi vì những người chơi trên thị trường vũ khí và công nghệ chỉ có thể là các nước có khả năng tiến lên phía trước một cách tích cực.
Bằng chứng chính về khả năng cạnh tranh của ý tưởng kỹ thuật mang tên Ukraine là sự tham gia vào dự án chế tạo tên lửa đẩy sử dụng một lần Antares.
Đặc điểm của chương trình này là hạ tầng kỹ thuật: Các chuyên gia của công ty Orbital Sciences Corporation lấy các động cơ nhiên liệu lỏng Liên Xô của tên lửa NK-33 làm nền tảng của tên lửa đẩy.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Phòng Thiết kế "Yuzny", đơn vị chuyên thiết kế và chế tạo kỹ thuật vũ trụ-tên lửa, được giao trách nhiệm hoàn thiện các động cơ ít được biết tới này.
Sự can thiệp của các chuyên gia Ukraine ngay ở giai đoạn thử nghiệm còn khiến cho nhiều nguyên mẫu động cơ AJ-26 (động cơ NK-33 của Liên Xô với hệ thống cấp nhiên liệu được nâng cấp và một vài chi tiết không đáng kể khác được hoàn thiện) bị cháy, hỏng.
Liên quan tới "đỉnh điểm" sự nghiệp của các doanh nghiệp chế tạo động cơ, thì "Bản giao hưởng số 5" của những chuyên gia Phòng Thiết kế "Yuzny" chính là vụ nổ tên lửa đẩy và gần 2,5 tấn hàng cho trạm quỹ đạo không gian MKS.
Các chuyên gia lý giải rằng, dù nhận được tiền đầu tư đáng kể từ phía Mỹ, các chuyên gia của Công ty Orbital Sciences Corporation không biết cách và không thể nâng cấp các động cơ NK-33 đúng nghĩa, còn sự can thiệp vào thiết kế hệ thống cấp nhiên liệu của các chuyên gia Ukraine đã dẫn tới việc những sản phẩm thử nghiệm bị phá hỏng.
Ngay sau sự cố này, các khách hàng Mỹ đã từ chối "sự giúp đỡ" của các chuyên gia Ukraine, thay vào chương trình hoàn thiện các động cơ NK-33, Orbital Sciences Corporation đã đặt các động cơ tên lửa RD-181 do công ty "Energomash" (Nga) sản xuất. Orbital Sciences Corporation đã bỏ ra hơn 1 tỷ USD để thuê các chuyên gia Ukraine cho hoạt động thử nghiệm.
"Nếu nói một cách đơn giản, các nhà sản xuất tên lửa Mỹ với sự giúp đỡ của những chuyên gia Phòng Thiết kế "Yuzny" đã lao đầu vào nâng cấp các động cơ mà không có đủ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, mọi công việc, dường như, được tổ chức theo nguyên tắc nhanh và rẻ", chuyên gia quân sự Nga, ông Yury Lyamin chia sẻ với kênh truyền hình "Zvezda" (Nga).
Để đánh giá màn thể hiện lòng tốt của Ukraine, cần phải nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp cũng như sự cả tin của một vài lãnh đạo trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đã bị "những đối tác" nước ngoài của Ukraine tận dụng một cách công khai.
Tuy nhiên niềm tin vào sự độc đáo của mình đã không mang tới cho ngân sách của Ukraine nguồn ngoại tệ mạnh. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Ukraine bị đối xử như với điệp viên đào tẩu: tiếp nhận những thông tin cần thiết, kiểm chứng giá trị của chúng, chấm dứt mối quan hệ nghiêm túc.
Khi phân tích về "mùa bội thu" của Ukraine trên thị trường buôn bán vũ khí hiện đại, các chuyên gia đã chỉ ra rằng với việc tổ chức một cách hiệu quả mối quan hệ với các đối tác nước ngoài thì ngân sách nhà nước có thể được bổ sung thêm hàng trăm triệu đôla.
Tuy nhiên cả "điểm cộng" này hoàn toàn chỉ là sự may mắn mang tính ngẫu nhiên bởi vì các khách hàng lớn như Trung Quốc không có ý định "cả đời" xây dựng các lực lượng vũ trang và đạt được những thành tựu trong lĩnh vực công nghiệp dựa trên "đống đổ nát của Chiến tranh Lạnh".