Ukraine sẽ làm gì sau khi tiếp quản thành phố Kherson?

Minh Hạnh |

Về lý thuyết, Ukraine có thể triển khai vũ khí do phương Tây cung cấp, ví dụ hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) đến thành phố Kherson để uy hiếp tuyến đường hậu cần của Nga.

Ngày 9/11, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu ra lệnh cho các lực lượng Nga rút khỏi thành phố Kherson "để tránh thiệt hại không đáng có và củng cố vị trí phòng thủ". Quyết định này được các quan chức quân sự mô tả là "quyết định khó khăn". Không lâu sau đó, quân đội Ukraine tiến vào tiếp quản thành phố.

Động thái rút quân của Nga được giới chức Kiev và phương Tây ca ngợi là một thành tựu to lớn của quân đội Ukraine. Việc Kiev tiếp quản thành phố Kherson sẽ mở ra cánh cửa cho lực lượng Ukraine giành lại quyền kiểm soát toàn bộ Vùng Kherson, đồng thời phá vỡ cầu nối đất liền quan trọng giữa Nga với bán đảo Crimea.

Serhiy Kuzan, cố vấn tại Bộ Quốc phòng Ukraine, nói với Times rằng thành phố Kherson "rất quan trọng về mặt chiến lược quân sự vì nó cho phép chúng tôi nhắm vào các con đường từ Crimea được người Nga sử dụng làm tuyến đường tiếp tế".

Về lý thuyết, Ukraine có thể triển khai vũ khí do phương Tây cung cấp, ví dụ HIMARS đến thành phố Kherson để uy hiếp tuyến đường hậu cần của Nga.

Trước đó, Ukraine đã sử dụng HIMARS cùng các vũ khí tầm xa chính xác cao như pháo tự hành M777 do Mỹ và các đồng minh phương Tây cung cấp để cắt đứt quân đội Nga khỏi các tuyến đường tiếp tế ở phía Nam Kherson và Mykolaiv. Ukraine cũng sử dụng pháo do Mỹ cung cấp để tấn công tiền tuyến của Nga, cho phép bộ binh Ukraine giải phóng một loạt các thị trấn khi họ tiến về phía Kherson.

Ukraine sẽ làm gì sau khi tiếp quản thành phố Kherson? - Ảnh 1.

HIMARS được sử dụng ở gần Kherson hôm 5/11. Ảnh: EPA-EFE

Konrad Muzyka, Chủ tịch Rochan Consulting, một công ty phân tích quân sự có trụ sở tại Ba Lan, cho biết: "Người Ukraine đã đưa ra quyết định có chủ đích là hạn chế các chiến dịch quy mô lớn, thay vào đó là tập trung chủ yếu vào các cuộc tấn công bằng pháo và tên lửa. Một lựa chọn rất khôn ngoan."

Sự kết hợp tương tự giữa bộ binh Ukraine và vũ khí Mỹ có khả năng định hình cuộc xung đột trong nhiều tuần tới.

Giả định rằng việc Nga rút lui không phải là một cái bẫy như một số người Ukraine lo ngại, thì quân đội Ukraine có thể sử dụng những loại vũ khí tầm xa này để hạ gục lực lượng Nga ở phía Đông sông Dnipro và tiếp tục tiến sâu, Muzyka nhận định.

Jordan Cohen, nhà phân tích chính sách tại Viện CATO, nói với Newsweek rằng động thái rút quân của Nga cho thấy tình hình đang tiến triển theo hướng có lợi cho Ukraine.

"Thành phố Kherson là thủ phủ đầu tiên mà quân đội Nga giành được. Việc mất Kherson sẽ cắt đứt đường tiếp cận của Nga với Bắc Crimea, đồng thời khích lệ phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine", Cohen nói. "Tôi nghĩ kế hoạch của Ukraine là lấy lại càng nhiều lãnh thổ và càng có nhiều thành công trên chiến trường càng tốt trước mùa Đông."

Cohen cho biết các tuyến tiếp tế của Crimea trở nên dễ bị tổn thương hơn nếu Ukraine có thể đẩy lực lượng Nga ra xa hơn về phía Đông. Nhưng ông thừa nhận đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì có vẻ như Nga đang tăng cường phòng thủ.

Đồng quan điểm, Konrad Muzyka cho biết việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dù vậy, nếu Ukraine thành công thì mùa Đông yên tĩnh mà mọi người dự đoán sẽ trở nên ồn ào và quyết liệt hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại