Theo nguồn tin quân sự Mỹ, doanh nghiệp nhà nước Ukroboronservis - chi nhánh của tập đoàn sản xuất vũ khí Ukroboronprom sẽ cùng với công ty của Mỹ Aeroscraft sẽ hợp tác sản xuất nhiều loại vũ khí ban đầu là khẩu M16 tại Ukraine theo tiêu chuẩn của NATO.
"Vũ khí đầu tiên dành cho các dự án thí điểm này sẽ được sản xuất tại Ukraine đó là súng trường tự động M16 theo tiêu chuẩn của NATO là một phần quan trọng trong xu thế phát triển và cải cách của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine", người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước Ukroboronservis - Sergey Mikityuk.
Được biết, ngay trước khi sự hợp tác giữa Mỹ và Ukraine về sản xuất khẩu M16 được công bố, theo Reuters, Lầu Năm Góc cũng đã chuyển cho Iraq khoảng 10.000 khẩu M16, 10.000 ống ngắm quang học và 100.000 ổ đạn để quân đội và lực lượng an ninh nước này mở chiến dịch tái chiếm thành phố Mosul do phiến quân IS kiểm soát.
Việc Mỹ ra tay nghĩa hiệp giúp Iraq và hợp tác với Ukraine bằng súng M16 khiến nhiều chuyên gia quân sự đặt câu hỏi về khả năng tác chiến của chúng có thể giúp gì nhiều cho Iraq và Ukraine trong cuộc chiến tại miền Đông nước này với lực lượng ly khai bởi đây là dòng súng mang nhiều khiếm khuyết của Mỹ.
Khiếm khuyết lớn nhất của M16 là tình trạng kẹt đạn, và để khắc phục tình trạng này, từ biến thể M16A1, người ta bổ sung thêm một bộ phận gọi là "foward assist" và M16 là súng trường tấn công duy nhất trên thế giới cần đến bộ phận này để chống kẹt đạn. Nó là một cái cần nhỏ ở buồng đạn dùng để đẩy khóa nòng về vị trí đóng trong trường hợp kẹt đạn do lò xo không đẩy về hết.
Khi kẹt đạn, người bắn sẽ ấn vào cái cần nhỏ này để đẩy khóa nòng về và lên viên đạn mới. Nếu không có bộ phận này người bắn phải giật "quy lát" về sau hoặc thay băng đạn mới và tốn khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, trong thực tế chiến đấu bộ phận "foward assist" không cải thiện được tình trạng này là bao.
Một khi đã xảy ra tình trạng kẹt đạn thì việc ấn vào "foward assist" cũng chỉ giúp súng bắn thêm một viên đạn nữa và đâu lại vào đó. Bộ phận "foward assist" là một cải tiến mang tính chắp vá bởi gốc rễ của tình trạng hay kẹt đạn của M16 nằm ở cơ cấu trích khí và bộ phận đẩy về.
Một nhược điểm khác của M16 là rất nhạy cảm với bụi bẩn trong điều kiện chiến trường khắc nghiệt. Các chi tiết bên trong của súng có độ chính xác cao và độ rơ rất thấp, do đó chỉ cần bám bẩn và không vệ sinh kịp thời là súng rất dễ kẹt đạn.
Vấn đề kẹt đạn của M16 đã trở thành một chủ đề đau đầu của binh lính Mỹ trong nhiều cuộc chiến nước này tham gia. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện, trong số 1.585 binh lính được đặt câu hỏi về độ tin cậy của M16 có đến 80% binh lính trả lời là họ đã từng bị kẹt đạn khi sử dụng loại súng này.
Bất chấp kết quả khảo sát nghèo nàn, Mỹ vẫn tuyên bố M16 là súng trường tốt nhất nước này từng sản xuất và Lầu Năm Góc luôn ưu tiên đồng minh thân cận bằng loại súng này trong các gói viện trợ vũ khí sát thương.