Ukraine định ép Nga phải nhượng bộ bằng căn cứ mới sát sườn Crimea: Kế hoạch viển vông?

Hồng Anh |

Quan chức Crimea và các chuyên gia Nga cho rằng lực lượng quân đội và tiềm lực tài chính của Ukraine không đủ để thiết lập và duy trì một căn cứ quân sự mới trên biển Azov.

Biến động mới tại Azov

Vừa qua, chính quyền Ukraine đã tuyên bố dự định xây dựng một căn cứ hải quân mới trên vùng biển Azov nằm giữa Crimea, Nga và Ukraine.

Sputnik đưa tin ngày 18/9 trích phát biểu của Trung tướng Ukraine Vasily Bogdan cho biết căn cứ mới này sẽ buộc Nga phải "nhượng bộ và ngồi vào bàn đàm phán" với Kiev.

Ông Bogdan tin rằng việc các tàu chiến của Ukraine hiện diện trong khu vực có thể tác động đến quá trình thực thi thỏa thuận Minsk và hàng loạt các vấn đề liên quan, kể cả việc lấy lại bán đảo Crimea từ tay Nga.

Trung tướng này cáo buộc Nga gần đây đang tăng cường sức hiện diện quân sự trên vùng biển Azov và không thể loại trừ khả năng Nga có thể sử dụng vùng biển này làm bàn đạp tấn công Ukraine từ khu vực gần Mariupol hay Berdyansk.

Bởi vậy nên chính quyền Ukraine hiện đang nỗ lực tăng cường lực lượng hải quân tại khu vực này, và dự định trở thành "một đối thủ đáng gờm của Nga trên biển Azov", ông Bogdan cho biết.

Trung tướng Bogdan cũng thừa nhận rằng đội tàu Nga hiện nay vượt xa đội tàu Ukraine về năng lực, nhưng ông tin rằng Kiev sẽ nhận được sự giúp đỡ của các đối tác phương Tây.

Trước đó, ngày 16/9, trang Facebook chính thức của Nội các Ukraine đã đăng tải thông tin rằng từ nay đến cuối năm 2018, nước này sẽ thiết lập một căn cứ hải quân mới trên Biển Azov. Hai tàu pháo của Hải quân Ukraine đã được đưa đến khu vực Berdyansk để chuẩn bị cho căn cứ mới.

Không lâu trước đó, cơ quan biên phòng Nhà nước Ukraine đã thông báo rằng 270 quân nhân thuộc lực lượng đặc nhiệm sẽ được triển khai tới các đơn vị quân đội trong khu vực Biển Azov và Biển Đen.

Đây không phải lần đầu tiên Ukraine tuyên bố ý định tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Azov. Hồi tháng 8 vừa qua, chỉ huy Hải quân Ukraine và ông Oleksandr Turchynov, Thư ký của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, cũng từng tuyên bố ý định tương tự nhằm 'kiềm chế' Nga tại vùng biển này.

Ukraine định ép Nga phải nhượng bộ bằng căn cứ mới sát sườn Crimea: Kế hoạch viển vông? - Ảnh 2.

Tàu Ukraine. Ảnh: UNIAN.

Kế hoạch viển vông?

Ông Vladislav Ganjar, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước của Cộng hòa Crimea, cho biết chính "những lời đe dọa kinh khủng của Ukraine" (ví dụ như lời đe dọa đánh bom cầu Crimea) đã dẫn đến tình trạng hiện nay, khiến chính phủ Nga phải cảnh giác cao độ hơn tại khu vực Biển Azov.

Ông Ganjar cũng cho rằng phía Ukraine đang nói chuyện viển vông khi nghĩ đến việc thiết lập một căn cứ hải quân và hạm đội mới trên Biển Azov:

"Quân đội Ukraine không sẵn sàng chiến đấu. Tất cả những khí tài họ đang sở hữu hiện nay từ thời Xô viết đều đã xuống cấp. Và ý muốn thiết lập hạm đội mới của họ chỉ là chuyện hão huyền, nhất là khi phương Tây chưa chắc đã sẵn sàng giúp đỡ họ xây dựng căn cứ mới [trên biển Azov]. 

Nếu họ [phương Tây - RT] cần một căn cứ như thế, thì họ đã tự xây nó từ lâu rồi".

Còn theo Thượng tướng Leonid Ivashov, người đứng đầu Học viện Địa Chính trị (Nga), thì động thái trên của Ukraine cho thấy nước này đang theo đuổi chính sách thù địch với Nga. Ông cho rằng Kiev không tự mình đưa ra quyết định đó, mà đã có sự hậu thuẫn của phương Tây.

Giáo sư Yuri Mikhailovich Pochta tại Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga (PUFR) nhận định tuyên bố của Trung tướng Vasily Bogdan tuy có vẻ "quả quyết và nghiêm trọng", nhưng lại thiếu cơ sở:

"Liệu quân đội Ukraine có sở hữu các loại tàu chiến cần thiết cho mục đích đó không? Liệu họ có dàn thủy thủ kinh nghiệm để vận hành đội tàu mới không? Họ có đủ tiền để duy trì hoạt động của căn cứ đó không? [Tôi cho rằng] đây chỉ là chiêu trò của quân đội Ukraine nhằm lôi kéo sự chú ý của truyền thông".

Theo ông Pochta, dù đúng là phía Mỹ đã hứa sẽ cân nhắc chuyển giao thêm vũ khí sát thương cho Ukraine, nhưng việc Mỹ cung cấp hẳn một đội tàu chiến cho căn cứ mới của Kiev sẽ là điều bất khả thi, bởi cái giá quá đắt đỏ của nó. Thay vào đó, Ukraine sẽ chỉ nhận được một vài tàu chiến cũ của Mỹ trong thỏa thuận trên, giáo sư Pochta nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại