UAV đã nhanh chóng phát triển từ chỗ chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong tác chiến quân sự đến chỗ trở thành một nhân tố thiết yếu trong chiến tranh hiện đại. Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine khốc liệt, nhu cầu về UAV gia tăng mạnh trên toàn cầu.
UAV có tác dụng giúp mở rộng nhận thức tình hình theo thời gian thực, cải thiện khả năng ngắm mục tiêu, chế áp và phá hủy hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của đối phương. Ngày nay, UAV các kích cỡ đang được sử dụng với số lượng lớn, tạo ra thách thức mạnh mẽ đối với khả năng ngụy trang, ẩn mình và sống sót trên chiến trường. Tương tự, năng lực chống UAV đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ binh sĩ và cơ sở hạ tầng.
Theo cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valerii Zaluzhnyi, UAV đóng vai trò then chốt trong nỗ lực chiếm ưu thế trên không, còn thiết bị chống UAV thì ngày càng quan trọng trong việc bảo vệ lực lượng quân sự trên chiến trường.
Ngoài ra, nhu cầu lớn về cung cấp UAV cho chiến trường đã thúc đẩy ở Ukraine cách tiếp cận năng động toàn xã hội, huy động lực lượng của mọi thành phần đóng góp vào việc phát triển, thu mua, sản xuất và đào tạo sử dụng UAV.
Xung đột mới đây giữa Israel và Hamas là một ví dụ nữa về sử dụng UAV trong thời hiện đại. Tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas đã khai thác UAV để dọn đường cho hoạt động tấn công miền Nam Israel. UAV Hamas đánh vào hệ thống liên lạc công nghệ cao của Israel, các mạng cảm biến và súng máy điều khiển từ xa của nước này.
Tuy nhiên, UAV không hoạt động độc lập. Chúng nên được xem như phương tiện tăng cường hiệu quả quân sự, chứ không phải là “vũ khí diệu kỳ vạn năng”. Tính hiệu quả của UAV phụ thuộc khả năng tích hợp vào một hệ thống quân sự rộng lớn hơn kết hợp nhiều năng lực trên nhiều lĩnh vực, bao gồm không gian, mạng internet, xâm nhập và xử lý thông tin tình báo, tác chiến điện tử.
Nhóm nghiên cứu Federico Borsari và Gordon B. “Skip” Davis Jr đã đánh giá tác động của UAV lên chiến trường hiện đại. Họ phát hiện ra rằng UAV đang trở thành nhân tố tất yếu đối với tác chiến ngày nay. Trong tương lai, vai trò của UAV sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa và NATO đứng trước áp lực phải thích ứng nhanh chóng.
Theo nhóm nghiên cứu trên, Liên minh châu Âu và các nước thành viên cũng cần đẩy mạnh tích hợp công nghệ UAV và chống UAV vào hàng loạt văn bản và sáng kiến phòng thủ, bao gồm kế hoạch phát triển năng lực EU. Song song với đó, các nước EU cần bắt đầu mở rộng các dự án hợp tác quốc phòng về UAV và chống UAV, tập trung vào khả năng hoạt động liên hợp.
Tất nhiên, không hẳn là EU chưa làm gì cho vấn đề UAV. Thế nhưng, các dự án hợp tác của EU về cả UAV lẫn chống UAV vẫn khiêm tốn cả về quy mô giá trị (chỉ ở mức thấp hàng triệu euro) cũng như số lượng quốc gia thành viên tham gia.
Đối với phát triển năng lực chống UAV, đầu tư và hợp tác của EU thậm chí còn ở mức khiêm tốn hơn nữa dù rằng EU xem đây là một ưu tiên. Hiện nay, dự án trị giá duy nhất là một sáng kiến nghiên cứu và thiết kế trong 2 năm với nguồn vốn l3,5 triệu euro, liên quan 14 quốc gia nhằm dọn đường cho năng lực chống UAV chung của châu Âu.