Ngày 14/6/2024, tại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra sáng kiến hòa bình gồm các điều kiện để nối lại đàm phán, chấm dứt xung đột với Ukraine.
Sáng kiến này được đưa ra trùng với thời điểm hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 và hội nghị quốc tế Thụy Sỹ bàn về giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Công thức hòa bình của Ukraine và phản ứng của các nước
Hội nghị hòa bình họp ở Thụy Sĩ (15-16/6) thảo luận về một giải pháp dựa trên “công thức hòa bình” của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Nhiều nước không tham dự hoặc tham dự ở cấp thấp. Nội dung chính công thức hòa bình của Ukraine là việc quay trở lại đường biên giới giữa Ukraine và Nga năm 1991, rút quân đội Nga khỏi lãnh thổ Ukraine.
Ngày 13/6, hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 họp tại Italia, một trong những vấn đề chính được đưa ra thảo luận là cuộc xung đột Nga - Ukraine. Hội nghị đã nhất trí cung cấp khoản vay 50 tỉ USD cho Ukraine.
Ukraine và các nước phương Tây kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ và thượng đỉnh nhóm G7 ở Italia sẽ gây áp lực buộc Nga chấm dứt xung đột, nhưng giới quan sát không lạc quan về điều này.
Moscow bác bỏ khả năng đàm phán trên cơ sở đề nghị của ông Zelensky và nêu rõ các cuộc đàm phán phải dựa trên thực tế mới trên chiến trường. Nga chiếm được nhiều vùng lãnh thổ và đang giành thế chủ động trên chiến trường, trong khi Ukraine phải lui về phòng thủ và chịu nhiều tổn thất do thiếu đạn dược, vũ khí do Mỹ và phương Tây viện trợ.
Trung Quốc đã tái khẳng định quan điểm của mình đối với cuộc xung đột ở Ukraine được nêu ra trong đề xuất 12 điểm để chấm dứt chiến sự. Trước hội nghị thượng đỉnh Thụy Sỹ, Chủ tịch Tập Cận Binh kêu gọi việc đàm phán phải tính đến lập trường của cả hai bên.
Brazil và Trung Quốc, hai thành viên chủ chốt của nhóm BRICS, không tham gia hội nghị Thụy Sỹ vì một bên xung đột là Nga không nhận được lời mời tham dự, đồng thời cho rằng hội nghị sẽ không thể đem lại kết quả và chỉ kéo dài cuộc xung đột.
Hai nước đã ký tuyên bố chung kêu gọi đàm phán hòa bình để giải quyết xung đột giữa Nga-Ukraine với sự tham gia của cả Ukraine và Nga.
Việc Tổng thống Nga đưa ra sáng kiến nhằm giải quyết cuộc xung đột với Ukraine vào thời điểm này là nhằm làm đối trọng với “Công thức hòa bình” của ông Zelensky và gây ảnh hưởng lên nội dung các cuộc thảo luận của hội nghị thượng đỉnh Thụy Sỹ.
Nội dung chính sáng kiến của Tổng thống Putin
Các điều kiện này là quân đội Ukraine phải rút hoàn toàn khỏi các khu vực họ kiểm soát ở Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye. Ngoài ra, Nga đòi hỏi Ukraine phải từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO, tự nguyện giải trừ vũ khí, phá bỏ các cơ cấu của chủ nghĩa quốc xã, chấp nhận quy chế trung lập, không liên kết với bất kỳ khối quân sự nào và không có vũ khí hạt nhân.
Crimea, Sevastopol và các khu vực mới do Nga kiểm soát phải được chính thức công nhận là của Liên bang Nga. Tất cả các biện pháp trừng phạt chống Nga do các nước phương Tây áp đặt phải được dỡ bỏ.
Ngay sau khi Ukraine tuyên bố sẵn sàng cho một quyết định như vậy và bắt đầu rút quân khỏi các khu vực này, đồng thời thông báo chính thức về việc từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO, Nga sẽ ngay lập tức ngừng bắn và bắt đầu đàm phán. Nga sẽ đảm bảo cho việc rút lui an toàn và không bị cản trở của các đơn vị quân đội Ukraine.
Theo Tổng thống Putin, điều này sẽ đảm bảo không chỉ lệnh ngừng bắn mà còn đảm bảo hòa bình lâu dài giữa Nga và Ukraine.
Ông Putin nhắc lại sự sẵn sàng đàm phán của Moscow, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu không có sự tham gia của Nga và không có đối thoại trung thực và có trách nhiệm thì không thể đạt được giải pháp hòa bình ở Ukraine và an ninh châu Âu nói chung.
Phản ứng ban đầu về sáng kiến của Tổng thống Putin
Tổng thống Zelensky đã bác bỏ sáng kiến kể trên, mô tả đề xuất của lãnh đạo Nga là một tối hậu thư. Cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podlyak, cho rằng các sáng kiến mới của Nga không chứa đựng "đề xuất hòa bình thực sự".
Mặc dù vậy, chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak cho biết Kiev không phản đối việc nối lại đối thoại với Moscow và Liên bang Nga có thể được mời tới hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai để tổ chức đàm phán.
Mặt khác, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho biết, theo thông tin nhận được qua kênh Quốc hội, các đại biểu Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) đang thảo luận về các đề xuất của Tổng thống Putin nhăm giải quyết cuộc xung đột.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói, Nga “không có quyền ra lệnh cho Ukraine cần làm những gì để thiết lập hòa bình”. Ông kêu gọi các đồng minh của Mỹ tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng việc thực hiện các điều kiện nói trên sẽ là “một thành tựu về việc đạt được các mục tiêu của Nga”. Ông tuyên bố không coi đề xuất này là hòa bình và các nước liên minh sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, mặc dù các nước phương Tây phản ứng tiêu cực, nhưng họ sẽ nghiên cứu sáng kiến của Tổng thống Putin về đàm phán hòa bình với Ukraine.
Trong khi đó, Nghị sỹ Quốc hội Đức Sarah Wagenknecht cho rằng phương Tây phải lắng nghe sáng kiến của Tổng thống Putin và sáng kiến này phải được thực hiện một cách nghiêm túc và được coi là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán để đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tuyên bố tại lễ khai mạc hội nghị quốc tế về Ukraine ở Thụy Sĩ ngày 15/6: “Các đề xuất do Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra liên quan đến hòa bình ở Ukraine đang mang lại hy vọng. Đây là một sáng kiến mới, bất kể nội dung thế nào, thì đây là bước đầu quan trọng mang lại hy vọng cho sự khởi đầu để tìm ra giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột bằng các biện pháp ngoại giao, và cũng như trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ luôn sẵn sàng chủ trì các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine".
Các tờ báo và cơ quan thông tấn lớn trên thế giới như The Hill, Sky News, Magyar Nemzet, Frankfurter Rundschau, NHK... cho rằng sáng kiến của Tổng thống Putin phản ánh sự tự tin của ông trong việc đưa ra các điều kiện, khi các lực lượng của Nga đang giành thế chủ động trên chiến trường Ukraine.
Biện pháp duy nhất cho xung đột Nga - Ukraine
Trước đây, ngay sau khi bùng nổ xung đột, Nga và Ukraine đã tổ chức 3 phiên đàm phán trực tiếp tại Belarus và sau đó 1 tháng, vào ngày 29/3/2023 đàm phán đã được nối lại Istanbul.
Các cuộc đàm phán đã đạt được kết quả tích cực. Đoàn Ukraine đã trao cho phía Nga một văn bản đề xuất về Hiệp ước hòa bình có chữ ký tắt của trưởng đoàn Ukraine, David Arakhamia, trong đó Kiev đồng ý quy chế trung lập, phi hạt nhân hóa, không tham gia các khối quân sự.
Tổng thống Ukraine Zelensky lúc đó đã nói, đàm phán là biện pháp duy nhất để giải quyết các vấn đề trong quan hệ với Nga. Tuy nhiên thỏa thuận này đã không được ký kết và sau đó, tháng 10/2022, Tổng thống Zelensky đã ra sắc lệnh loại trừ tất cả khả năng đàm phán với ông Putin, nhưng để ngỏ phương án đối thoại với "tổng thống khác của Nga".
Đáng chú ý, ngày 15/6/2024, tờ New York Times lần đầu tiên đã đăng tải toàn văn bản dự thảo Hiệp ước hòa bình Ukraine - Nga dài 17 trang đã được hai bên nhất trí và ký tắt tại các cuộc đàm phán ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ sau một tháng bùng nổ xung đột năm 2022. Tin này được đưa ra khi Thụy Sỹ đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine, với sự tham gia của hơn 90 quốc gia.
Đề xuất mới của Tổng thống Putin chủ yếu dựa trên nền tảng của thỏa thuận trước đây có tính đến tình hình thực tế trên chiến trường. Đàm phán là biện pháp duy nhất đề giải quyết cuộc xung đột, đảm bảo được lợi ích chính đáng của Ukraine và Nga, đảm bảo an ninh cho toàn bộ châu Âu.