Ukraine đang 'cái khó ló cái khôn' hay 'cầm đèn chạy trước ô tô'?

Hoài Giang |

Người Ukraine vừa nảy ra 1 ý tưởng, nhưng điều đáng chú ý là chỉ vài tháng trước chính người Nga cũng nghĩ đến điều đó.

"Cái khó ló cái khôn"?

Ít giờ trước, tạp chí Defense Express của Ukraine đã đăng tải bài viết với tiêu đề "Sau khi rà phá bom mìn, chúng sẽ được sử dụng lại: Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu một giải pháp thú vị". Dưới đây là lược dịch các chi tiết quan trọng trong nội dung bài viết:

"Thay vì chỉ đơn giản là tiêu hủy bom mìn và vật liệu chưa nổ khác, hoàn toàn có thể lấy nguyên liệu từ chúng để chế tạo ra những loại bom đạn mới.

Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được nhờ các tổ hợp rà phá bom mìn hiện đại đã được sử dụng rộng rãi ở các quốc gia đã xảy ra chiến sự và các khu vực rộng lớn đã bị ô nhiễm bởi mìn.

Trên đây là gợi ý của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, ông Yury Dzhigyr về việc Kyiv (Kiev) đang tìm cách để có được những tổ hợp như vậy và Bộ này đang chuẩn bị những thay đổi pháp lý liên quan để thí điểm dự án càng sớm càng tốt".

Ukraine đang 'cái khó ló cái khôn' hay 'cầm đèn chạy trước ô tô'?- Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Defense Express).

Vị quan chức cũng lưu ý thêm rằng ước tính các khu vực đang bị ô nhiễm bởi bom, mìn và vật liệu nổ ở các khu vực Ukraine tái kiểm soát từ tay đối phương lên tới 2 triệu ha và khoảng 6 triệu ha khác trong các khu vực do đối phương kiểm soát.

Ông Yury Dzhigyr nhấn mạnh:

"Theo nhiều ước tính, hơn 20% số bom, đạn được khai hỏa đã không phát nổ. Việc các bên tham chiến tích cực sử dụng mìn cũng bổ sung vào vấn đề.

Vậy chúng ta phải làm gì? Chúng tôi thấy rằng đã có giải pháp công nghệ, chúng tôi đang cố gắng triển khai các tổ hợp cơ động để xử lý chúng".

Cần lưu ý thêm rằng ngoài phần đất liền, lượng lớn thủy lôi cũng đang tồn tại các khu vực ở Biển Đen và Biển Azov và Hải quân Ukraine cũng đang lên kế hoạch rà phá chúng".

"Cầm đèn chạy trước ô tô"?

Trong bối cảnh cả Kiev và Phương Tây đã nhiều lần đề cập tới việc thiếu hụt đạn pháo, giải pháp tận dụng bom, mìn và vật liệu chưa nổ của vị quan chức Ukraine không phải là không logic.

Tuy nhiên có 2 vấn đề quan trọng mà người Ukraine cần phải đảm bảo nếu muốn thực hiện thí điểm việc này. Đầu tiên là việc họ phải sở hữu những thứ mà ông Yury Dzhigyr đã đề cập - "các tổ hợp rà phá bom mìn hiện đại".

Không giống những khí tài phá mìn trang bị trong cả 2 phía tham chiến ở Ukraine, các tổ hợp này vừa phải đảm bảo dọn dẹp các khu vực bị ô nhiễm bởi bom mìn và vật liệu nổ, vừa phải đảm bảo an toàn cho chính những vật liệu này để tái sử dụng.

Đó có thể là các khí tài được gọi là AEV (Xe công binh bọc thép) có hoặc không người lái được trang bị nhiều phụ kiện dạng module bao gồm lưỡi cày mìn, lưỡi ủi, các loại gầu đặc biệt và thậm chí là cần cẩu...

Ukraine đang 'cái khó ló cái khôn' hay 'cầm đèn chạy trước ô tô'?- Ảnh 2.

Hình minh họa.

Vấn đề là một thiết bị đa năng như vậy thường là không có sẵn ở Ukraine - thậm chí việc sản xuất nhanh chóng chúng ở Phương Tây cũng là vấn đề khá lớn - và Kiev chỉ có thể tận dụng những công cụ mình đang có như các bộ kit lưỡi cày mìn và các xe ủi công nghiệp.

Thứ hai rõ ràng là bom, mìn và vật liệu chưa nổ đang gây ô nhiễm trên đất Ukraine không đồng nhất về chủng loại.

Chúng có mẫu mã thiết kế theo tiêu chuẩn của NATO hoặc khối Hiệp ước Warsaw trước đây.

Điều này gây khó khăn đáng kể trong việc dọn dẹp ở quy mô lớn để "lấy nguyên liệu".

Và vấn đề thứ ba và cũng là cuối cùng đó là chưa chắc những gì mà người Ukraine vất vả thu được sẽ được sử dụng theo cách nào khác ngoài đưa chúng lên các FPV Drone (máy bay không người lái cảm tử góc nhìn thứ nhất) và UGV (phương tiện mặt đất không người lái).

Ukraine đang 'cái khó ló cái khôn' hay 'cầm đèn chạy trước ô tô'?- Ảnh 3.

Hình minh họa.

Điều này cũng có nghĩa là việc thiếu đạn pháo vẫn còn nguyên xi.

Đây cũng là nhận định của chuyên gia Nga Andrey Mitrofanov đề cập trong 1 bài viết được Topwar.ru đăng tải vào cuối tháng 12/2023 về câu hỏi tại sao nước này không tận dụng mà phải chi nhiều tiền để vô hiệu hóa bom đạn hết hạn:

"Có nhiều lý do các lực lượng Nga không nên sử dụng đạn hết hạn và chính yếu là vì việc này có thể dẫn đến những thảm kịch khủng khiếp.

Ví dụ như đầu đạn MLRS (pháo phản lực phóng loạt) được đẩy bằng động cơ nhiên liệu rắn - thứ được sản xuất bằng phương pháp đúc - và để đạn loại này hoạt động tốt, diện tích cháy đồng đều của nhiên liệu phải được đảm bảo.

Trong quá trình bảo quản, các mảnh vụn và vết nứt có thể hình thành trong nhiên liệu rắn làm diện tích đốt tăng lên và kết quả là áp suất cũng tăng mạnh theo có thể khiến thân đạn bị vỡ khi khai hỏa. Điều này có thể gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho chính MRLS.

Điều tương tự cũng xảy ra với đạn pháo và đạn cối - việc để đạn nổ trong nòng pháo cối nhẹ thì gây thương tích còn nặng là tử vong cho các pháo thủ.

...cách tốt hơn là đẩy thuốc nổ vào một loại ma trận polymer nào đó (chế tạo IED/Thiết bị nổ tự chế với vỏ polymer) điều này sẽ giúp thuận tiện và an toàn hơn khi vận chuyển.

... khi được đưa lên UAV cảm tử hoặc FPV Drone, chúng sẽ không còn chịu áp lực cao đến mức có thể dẫn đến phát nổ... chúng cũng có thể được sử dụng trong trên các UGV...

Hãy tưởng tượng về hàng trăm kg đầu đạn nổ mạnh - phân mảnh được đưa tới các công sự kiên cố của đối phương và kích nổ..."

Lữ đoàn 63 của Ukraine ghi hình quá trình UGV (Phương tiện không người lái mặt đất) của họ đưa mìn chống tấn công các vị trí phòng thủ của đối phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại