Từng ủng hộ những cải cách cứng rắn sau phong trào nổi dậy cách đây 10 năm, Sobolev cho biết ông vui mừng khi tiến trình đàm phán để Ukraine chính thức gia nhập EU khai mạc vào ngày mai (25/6).
“Người Ukraine chúng tôi biết cách thực hiện ước mơ của mình”, phó chỉ huy 47 tuổi của một đơn vị quân đội đặc biệt cho biết.
Việc bắt đầu tiến trình đàm phán, dù chủ yếu mang tính thủ tục, là một bước quan trọng đối với quốc gia đã trải qua cuộc xung đột kéo dài và nỗ lực triển khai những cải cách cần thiết để có thể được mở cánh cửa vào EU.
Trong phát biểu cuối tuần qua, Tổng thống Volodymir Zelensky nói: “Ukraine đang trở lại châu Âu, nơi chúng ta đã thuộc về trong nhiều thế kỷ, với tư cách là thành viên chính thức của cộng đồng châu Âu”.
Kiev nộp đơn xin gia nhập EU vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.
Ukraine coi việc gia nhập EU là sự xác nhận cho nỗ lực nhằm đạt được các giá trị châu Âu. Kiev còn một chặng đường dài nữa để có thể trở thành thành viên chính thức, phải cải tổ bộ máy quan liêu vẫn còn đầy vết tích của quá khứ. Mục tiêu này trở nên phức tạp khi cuộc xung đột với Nga chưa có hồi kết.
Từ nhiều khía cạnh, câu chuyện của Sobolev là bức tranh về quỹ đạo của Ukraine trong thập kỷ qua. Ông là một nhân vật nổi bật trong cuộc cách mạng Maidan. Khi đó, phong trào biểu tình nổ ra do lãnh đạo Ukraine khi đó từ bỏ lời hứa phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với EU.
Sobolev sau đó tham gia xây dựng luật tạo ra nền tảng cho nỗ lực chống tham nhũng của Ukraine, để nước này nhận được hỗ trợ tài chính và cơ hội gia nhập EU.
Sobolev cũng là đồng tác giả của đạo luật nhằm xóa bỏ di sản của quá khứ ở Ukraine bằng việc đổi tên hàng nghìn tuyến phố, thị trấn và thành phố, cũng như dỡ bỏ các di tích.
Năm 2021, Sobolev mặc quân phục khi ông được thăng cấp từ quân nhân Ukraine lên sĩ quan, khi cuộc xung đột bắt đầu từ năm 2014 mở rộng.
Tiến trình đàm phán để Ukraine gia nhập EU bắt đầu bằng cuộc họp cấp bộ trưởng tại Luxembourg ngày 25/6, vài ngày trước khi Hungary , quốc gia có quan hệ thân thiết với Nga, đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của EU trong 6 tháng.
Ukraine xóa bỏ những rào cản ban đầu để gia nhập EU bằng cách thể hiện tiến bộ trong công cuộc chống tham nhũng và xây dựng lại hệ thống tư pháp của mình, cùng những lĩnh vực khác mà EU coi là cơ bản.
Nhà nghiên cứu Leonid Litra thuộc Trung tâm châu Âu Mới, một tổ chức tư vấn ở Kiev, cho biết bây giờ Ukraine phải vạch ra kế hoạch chi tiết hơn để đạt được những kết quả lâu dài, được đo lường bằng nhiều tiêu chí.
Sau đó, Ukraine phải chuyển sang các lĩnh vực từ nông nghiệp, thuế, đến giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Litra cho biết con đường phía trước đối với Kiev không hề dễ dàng, vì những quan niệm cũ vẫn còn ăn sâu trong các cơ quan của chính phủ.
Ông cho rằng người Ukraine có thể trở thành "những sinh viên nghiêm túc hơn nhiều" về quản trị, khi triển vọng gia nhập khối gồm 27 quốc gia trở nên rõ ràng hơn. Theo chuyên gia này, chiến sự buộc xã hội phải trưởng thành.