UAE lên tiếng về mối quan hệ với phương Tây sau lời mời gia nhập BRICS

Hoàng Trang |

Một quan chức hàng đầu UAE đã lên tiếng về mối quan hệ của nước này với phương Tây, trong bối cảnh lo ngại rằng khối BRICS được mở rộng để đối trọng với Mỹ và châu Âu.

UAE lên tiếng về mối quan hệ với phương Tây sau lời mời gia nhập BRICS - Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo các nước thành viên BRICS tại hội nghị thượng đỉnh hôm 24/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 28/8, Bộ trưởng Kinh tế Abdulla bin Touq Al Marri khẳng định việc tham gia Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) sẽ không gây tổn hại đến mối quan hệ giữa Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) với các quốc gia phương Tây.

Bộ trưởng Al Marri cho biết UAE đang coi tư cách thành viên của mình như một cơ hội để phát triển thương mại, đồng thời có kế hoạch cam kết bơm thêm vốn cho Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do BRICS thành lập. Tuy nhiên, quan chức này không nêu rõ về số tiền cấp vốn.

Tuần trước, UAE là một trong sáu quốc gia nhận được lời mời tham gia BRICS cùng với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Đây là lần mở rộng đầu tiên của BRICS kể từ năm 2010.

Với bản chất là một trong số ít quốc gia quản lý nguồn vốn quốc gia trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD, UAE là quốc gia đóng góp tiềm năng cho NDB. Ngân hàng này được thành lập để hỗ trợ các dự án phát triển ở các thị trường mới nổi.

Ngoài ra, nhà sản xuất lớn thứ ba của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này cũng có thể trao thêm sức mạnh tài chính cho NDB để đóng vai trò đối trọng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

NDB có trụ sở tại Thượng Hải với vốn ủy quyền là 100 tỷ USD. Kể từ khi thành lập, ngân hàng này đã phê duyệt các dự án với tổng trị giá gần 32 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Abdulla bin Touq Al Marri, UAE đang tiếp tục phát triển hợp tác thương mại với phương Tây, đồng thời thúc đẩy thương mại với các nước kém phát triển hơn ở “thế giới phương Nam”.

Trong vài năm qua, quốc gia vùng Vịnh này đã giành được các thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia bao gồm Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, đồng thời nhất trí giao dịch xuyên biên giới với Ấn Độ bằng đồng nội tệ. Trung Quốc và Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất của UAE vào năm 2022, xếp sau là Nhật Bản và Mỹ.

Bộ trưởng Kinh tế UAE cho biết: “Đi đến thế giới phương Nam là khía cạnh quan trọng nhất mà chúng tôi đang tập trung lúc này và điều đó sẽ phát triển”.

Trong khi UAE đang khám phá khả năng tiến hành giao dịch bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng bạc xanh của Mỹ, quan chức kinh tế hàng đầu UAE cho biết đất nước này đang tạo ra “sự khác biệt giữa các loại tiền dự trữ và giữa các loại tiền tệ thương mại”, cũng như tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh bằng USD.

Việc kết nạp UAE cùng với Saudi Arabia vào liên minh BRICS đã mang một số nhà sản xuất năng lượng lớn nhất cho những người tiêu dùng lớn nhất ở các nước đang phát triển.

Với việc hầu hết giao dịch năng lượng trên thế giới được thực hiện bằng USD, việc mở rộng BRICS cũng có thể nâng cao khả năng của khối này trong việc thúc đẩy giao dịch nhiều hơn bằng các loại tiền tệ thay thế.

Ông Al Marri cho biết tư cách thành viên BRICS đóng vai trò lớn đối với UAE. “Việc gia nhập BRICS sẽ bổ sung rất nhiều vào sự hỗ trợ đa phương của UAE cho thế giới. Chúng tôi đang tập trung vào thương mại toàn cầu của mình, UAE luôn là trung tâm toàn cầu”, ông khẳng định.

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg hôm 24/8, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và UAE sẽ trở thành thành viên chính thức của khối từ ngày 1/1/2024.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bình luận động thái mở rộng BRICS là bước đi “lịch sử” và điều đó sẽ mang lại sức sống cho khối. Ông cho rằng việc kết nạp thành viên mới phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, lợi ích chung của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại