Một ngày sau những thông cáo đầu tiên về việc Uber chính thức nhường lại sân chơi ở Đông Nam Á cho Grab, hãng xe công nghệ này vẫn sẽ hiện diện tại thị trường Việt Nam ít nhất 2 tuần nữa, trước khi các nền tảng được chuyển giao hoàn toàn cho đối thủ một thời. Riêng nhánh hoạt động về giao nhận thực phẩm, Uber Eats, còn trụ lại tới tháng 5, trước khi được tiếp quản bởi GrabFood.
Ngày 26/3, trong thông báo gửi tự động tới các đối tác, Uber cho biết các lái xe có thể tải và sử dụng luôn phần mềm của Grab để nhận đặt chuyến và thu tiền khách hàng. Hãng cũng gửi kèm bản trả lời chi tiết những câu hỏi phổ biến nhất của khách hàng và đối tác theo Uber app.
Tuy nhiên, ngược lại với nỗ lực thống nhất nhanh chóng của cả Uber và Grab, phần lớn cánh lái xe của Uber vẫn khá hoang mang trước tình hình hiện tại và bày tỏ sự nuối tiếc với Uber - nơi giúp họ mưu sinh trong thời gian dài. Không ít người chọn gắn bó với Uber đến thời điểm cuối ứng dụng còn hiệu lực tại Việt Nam (ngày 8/4).
Tài xế Uber hoang mang trước việc Uber và Grab sát nhập.
Trên các diễn đàn lớn, nhiều tài xế đăng tải hình ảnh thông tin chuyến xe cuối khi sử dụng ứng dụng gọi xe Uber và băn khoăn có nên "nhảy ứng dụng" sang Grab bởi hiện tại, mức phí để sang Grab được cánh tài xế rỉ tai nhau lên tới 28%. Mức này được cho là quá đắt đối với tài xế Uber.
Thậm chí, nhiều chủ xe vừa chân ướt, chân ráo chạy Uber nay phải chuyển sang Grab nên đã tính đến việc bán xe vì lo không đủ khả năng cạnh tranh, ảnh hưởng thu nhập bởi "đội quân" Grab hiện đã quá đông đảo.
"Dồn tiền và vay ngân hàng để mua xe chạy Uber được 4 tháng, chưa kịp tăng thu nhập thì giờ lại bị 'đem con bỏ chợ'. Nếu gia nhập Grab tôi lo hãng sẽ tăng mức chiết khấu. Chưa kể, nhu cầu đặt xe có thể giảm đi do số lượng tài xế tăng đột biến", anh Nguyễn Thế T. (một tài xế Uber) tâm sự.
Văn phòng Uber tại Vạn Phúc (Hà Nội) tạm thời đóng cửa hôm 26/3 khiến nhiều tài xế bất ngờ.
Trong khi đó, nhiều tài xế Uber vướng vào tình cảnh oái oăm hơn khi trước đó, từng "tẩy chay" Grab, và bị hãng này xóa tài khoản. Theo quy định của Grab, các lái xe từng vi phạm quy định của hãng này trước đó sẽ không được gia nhập đội ngũ Grab trong thời gian chuyển đổi.
Ngược dòng với những lo lắng này, không ít chủ xe tận dung thời điểm giao thoa để mua bán tài khoản của Uber và Grab. Nếu số ít các tài xế Uber chọn cách bán lại tài khoản còn hiệu lực đến ngày 8/4 với giá rẻ thì các tay lái kỳ cựu của Grab lại đặt giá 2,5-5 triệu đồng cho ai muốn được sang tên tài khoản của hãng xe Đông Nam Á.
Hôm qua, trung tâm hỗ trợ của Uber tại Vạn Phúc cũng đã đóng cửa để chuẩn bị di dời và chuyển đổi. Hành động bất ngờ này của ông lớn gọi xe đến từ Mỹ khiến không ít tài xe hoang mang khi họ chưa hiểu rõ quy định về việc thanh toán cước phí còn tồn. Sáng nay, thay mặt cho liên minh, Grab khẳng định sẽ trả tiền cho các cuốc xe của Uber từ nay đến 8/4, nhưng không cho biết mức chiết khấu cụ thể.
Uber và Grab "lưỡng long nhất thể" cũng khiến nhiều khách hàng của Uber cũng băn khoăn về việc các thông tin cá nhân và tài khoản khi sử dụng Uber sẽ được quản lý như thế nào.
Trước những băn khoăn này, hãng Grab cho hay, các khách hàng của Uber vẫn có thể xem lại lịch sử chuyến đi hay hạng mức sao trong ứng dụng Uber.
Tài khoản Uber của khách sẽ không mất đi và có thể sử dụng được ở bất kì nước gia nào ngoài Đông Nam Á (nơi Uber vẫn còn hoạt động). Các thông tin của khách hàng sẽ không được chia sẻ với Grab.
Văn phòng Uber tại Việt Nam tạm thời đóng cửa