Uẩn khúc phía sau vụ trao nhầm con ở Hà Nội xôn xao 7 năm trước: Con nhận mẹ rồi lại cắt đứt

Lam Giang |

Bà Hạnh đã tìm được con gái, chị Trang cũng được biết bố mẹ của mình là ai. Thế nhưng cho đến hiện tại, nhiều chuyện xảy ra khiến người trong cuộc hụt hẫng.

Cách đây 7 năm, câu chuyện chị Tạ Thị Thu Trang (hiện 49 tuổi), ở Ba Đình, Hà Nội đi tìm bố mẹ ruột gây xôn xao dư luận. Mẹ của chị Trang là bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (hiện 71 tuổi) sinh con gái tại nhà hộ sinh quận Ba Đình vào ngày 10/10/1974. 

Khi nhân viên y tế trao con, bà mang số 33 nhưng nhận được đứa trẻ số 32, bà Hạnh thắc mắc thì được giải thích trong lúc tắm rửa, số bị mờ. Bà đi tìm những đứa trẻ đánh số gần cạnh thì đều đã được gia đình đưa về. Tay ôm con về nhưng trong lòng bà Hạnh canh cánh nỗi lo con bị trao nhầm. Mặc dù vậy, vợ chồng bà rất yêu thương con. Đứa trẻ đó chính là chị Thu Trang. 

Uẩn khúc phía sau vụ trao nhầm con ở Hà Nội xôn xao 7 năm trước: Con nhận mẹ rồi lại cắt đứt - Ảnh 1.

Câu chuyện tìm người thân của bà Mai Hạnh (áo đỏ) và chị Trang từng gây xôn xao dư luận vào năm 2016.

42 năm trôi qua, sau khi làm xét nghiệm ADN cho kết quả chị Trang không phải con mình, năm 2016, bà Hạnh mới nói sự thật cho con gái biết. Bà mong muốn tìm đứa con bị thất lạc và tìm bố mẹ ruột cho chị Trang. 

3 tháng sau, bà Hạnh đã tìm được người con bị trao nhầm, chị Trang cũng biết bố mẹ mình là ai. Những tưởng câu chuyện trớ trêu đi tới đoạn kết có hậu, nhưng đến hiện tại, nhiều vấn đề xảy ra khiến người trong cuộc rơi vào trạng thái hụt hẫng. 

Con nhận mẹ rồi lại quay lưng

Sau ngày tìm được bố mẹ, chị Trang giờ đã có thêm một cậu con trai, có con dâu, lên chức bà nội. 2 tháng nay, chị cùng ông xã mở cửa trở lại quán bún mọc của gia đình nằm ở số 10, phố Đặng Dung (trước là 75 Quán Thánh), Ba Đình, Hà Nội. Quán của chị Trang là nhà của bà Hạnh cho vợ chồng con gái mượn để buôn bán.

Chị Trang đã từng mở quán ăn ở đây. Nhưng sau khi sinh con thứ 4 vào năm 2016, chị nghỉ bán, cho thuê quán. Hiện tại con út đã lớn, chị quay trở lại với công việc yêu thích. “Trên mạng người ta đồn nhiều chuyện, bảo hay là biết tôi không phải con ruột nên mẹ Hạnh đòi lại nhà. Thực ra không phải như vậy, tôi nghỉ sinh rồi làm công việc khác, giờ quay lại bán. Đây là nơi tôi được sinh ra, được lớn lên, tuổi thơ của tôi ở đây nên tôi rất thích nơi này”, chị Trang nói.

Uẩn khúc phía sau vụ trao nhầm con ở Hà Nội xôn xao 7 năm trước: Con nhận mẹ rồi lại cắt đứt - Ảnh 2.

7 năm qua, cuộc sống của chị Trang có nhiều thay đổi. Chị sinh thêm con trai thứ 4, hiện bé đã được 7 tuổi.

Đôi mắt chị Trang đượm buồn khi ngược về quá khứ, khoảng 2-3 tháng sau khi chuyện nhận nhầm con của gia đình chị được báo chí, truyền hình đưa tin rầm rộ, con gái ruột của bà Hạnh đã chủ động tìm đến nhận mẹ và các anh chị em. 

"Về phía bố mẹ đẻ của tôi, ông bà rất sốc. Họ không biết gì cả, bởi ngày đó sinh xong, mẹ mang số 32, nhận con cũng là số 32 nên chẳng mảy may nghi ngờ gì. Ban đầu bố mẹ tôi không tin nhưng bạn kia đã giải thích, phân tích cho ông bà nghe và nói: “Con không bao giờ đem một người lạ nào về để thế chỗ của con đâu. Mẹ yên tâm, Trang là con của mẹ”. Lúc đó bố mẹ tôi mới tin.

Bạn ấy về nhận gia đình được 2 tháng rồi bảo là không có tình cảm gì với mẹ, không có duyên với nhau. Trong lòng bạn ấy chỉ có bóng dáng người mẹ đã nuôi dưỡng bạn ấy bao nhiêu năm qua. Bạn ấy không nhận mẹ Hạnh nữa. Mẹ Hạnh gọi điện bạn ấy không nghe, đến nhà tìm thì tránh mặt. 

Mẹ Hạnh đang vui sướng bỗng dưng đau khổ. Mẹ không hiểu đã làm gì sai? Đã nhiều lần tôi tạo điều kiện, làm cầu nối để hai bên hỏi thăm nhau nhưng bạn ấy không đồng ý. Từ đó đến nay đã gần 7 năm, bạn ấy không liên lạc gì với gia đình tôi nữa”, chị Trang cho biết thêm. 

Uẩn khúc phía sau vụ trao nhầm con ở Hà Nội xôn xao 7 năm trước: Con nhận mẹ rồi lại cắt đứt - Ảnh 3.

Chị Trang (áo dài đỏ) và bà Mai Hạnh (áo dài xanh) trong ngày vui của gia đình hồi tháng 2/2023.

Hai con người bị trao nhầm suốt hơn 40 năm, nếu bảo hoán đổi vị trí cho nhau thì rất khó, chị Trang hiểu điều đó. Bởi khi đi lại với bố mẹ ruột, chị Trang cũng cảm thấy có nhiều điều lấn cấn. Tình cảm chị dành cho bố mẹ ruột không được như với mẹ Hạnh, nhưng sự thật vẫn là sự thật, không thể chối bỏ được

Buồn vì thấy bố mẹ không thoải mái khi gặp mình

Gần 7 năm qua, chị Trang vẫn đi lại, thăm hỏi bố mẹ. Nhưng 2 tháng nay, chị cũng quyết định dừng liên lạc bởi cảm thấy sự xuất hiện của mình khiến đấng sinh thành phiền lòng. 

Cái gì cũng phải có 2 chiều, tôi về với bố mẹ ruột nhưng bạn kia lại không về bên đây với mẹ Hạnh. Tôi cảm thấy bố mẹ mình không được thoải mái lắm, có thể ông bà sợ con gái của họ bị tổn thương. Bạn ấy rất yêu bố mẹ và bố mẹ cũng thế.

Không biết nói thế nào, nhưng tôi thấy bố mẹ tôi bị gượng ép. Thế nên tôi quyết định là thôi. Tôi sợ người ta nghĩ rằng mình về làm xáo trộn gia đình, cướp bố, cướp mẹ của người ta. Nhưng thực lòng tôi chẳng làm gì, chỉ muốn hai bên đi lại vui vẻ. 

Uẩn khúc phía sau vụ trao nhầm con ở Hà Nội xôn xao 7 năm trước: Con nhận mẹ rồi lại cắt đứt - Ảnh 4.

2 tháng nay, chị Trang đã dừng liên lạc với bố mẹ.

Tôi bảo với mẹ ruột là: “Mẹ ơi có thể mẹ sinh ra con nhưng mẹ con mình lại không có duyên nợ. Duyên phận sắp đặt con là con của mẹ Hạnh, còn mẹ là mẹ của bạn ấy. Con muốn về báo hiếu bố mẹ nhưng không được. Sự xuất hiện của con làm bố mẹ phải buồn lòng thì con không muốn. Thôi thì cứ để mọi thứ trở lại như ngày xưa, nhà ai nấy ở. Bao giờ hai bên cùng vui vẻ nối lại với nhau thì con lại về thăm bố mẹ.

Sau này bố mẹ trăm tuổi, nếu các em còn nghĩ đến con, báo tin cho con thì con sẽ về. Còn không thì thôi, con cũng đành chấp nhận”. 

Nghe con gái nói vậy, mẹ ruột của chị Trang rất buồn. Bà đến tìm và nói với chị Trang rằng: “Con là cốt nhục của mẹ, mẹ không bao giờ bỏ con. Nhưng vì hoàn cảnh nên ý con như thế nào thì mẹ phải chấp nhận. Con yên tâm, con gái mẹ chăm sóc cho mẹ chu đáo lắm, con không phải lo lắng gì đâu”.  

Mong muốn được thử ADN 

Chị Trang bảo, nếu có một điều ước, chị ước bản thân mình đừng biết gì cả, mọi thứ chỉ như một giấc mơ thôi. Còn khi đã biết rồi, chị lại háo hức đi tìm nguồn cội, cuộc sống không thể trở về như trước được. Và nếu được chọn lại, chị sẽ vẫn đi tìm bố mẹ, để biết được người đã sinh ra mình. 

Cho đến hiện tại, điều mà chị Trang còn buồn, còn lăn tăn nhất là chưa được làm xét nghiệm ADN với bố mẹ ruột: “Chuyện thử ADN là vấn đề nhạy cảm. Có lần tôi nói chuyện với mẹ ruột nhưng bà từ chối. Bà nói trước sau gì bà cũng sẽ thử ADN với tôi nhưng chưa phải bây giờ. Nhưng thời gian đã 7 năm trôi qua mà bố mẹ tôi vẫn không muốn làm. Tôi chưa hiểu lý do vì sao. Chính vì vậy mà tôi lại suy nghĩ nhiều cái khác, trong đầu tôi hiện lên nhiều câu hỏi lắm.

Có thể mẹ không muốn thử vì lỡ đâu nhìn thấy kết quả ADN thì bà sẽ nặng phần tình cảm hơn với tôi, làm cho bạn kia bị tổn thương? Hay là vì bố mẹ không chấp nhận sự có mặt của tôi nên không dám đối diện với sự thật. Giờ khoa học đã phát triển như vậy, tại sao mình lại không làm? Tôi rất muốn được làm xét nghiệm ADN với bố mẹ”.

Uẩn khúc phía sau vụ trao nhầm con ở Hà Nội xôn xao 7 năm trước: Con nhận mẹ rồi lại cắt đứt - Ảnh 5.

Chị Trang mong được thử ADN với bố mẹ.

Chị Trang tiết lộ thêm, sau khi bị con gái quay lưng từ chối, bà Hạnh đã suy sụp suốt 3 năm. Vì quá buồn nên bà Hạnh giận con gái ruột. Nhưng nước mắt chảy xuôi, bà vẫn nói với con gái ruột rằng: “Lúc nào con nghĩ lại thì mẹ vẫn mở lòng để đón con”. 

7 năm qua như một thử thách đối với chị Trang. Chị nhận ra rằng chẳng có gì bằng gia đình của chị ở đây. Từ khi biết chị không phải con ruột, mẹ Hạnh vẫn yêu thương chị, các chị em vẫn quý mến, đối xử với chị như trước kia. Chị Trang nhận ra: “Gia đình không dựa trên nền tảng huyết thống, mà dựa trên tình cảm của mọi người dành cho nhau”.

Tôi yêu mẹ Hạnh lắm. Tôi cũng yêu mẹ đẻ, nhưng yêu kiểu khác, không thể giống với mẹ Hạnh được. Sau tất cả, tôi chỉ mong hai bên có thể đi lại vui vẻ với nhau, vậy thôi”, chị Trang bùi ngùi.

Ảnh: NVCC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại