UCAV đang thay đổi bản chất của chiến tranh hiện đại với viễn cảnh một cuộc chiến không có sự tham gia của con người, một cuộc chiến của khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Với lợi ích và ưu điểm vượt trội của UCAV, không có gì là khó hiểu khi các quốc gia trên thế giới ngày càng chú trọng đầu tư nhiều hơn vào phát triển loại vũ khí này.
Mỹ vẫn dẫn đầu cuộc đua
Với kinh nghiệm nhiều thập kỷ nghiên cứu, chế tạo và sử dụng UCAV, Mỹ đã và đang độc chiếm vị trí số một cuộc đua này trong suốt những năm qua. Mỹ sở hữu mọi ưu thế để tiếp tục khẳng định vị trí trong tương lai gần như:
Ngân sách chi tiêu hàng năm cho UCAV luôn đứng đầu thế giới; lực lượng UCAV "hùng hậu" với các dòng UCAV phổ biến như MQ-1 Predator, MQ-9 Reaper, RQ-4 Global Hawk… và sự hiện diện của hàng loạt các tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn như General Atomics, Boeing, Lockheed Martin hay Northrop Grumman.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho thấy tham vọng phát triển mạnh hơn nữa lực lượng thiết bị bay không người lái. Năm 2017, nước này vừa đề ra chiến lược trung hạn về phát triển các loại thiết bị UCAV cho giai đoạn 2021-2030.
Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu máy bay không người lái thuộc Đại học Bard, ngân sách Mỹ dự chi cho phát triển UCAV năm 2019 là khoảng 9,39 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Dòng UCAV được Mỹ dành tâm huyết nhiều nhất hiện nay và trong thời gian sắp tới là MQ-9 Reaper, hay còn gọi là Predator-B. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã duyệt chi khoản ngân sách năm 2018 lên tới 1,4 tỉ USD cho phát triển dòng UCAV có biệt danh "thần chết" này. MQ-9 Reaper được cho là sự thay thế xứng đáng cho MQ-1 Predator hiện đã "nghỉ hưu".
MQ-9 Reaper có khả năng hoạt động liên tục 27 giờ, tốc độ đạt ngưỡng 240 ktas (khoảng 445 km/h), trần bay lên giới 50.000 ft (15.240 m), tải trọng hơn 1.700 kg, trong đó tải trong khả dụng bên ngoài là hơn 1.300 kg. So với MQ-1 Predator, MQ-9 Reaper có tốc độ nhanh gấp 2, tải trọng khả dụng gấp 5 và công suất mã lực gấp 9 lần.
Tuy nhiên, cuộc đua về các thiết bị bay không người lái giờ đây không còn chỉ là của riêng nước Mỹ. Rất nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang phát triển loại vũ khí này. Nga và Trung Quốc đã nhảy vào cuộc đua, còn Israel thì đang dẫn đầu về xuất khẩu UCAV; vì vậy, Mỹ không được phép quá tự mãn.
Israel chiếm lĩnh thị trường
Giống như Mỹ, Israel cũng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo và sử dụng UCAV. Đặc biệt, Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa thiết bị bay không người lái vào tác chiến trên chiến trường. Có thể nói, Israel là quốc gia góp phần đáng kể vào việc thay đổi bản chất của chiến tranh hiện đại – cuộc chiến của các loại vũ khí công nghệ cao.
Máy bay chiến đấu không người lái Super Heron của Israel. Ảnh: Military Factory.
Ngay từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Israel đã là nước xuất khẩu UCAV lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 60% thị trường toàn cầu, bỏ xa Mỹ ở vị trí thứ hai với chỉ khoảng 25%. Sở dĩ Israel đạt được vị trí như vậy là bởi:
Thứ nhất, Israel là nước sử dụng các UCAV trong nhiệm vụ giám sát sớm nhất, điều này ít nhiều khẳng định uy tín cũng như kinh nghiệm của quốc gia này trong việc chế tạo và sử dụng UCAV.
Thứ hai, Israel nằm ở khu vực Trung Đông, một nơi "ít bạn nhiều thù" với Nhà nước Do Thái, khiến Israel phải thúc đẩy việc phát triển các vũ khí công nghệ cao nhằm thu hẹp khoảng cách về tương quan lực lượng với các nước láng giềng thù địch.
Thứ ba, việc Mỹ không sẵn lòng chia sẻ công nghệ về máy bay không người lái đã trực tiếp mở ra một thị trường tiềm năng cho quốc gia Trung Đông này.
Nhà sản xuất UCAV lớn nhất Israel là Tập đoàn Công nghiệp hàng không Israel (IAI) với dòng máy bay không người lái Heron hiện đang được nhiều nước ưa chuộng.
Super Heron, UCAV mới nhất mà hãng này đưa ra thị trường, có khả năng duy trì hoạt động 45 giờ liên tục với tốc độ đạt ngưỡng 150 ktas (khoảng 277 km/h) và được trang bị hệ thống cất cánh, hạ cánh tự động.
Trung Quốc dần khẳng định vị thế
Không một quốc gia nào trên thế giới có thể đuổi kịp Trung Quốc về tốc độ của các chương trình phát triển UCAV. Theo ông Shi Wen, kỹ sư trưởng các chương trình phát triển UCAV dòng Caihong (CH), Trung Quốc đang thực sự coi trọng loại vũ khí này và đang nỗ lực để thu hẹp khoảng cách với Mỹ - quốc gia đang chi phối thị trường UCAV.
Theo ông, Trung Quốc đang chuẩn bị đồng bộ hóa việc triển khai các dòng UCAV và máy bay quân sự, nghĩa là đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho UCAV nhằm cho phép máy bay chiến đấu có người lái phối hợp điều khiển UCAV.
UCAV Wing Loong II của Trung Quốc. Ảnh: Sputnik.
Dòng thiết bị bay không người lái Trung Quốc giới thiệu gần đây nhất là chiếc Dark Sword được phát triển bởi Tập đoàn máy bay Shenyang.
Dark Sword hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn như tốc độ siêu thanh, khả năng cơ động cao và đặc biệt là khả năng tàng hình để trở thành chiếc tiêm kích thế hệ thứ sáu đầu tiên trên thế giới. Dòng UCAV này là minh chứng rõ nét nhất cho tham vọng của Bắc Kinh trong cuộc cách mạng công nghiệp các thiết bị quân sự không người lái.
Bên cạnh Dark Sword, những thiết bị bay không người lái dòng Yunying, phát triển bởi Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, cũng gây được tiếng vang lớn nhờ khả năng bay trên tầm bắn của tên lửa hạm đối không và có thể tấn công cả mục tiêu mặt đất và trên biển.
Chiếc Yunying-3 còn được trang bị tên lửa chống hạm và sở hữu khả năng phá hủy các mục tiêu từ khoảng cách 50 km.
Các dòng UCAV khác của Trung Quốc như Cloud Shadow, Wing Loong, CH-3, CH-4 và CH-5 cũng luôn cho thấy sức hấp dẫn của mình, đặc biệt là tại thị trường Trung Đông. Hiện Ai Cập, Saudi Arabia và UAE đều đã trang bị các thiết bị bay dòng CH.
Những chiếc UCAV này tuy được phát triển từ các phiên bản của hai chiếc Predator và Reaper của Mỹ, nhưng giá thành của chúng thậm chí chỉ bằng một nửa, đủ để cho thấy tính cạnh tranh của các UCAV đến từ Trung Quốc.
Nga không nằm ngoài cuộc chơi
Để không bị thất thế trong cuộc đua UCAV với Mỹ và Trung Quốc, Nga cũng đã khẩn trương tiếp cận và phát triển các dòng vũ khí này.
Theo ông Alexander Nemov, Phó Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Không quân Trung ương Nga, quốc gia này hiện đang phát triển UCAV tầm xa, có khả năng xuất kích với tốc độ siêu thanh và bay ở tầm thấp nhằm tấn công cả các mục tiêu cố định lẫn di động.
Dòng UCAV Orion của Nga. Ảnh: Kratko News.
Tháng 5 vừa rồi, Bộ Quốc phòng Nga cũng hé lộ về hai loại UCAV mới nhất: Corsair của OKB Luch và Katran của Tập đoàn Russian Helicopters.
Cả hai loại UCAV mới này đều có khả năng thực hiện những cuộc tấn công có uy lực. Nga cũng đã cho ra mắt UCAV Orion tầm trung, có sải cánh 16 mét, độ dài 8 mét, tải trọng 200 kg và có thể bay liên tục 24 giờ.
Trong tương lai, với việc chú trọng hơn vào hiện đại hóa, tự động hóa kho vũ khí, Nga hứa hẹn sẽ cho ra đời nhiều sản phẩm UCAV hơn nữa.
Đã có thông tin cho thấy Tập đoàn MiG đang phát triển máy bay không người lái hạng nặng và Cục Thiết kế Sukhoi cũng đang tiến hành dự án phát triển UCAV cỡ lớn Ohotnik.
Có thể thấy thị trường UCAV đang hết sức sôi động với sự góp mặt của nhiều tập đoàn vũ khí lớn từ Mỹ, Nga, Trung Quốc… Trong thời gian tới, khi trí tuệ nhân tạo được ứng dụng sâu rộng hơn vào lĩnh vực quân sự-quốc phòng, UCAV sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn, có những tính năng đặc biệt và nổi trội hơn so với các dòng vũ khí thông thường khác.
UCAV đã và sẽ tiếp tục đóng một vai trò tích cực trong việc thay đổi bản chất của chiến tranh hiện đại, nơi công nghệ có vai trò then chốt. Quốc gia nào sớm làm chủ và tối ưu hóa được công nghệ UCAV sẽ có được lợi thế lớn trên chiến trường và thị trường vũ khí.