Tàu vũ trụ X-37B được Boeing sản xuất hạ cánh tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ngày 12/11. Ảnh: Không quân Mỹ
Cụ thể, sáng 12/11, tàu vũ trụ X-37B đã hạ cánh thành công xuống Trung tâm Vũ trụ Kennedy sau khi hoàn thành một sứ mệnh tối mật với 908 ngày trong không gian, tự phá vỡ kỷ lục trước đó của chính mình với 780 ngày bay trong quỹ đạo.
Trong một tuyên bố, Lực lượng Không gian Mỹ cho hay sứ mệnh OTV-6 cũng đánh dấu mốc lần đầu tiên một chiếc UAV bay vào vũ trụ có gắn mô-đun dịch vụ, tăng số lượng các cuộc thử nghiệm có thể được tiến hành trong không gian.
Trung tá Joseph Fritschen, Giám đốc chương trình, giải thích: “X-37B tiếp tục vượt qua các ranh giới thử nghiệm. Khả năng tiến hành các thí nghiệm trên quỹ đạo và đưa kết quả thí nghiệm về Trái đất một cách an toàn nhằm phân tích chuyên sâu được cho là có giá trị đối với lực lượng không quân và cộng đồng khoa học”.
Mặc dù OTV-6 đã xác lập kỷ lục mới đối với sứ mệnh X-37B, nhưng chuyến bay này vẫn chưa phải là chuyến bay dài nhất vào vũ trụ. Trước đó, tàu thăm dò Voyager 1 và Voyager 2 của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) hoạt động trong không gian hơn 45 năm. Nhà du hành vũ trụ người Nga Valery Polyakov cũng đã thực hiện chuyến du hành vũ trụ có người điều khiển dài nhất trong lịch sử, với 438 ngày trên tàu vũ trụ Mir vào năm 1994-1995.
Hai máy bay không người lái X-37B của Lầu Năm Góc đã thực hiện các sứ mệnh bí mật kể từ năm 2010, bao gồm một thí nghiệm năng lượng Mặt trời của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ, cũng như 2 nghiên cứu riêng rẽ khác của NASA về tác động của việc tiếp xúc với không gian trong thời gian dài đối với hạt giống và các vật liệu.
Tuy nhiên, cũng như những sứ mệnh khác của X-37B, mục đích của sứ mệnh OTV-6 không được công bố đầy đủ. X-37B được thiết kế theo hình dạng con thoi của tàu vũ trụ, được phóng thẳng đứng và đưa lên vũ trụ bằng tên lửa. UAV này hoạt động ở độ cao cách xa Trái đất 804 km.