Neuralink, công ty cấy ghép não do Elon Musk thành lập, đã đạt được một cột mốc quan trọng khi được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) bật đèn xanh để bắt đầu nghiên cứu lâm sàng đầu tiên trên người.
Sự chấp thuận này là một cột mốc quan trọng trong sứ mệnh của Neuralink nhằm cho phép giao tiếp trực tiếp giữa bộ não và máy tính.
"Chúng tôi rất vui mừng được chia sẻ rằng chúng tôi đã nhận được sự chấp thuận của FDA để triển khai nghiên cứu lâm sàng đầu tiên trên người!" - Elon Musk viết trên Twitter.
Theo vị tỷ phú Mỹ, sự chấp thuận của FDA là kết quả của công việc đáng kinh ngạc từ nhóm Neuralink với sự hợp tác chặt chẽ với FDA. "Điều này thể hiện bước đầu tiên quan trọng mà một ngày nào đó sẽ cho phép công nghệ của chúng tôi giúp đỡ nhiều người."
Thiết bị cấy ghép của Neuralink chỉ nhỏ bằng đồng xu sẽ cho phép các cá nhân tương tác với máy tính bằng tâm trí của họ. Thiết bị sẽ ghi lại các hoạt động thần kinh, chuyển tiếp thông tin qua tín hiệu không dây Bluetooth phổ biến tới một thiết bị như điện thoại thông minh.
Mục tiêu của công ty vượt ra ngoài các ứng dụng y tế, với mục đích nâng cao khả năng trí tuệ của con người thông qua giao diện não-máy. Việc cấy ghép đã được thử nghiệm trên khỉ. Những con vật này có thể chơi trò chơi điện tử bằng giao diện Neuralink.
Công nghệ này cũng đã được thử nghiệm trên lợn. Kể từ năm 2019, Musk đã bày tỏ mong đợi về các thử nghiệm cấy ghép não của Neuralink trên người, có khả năng giải quyết các tình trạng nghiêm trọng như tê liệt và mù lòa.
Công ty được thành lập vào năm 2016, nhưng phải đến đầu năm 2022, Neuralink mới bắt đầu quá trình phê duyệt của FDA.
Trước đó, FDA đã từ chối đơn đăng ký của Neuralink, đồng thời đưa ra một số lo ngại cần được giải quyết trước khi cấp phép cho các thử nghiệm trên người.
FDA lo ngại các vấn đề xoay quanh pin lithium của thiết bị cấy ghép, khả năng di chuyển của dây dẫn trong não và việc rút thiết bị ra một cách an toàn mà không gây tổn thương cho mô não.