Trong bài phát biểu hôm 7/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố: "Ngoài việc chuyển giao đạn dược và các thiết bị quân sự, các hệ thống tên lửa phòng không NASAMS mới đã được chúng ta đưa vào trực chiến."
Những tháng gần đây, Ukraine kêu phương Tây tăng cường viện trợ quân sự, đặc biệt là hệ thống phòng không, trong bối cảnh mùa đông đang đến gần và việc Nga tích lũy tên lửa để sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Ngoài các hệ thống NASAMS, Ukraine còn tiếp nhận tên lửa AIM-120 của Mỹ và các quốc gia khác thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để sử dụng cho hệ thống phòng không này. Phiên bản phổ biến nhất của loại tên lửa này là AIM-120B và AIM-120C.
Giới chức Ukraine hiện chưa công bố về số lượng hệ thống phòng không NASAM mà nước này nhận được. Vào tháng 7/2023, Washington đã phân bổ gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 1,3 tỷ USD cho Kiev, trong đó bao gồm 4 hệ thống tên lửa phòng không NASAMS.
NASAMS là tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung, được sản xuất bởi tập đoàn Raytheon Technologies của Mỹ và tập đoàn Kongsberg của Na Uy. Hệ thống được triển khai để đánh chặn nhiều mục tiêu trên không bao gồm máy bay, tên lửa hành trình và máy bay không người lái.
Hệ thống NASAMS gồm 3 bộ phận: Radar AN/MPQ-64 Sentinel; tên lửa đất - đối - không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) và trung tâm phân phối hỏa lực (FDC).
Mắt thần của NASAMS là AN/MPQ-64 - một radar 3D hoạt động ở băng tần X quay với tốc độ 30 vòng/phút để phủ sóng 360 độ, có thể theo dõi đồng thời 60 mục tiêu và có thể phát hiện mục tiêu cách xa đến 120 km.
Mỗi bệ phóng di động của NASAMS có sáu thùng chứa tên lửa phòng không. Phạm vi bắn của hệ thống phòng không trong cấu hình NASAMS II lên tới 25 km ở độ cao 15 km. Phiên bản mới nhất của tổ hợp NASAMS III có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 40 km.
Theo Topwar