Yêu nhau hơn 3 năm, chuẩn bị đi đến hôn nhân nhưng gia đình Tuấn cật lực phản đối do người yêu anh đã có con. Để thuyết phục bố mẹ, Tuấn khẳng định với cả nhà rằng đứa trẻ chính là con của anh và Hương, nhưng không ai tin anh.
Thuyết phục cha mẹ bằng lời nói không được, anh bèn nghĩ cách thuyết phục bằng văn bản từ y học hiện đại. Tuấn biết rằng nếu trong tay cầm tờ kết quả xét nghiệm ADN khẳng định đứa con của Hương cũng chính là con đẻ của mình thì chẳng ai ngăn cản được đám cưới của họ.
Tuấn lục tìm địa chỉ và số điện thoại của trung tâm ADN nhưng anh không xuất đầu lộ diện, chỉ gọi điện thoại trước để được tư vấn. Anh trình bày hoàn cảnh của mình cho vị giám đốc trung tâm, mong được sự thông cảm và giúp có một kết quả xét nghiệm như ý muốn.
Dù vậy, cách làm trên của Tuấn hoàn toàn thất bại vì trung tâm xét nghiệm khẳng định “dù khách hàng tìm đủ mọi lý do để xin thay đổi kết quả cũng không có tác dụng vì mọi quy trình giải mã đều không có sự can thiệp của bàn tay con người”.
Bà Nguyễn Thị Nga thực hiện giải mã trình tự ADN cho khách hàng. (Ảnh: CGAT)
Tuấn tìm tới hai cha con Cường - một người bạn thân của anh. Gia đình Cường trong con mắt bạn bè luôn là hạnh phúc, đáng ngưỡng mộ với vợ đẹp con ngoan. Sau khi nghe nguyện vọng của Tuấn, Cường gật đầu đồng ý giúp đỡ.
Cường đích thân đến Trung tâm ADN mang theo mẫu móng tay của mình cùng với mẫu móng tay của đứa con. Cường khai tên người bố trong đơn xin xét nghiệm là Tuấn và người con mang tên con của Hương.
Tưởng chừng mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió, nào ngờ mẫu xét nghiệm giữa Cường và con trai cho kết quả “Không cùng huyết thống”. Nhìn dòng chữ in đậm trong lá phiếu, chân tay Cường run lẩy bẩy, anh không thể đứng vững, phải cố bám vào thành ghế rồi gục tại chỗ.
Cường chưa từng nghĩ đứa con anh ôm ấp hàng ngày suốt 2 năm nay lại không phải con ruột của mình. Ngày hôm đó, vì quá sốc, không đứng được nên Cường đã phải nhờ cán bộ giám định của trung tâm gọi điện cho Tuấn đến đón về.
Niềm tin yêu của Cường dành cho người vợ bị sụp đổ. Về nhà anh liên tiếp tra khảo, lăng mạ vợ, cho rằng cô đã phản bội tình cảm của chồng. Quá uất ức vì bị vu oan, nhiều lần vợ Cường nghĩ quẩn muốn tìm đến cái chết.
Chứng kiến gia đình bạn thân lục đục, Tuấn khuyên Cường bình tĩnh nhớ lại ngày giờ và địa chỉ của bệnh viện nơi sinh con, vì rất có thể xảy ra trường hợp trao nhầm con.
Tuấn và Cường đã đến bệnh viện và dò hỏi địa chỉ các ca sinh cùng ngày với vợ anh ngày hôm đó.
Sau khi có thông tin, Cường tìm tới các gia đình có trẻ sinh cùng ngày, tháng, năm với con nhà mình, đặt vấn đề xin lấy mẫu tóc của đứa trẻ để xét nghiệm ADN. Sau nhiều lần tìm kiếm, cuối cùng, kết quả giám định Cường và một đứa trẻ có chung huyết thống.
Như vậy mọi nghi ngờ, bức xúc bấy lâu trong Cường được giải toả, đồng thời minh oan cho người vợ vốn đoan trang, hiền thục.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền, có nhiều nguồn cơn đẩy các ông bố mang con đi xét nghiệm ADN. Lý do phổ biến nhất là do phát hiện vợ ngoại tình, nhìn con không giống mình dẫn đến nghi ngờ.
Tuy nhiên, có người vì giúp người khác nên mới phát hiện ra sự thật khủng khiếp, giống như trường hợp của anh Cường. “Trường hợp của anh Cường đúng là ngoài sức tưởng tượng của tôi và đồng nghiệp”, bà Nga nói.
Cũng theo bà Nga, giám định ADN là phương pháp chính xác nhất hiện nay để xác định huyết thống giữa con và bố (mẹ) nghi vấn (tỷ lệ chính xác lên tới 99,999% hoặc hơn tùy vào số gene làm xét nghiệm. Trường hợp xét nghiệm từ 18-24 locut trở lên, tỷ lệ chính xác vào khoảng 99,99999999%. Những mẫu được dùng để xét nghiệm AND khá đa dạng có thể là máu, tế bào niêm mạc miệng, bàn chải đánh răng, móng tay chân, tóc có chân.