Không quân Ukraine hiện đã nhận được một lô lớn tên lửa hành trình chiến thuật Storm Shadow từ Anh và chuẩn bị nhận phiên bản Scalp EG do Pháp chế tạo trong tương lai gần.
Chưa dừng lại đây, theo một số tờ báo Nga, Đức có thể sớm cung cấp cho Ukraine 100 - 150 tên lửa hành trình Taurus có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa tới 480 km, điều này khiến loại vũ khí trên trở nên cực kỳ nguy hiểm.
Taurus KEPD 350 là loại tên lửa hành trình đối đất tầm xa do Taurus Systems GmbH - một công ty liên doanh giữa MBDA Deutschland GmbH (Đức) với Saab Bofors Dynamics (Thụy Điển) hợp tác chế tạo.
Đặc điểm đáng chú ý nhất của Taurus là nó được cấu tạo bởi vật liệu hấp thụ sóng radar cùng hình dáng đặc biệt cho khả năng tàng hình rất cao, vượt ngoài khả năng phát hiện và đánh chặn của phòng không đối phương.
Cơ cấu dẫn đường của Taurus là sự kết hợp giữa quán tính (INS), định vị dựa trên hình ảnh (IBN), quan sát toàn cảnh (TRN) và còn kết nối với hệ thống định vị toàn cầu MIL-GPS, cho độ chính xác gần như tuyệt đối.
Tên lửa hành trình không đối đất Taurus tương đối gọn gàng với chiều dài 5,1 m; đường kính thân 1,08 m; sải cánh 2,06 m, trọng lượng phóng 1.400 kg.
Động cơ phản lực cánh quạt đẩy Williams P8300-15 giúp Taurus đạt tốc độ tối đa Mach 0,95; tầm bắn trên 500 km khi bay bám địa hình ở độ cao chỉ 30 - 40 m.
Đầu đạn nặng 500 kg của Taurus được thiết kế với cơ cấu nổ giữ chậm, tận dụng động năng của tên lửa để xuyên sâu vào trong hầm ngầm, công sự vững chắc rồi mới phát nổ mục đích gia tăng tối đa thiệt hại.
Hiện tại phần lớn các chuyên gia phân tích đều cho rằng máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 của Ukraine sẽ là phương tiện mang tên lửa Taurus, tương tự như với Storm Shadow.
Không quân Ukraine hiện còn 8 - 10 chiếc Su-24 trong biên chế, tuy nhiên họ có thể sửa đổi những tiêm kích MiG-29 do các quốc gia NATO viện trợ để mang loại tên lửa hành trình lợi hại này.