Ukraine chống tham nhũng quyết liệt - cánh cửa gia nhập EU có rộng mở?

Phương Anh |

EU và IMF mong muốn chứng kiến những tiến bộ đáng kể hơn nữa trong cuộc chiến chống tình trạng tham nhũng của Ukraine.

Trong bối cảnh Ukraine vẫn đang loay hoay trong cuộc chiến chống tham nhũng, Liên minh Châu Âu (EU) hôm 12/3 tiếp tục thúc giục nước này lập một tòa án chống tham nhũng độc lập để truy tố và xét xử những quan chức nhận hối lộ theo khuyến nghị của Ủy ban Venice - Cơ quan chuyên trách về Hiến pháp của Hội đồng Châu Âu.

Động thái được cho là gây sức ép này của Liên minh Châu Âu được đưa ra giữa lúc Ukraine và các nhà tài trợ quốc tế vẫn tranh cãi về việc bên nào có quyền tối cao trong việc bổ nhiệm thẩm phán cho tòa án này.

Phát biểu trong cuộc họp báo khi đang ở thăm Ukraine, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu Federica Mogherini khẳng định, Liên minh Châu Âu cũng như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và cả người dân Ukraine đều kỳ vọng chính quyền Ukraine sẽ có những hành động quyết liệt hơn, đồng thời mong muốn chứng kiến những tiến bộ đáng kể hơn nữa trong cuộc chiến chống tình trạng tham nhũng.

Bà Mogherini nhấn mạnh: "Đặc biệt, tôi muốn đề cập đến sự cần thiết phải làm nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống tham nhũng, bao gồm việc cho phép các thể chế chống tham nhũng điều tra, truy tố và cuối cùng là đảm bảo kết án đúng người, đúng tội. Các đối tác quốc tế của Ukraine, bắt đầu từ Liên minh Châu Âu đều muốn chứng kiến sự thành lập của tòa án chống tham nhũng phù hợp với các khuyến nghị của Ủy ban Venice của Hội đồng Châu Âu”.

Tòa án điều tra những vụ án tham nhũng ở cấp cao này được coi là mắt xích còn thiếu trong hệ thống thể chế mà Ukraine tạo ra trong cuộc cải cách trên diện rộng những năm qua. Hiện Ukraine và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn bất đồng về việc bên nào có quyền tối cao trong việc bổ nhiệm thẩm phán cho tòa án.

Theo đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế muốn tiến trình này sẽ được một hội đồng chung của các chuyên gia quốc tế giám sát. Trong khi đó, bản dự thảo đã được Quốc hội Ukraine thông qua trong lần đọc đầu tiên lại quy định quyền giám sát được giao cho một ủy ban của Ukraine. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ quốc tế lo ngại việc này sẽ khiến hoạt động của tòa án bị tác động đồng thời bày tỏ quan ngại về một số vấn đề khác trong dự luật.

Một trong những lý do được cho là khiến Ukraine không được nhận các khoản cho vay trị giá hàng tỷ đôla Mỹ theo chương trình hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế là do nước này chưa tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết về cải cách chống tham nhũng, trong đó bao gồm việc trì hoãn thành lập tòa án xét xử loại tội phạm này.

Đây cũng được xem là rào cản lớn đối với Ukraine trong triển vọng hướng tới gia nhập Liên minh Châu Âu. Giới chức Châu Âu từng cảnh báo, tham nhũng đang phá hoại mọi nỗ lực mà Ukraine thực hiện, đồng thời là mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp và nhà đầu tư Liên minh Châu Âu trong quá trình hợp tác với nước này.

Kể từ khi chính quyền của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich bị lật đổ vào năm 2014, chính quyền mới của Ukraine nhiều lần tuyên bố thúc đẩy quan hệ hợp tác với Liên minh Châu Âu nhằm tiến tới gia nhập “mái nhà chung” Châu Âu tuy nhiên Liên minh Châu Âu có vẻ như chưa sẵn sàng kết nạp Ukraine làm thành viên.

Ukraine khó tiến gần hòa bình vì Luật tái hòa nhập vùng Donbass? VOV.VN - Luật này đi ngược lại hoàn toàn với Thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại Ukraine.

Để tích cực ghi điểm trong mắt Liên minh Châu Âu, giới chức Ukraine thời gian qua đã khá mạnh tay trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy phức tạp. Dẫu vậy, dường như giới chức lãnh đạo khối này đến nay vẫn không mấy hài lòng với những bước tiến trong cuộc chiến chống tham nhũng của Kiev. Mặc dù vẫn ghi nhận những tiến bộ trong một số cải cách quan trọng của Ukraine, nhưng giới chức Châu Âu khẳng định, Ukraine “cần làm nhiều hơn nữa”.

Có vẻ như cánh cửa gia nhập Liên minh Châu Âu vẫn chưa thực sự rộng mở với Ukraine, khi ngay trong chính nội bộ Liên minh Châu Âu vẫn còn nhiều nước không mấy thiện cảm với việc kết nạp thêm thành viên Kiev. Một số nước thậm chí còn thẳng thắn chỉ trích sự yếu kém trong quá trình cải cách cũng như cuộc chiến chống tham nhũng của nước này.

Thách thức tại tiếp tục đặt ra với Ukraine khi đây không phải thời điểm thuận lợi cho nước này khi Liên minh Châu Âu đang “đau đầu” xử lý các vấn đề nội bộ của mình, đặc biệt là việc Anh rời khỏi khối. Ngay chính bản thân Ukraine cũng phải thừa nhận những khó khăn mà nước này đang phải đối mặt để có thể nắm bắt cơ hội vàng được hội nhập Châu Âu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại