Ukraine muốn Nga ngồi vào bàn đàm phán khi Kiev ở vị thế thương lượng mạnh mẽ hơn, Ngoại trưởng Dmitry Kuleba nói với các nhà báo tại hội nghị hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ đăng cai ngày 16/6.
Phát biểu với báo chí tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock ở dãy núi Alpine, ông Kuleba thừa nhận, cả Ukraine và Nga sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán vào một thời điểm nào đó để đạt được hòa bình.
“Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột và tất nhiên, chúng ta cũng cần phía bên kia ngồi vào bàn đàm phán.Rõ ràng là cần phải có sự tham gia của cả 2 bên để kết thúc cuộc xung đột. Việc của chúng tôi là đảm bảo rằng Ukraine ở vị thế mạnh nhất vào thời điểm cần phải thương lượng với Nga”, Nhà ngoại giao hàng đầu của Kiev tuyên bố.
Nga không được mời tham gia hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ. Moscow mô tả hội nghị này là vô nghĩa, do Kiev và các nước phương Tây không sẵn lòng xem xét các điều khoản của Nga. Hội nghị thượng đỉnh chủ yếu dựa trên “công thức hòa bình” 10 điểm do Tổng thống Ukraine Volodymyr đề xuất, điều mà Moscow đã kiên quyết bác bỏ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/6 đã lên tiếng về các điều kiện ngừng bắn, nhưng cả Ukraine và phương Tây đều bác bỏ.
Ngoại trưởng Ukraine Kuleba cho hay, một số quốc gia ngoài châu Âu và Bắc Mỹ có quan điểm khác về cuộc xung đột.
“Hôm qua đã có tiếng nói từ Nam bán cầu về những thỏa hiệp khó khăn cần phải thực hiện. Đây không phải là quan điểm chúng tôi nghe được từ các đối tác phương Tây”, ông Kuleba thừa nhận.
Theo danh sách được công bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, trong số 92 quốc gia cử đại diện tới hội nghị thượng đỉnh, chỉ có 78 quốc gia ký vào thông cáo chung cuối cùng. Một số nước cho rằng lẽ ra Nga phải có mặt tại bàn đàm phán.
Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng thân Faisal bin Farhan Al Saud cho rằng, bất kỳ tiến triển có ý nghĩa nào hướng tới hòa bình sẽ cần có “sự tham gia của Nga”. Saudi Arabia cũng không ký thông cáo cuối cùng.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, giống như họ đã làm vào mùa xuân năm 2022.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cảnh báo xung đột có thể leo thang vượt ra ngoài biên giới Ukraine và có khả năng gây ra xung đột toàn cầu, liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đó là lý do tại sao “kế hoạch hòa bình của Ukraine”, cũng như các điều khoản được Nga nhắc lại gần đây, là “những bước đi quan trọng” và là “một tia hy vọng” cuối cùng có thể chấm dứt đổ máu, ông Fidan nói.