Đại tướng Quân đội Mỹ tin rằng trong chiến tranh không có vũ khí thần kỳ, và tiêm kích F-16 cũng vậy, giống như mọi thứ khác. Đồng thời chiếc máy bay chiến đấu này rất đắt tiền so với đạn pháo và thiết bị mặt đất.
"Nếu bạn nhìn vào tiêm kích F-16, 10 chiến đấu cơ loại này tiêu tốn 1 tỷ đô la, bảo trì tốn 1 tỷ đô la khác, vì vậy chúng ta đang nói về 2 tỷ đô la cho 10 máy bay", ông Milley nói rõ.
Đồng thời Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nhắc lại rằng Nga có "hàng nghìn máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư".
"Nếu định chống lại Nga từ trên không, bạn sẽ cần một số lượng đáng kể máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư và thứ năm, vì vậy, sau khi phân tích chi phí, điều hợp lý nhất chính xác là những gì chúng tôi đã làm - cung cấp một số lượng đáng kể tổ hợp phòng không để bao trùm không gian chiến trường và đối phó sự thống trị của Nga trên bầu trời", ông Milley nói thêm.
Đại tướng Mark Milley cho rằng tiêm kích F-16 sẽ gặp rất nhiều thách thức nếu chúng xuất hiện trên bầu trời Ukraine.
Trước đó, Đại tướng Mark Milley nói rằng Washington không có kế hoạch cung cấp cho Kyiv các tên lửa thuộc dòng MGM-140 ATACMS, có thể vượt qua khoảng cách lên tới 300 km, nhưng đang xem xét các lựa chọn khác cho vũ khí tầm xa mà họ có thể chuyển giao.
Theo ông Milley, từ quan điểm quân sự, Mỹ không có nhiều loại đạn tầm xa như vậy để hỗ trợ Ukraine. Ngoài ra khả năng thực sự của chúng - về phạm vi và những thứ khác như độ chính xác - phần nào được phóng đại bởi các phương tiện truyền thông.
Mặc dù vậy, khi các đồng minh châu Âu như Anh, Pháp, Đức đang có bước đi làm nóng tình hình khi bàn giao tên lửa Storm Shadow, Scalp EG hay dự báo cả Taurus cho Ukraine, nhiều khả năng Mỹ sẽ phải thay đổi quan điểm của mình để viện trợ Kyiv những vũ khí như MGM-140 ATACMS hay AGM-158 JASSM.