Tuyến đường sắt 11 tỷ USD nối thẳng sang Trung Quốc liên tiếp nhận lệnh đặc biệt, sẽ khởi công năm sau?

Trang Anh |

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan khởi công dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025.

Khởi công dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025

Sáng 9/11, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, nhóm nhiệm vụ thứ tư có đoạn ghi rõ: "Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp triển khai nhanh, quyết liệt các nhiệm vụ để khởi công dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025 và sau đó tiếp tục khởi công tuyến Lạng Sơn – Hà Nội".

Trong diễn biến liên quan, vào chiều 8/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đồng chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo đầu kỳ dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết, tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng đã được xác định trong các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch tỉnh.

Trước đó, Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để triển khai lập và hoàn thành quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt mới Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và đã bàn giao kết quả nghiên cứu cho phía Việt Nam vào tháng 8/2024.

Tín hiệu đặc biệt của dự án đường sắt 11 tỷ USD nối thẳng sang Trung Quốc  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy báo cáo cụ thể về phương án thực hiện tự chủ trong quá trình triển khai dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Cũng trong tháng 8, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn năm 2024 để chuẩn bị đầu tư dự án. Hiện nay, Bộ GTVT đang tích cực triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và đã làm việc với 9 địa phương dọc tuyến để thỏa thuận hướng tuyến, vị trí, quy mô nhà ga với các địa phương. Thêm vào đó, Bộ cũng phê duyệt hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại để rà soát báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Phía Trung Quốc cũng đã cử chuyên gia sang hỗ trợ kỹ thuật từ tháng 10/2024 để phối hợp với tư vấn Việt Nam trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy tại buổi họp đã báo cáo cụ thể về phương án thực hiện tự chủ trong quá trình triển khai dự án trong tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công hạ tầng, chế tạo toa xe, đầu máy, hệ thống điện động lực, quản lý vận hành,…

Từ đó, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị ngay giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, bộ GTVT phải thuê tư vấn độc lập, có kinh nghiệm dày dạn, trình độ và uy tín trong lĩnh vực đường sắt để hỗ trợ Việt Nam trong thẩm định tư vấn.

Phó thủ tướng lưu ý việc xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao phải tính toán, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong mạng lưới đường sắt Việt Nam.

Dự án đường sắt này cũng mới được nhắc tới trong chương trình công tác tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 6/11/2024 vừa qua. Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) Đới Hòa Căn cho biết tập đoàn hết sức quan tâm và đang nghiên cứu kỹ, mong muốn tham gia triển khai tuyến đường sắt Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời đang nghiên cứu việc tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Việt Nam.

Đáp lại, người đứng đầu Chính phủ hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam của CRCC trong thời gian tới. Trước mắt là tiếp tục nghiên cứu tham gia dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nối với Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Đối tác nước ngoài phải cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối Việt Nam - Trung Quốc phải bảo đảm khả năng độc lập tự chủ về thiết kế, cơ khí chế tạo, quản lý vận hành; thể hiện tính nhất quán hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, vận dụng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực…

Đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Bộ GTVT cần khẩn trương tăng cường năng lực cho đơn vị tư vấn trong nước thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; bảo đảm sự thống nhất, thông suốt về số liệu, thông tin với Báo cáo nghiên cứu khả thi, dưới sự giám sát, đánh giá của cơ quan tư vấn độc lập có đủ năng lực chuyên môn về hạ tầng đường sắt tốc độ cao, vận hành, hệ thống nhà ga, logistics…

Tín hiệu đặc biệt của dự án đường sắt 11 tỷ USD nối thẳng sang Trung Quốc  - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tại buổi họp - Ảnh: VGP

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng các gói thầu cần có sự tham gia của chuyên gia, đơn vị tư vấn độc lập về thiết kế kỹ thuật để ra đầu bài cho các gói thầu, nhằm thực hiện đầy đủ các yêu cầu của dự án từ nghiên cứu, điều tra, khảo sát, thiết kế, thi công, vận hành…

"Tất cả các đối tác nước ngoài tham gia tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát phải cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo cho đối tác của Việt Nam để sau khi hoàn thành dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng thì các đơn vị tư vấn trong nước có thể tự đảm nhận các dự án đường sắt tiếp theo", báo Chính phủ dẫn lời Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chuẩn bị phương án lựa chọn các doanh nghiệp trong nước sẵn sàng đầu tư, nghiên cứu, đào tạo, tiếp nhận công nghệ để hình thành nền tảng cho ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam nói chung.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt, tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng có chiều dài khoảng 380km, đường đôi, khổ 1.435mm, đi qua 9 địa phương (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng).

Dự án tuyến đường sắt này sẽ nối với Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) tại điểm đầu Lào Cai. Bộ Giao thông Vận tải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tổng mức đầu tư dự kiến 11 tỷ USD.

Tuyến đường sắt 11 tỷ USD nối thẳng sang Trung Quốc liên tiếp nhận lệnh đặc biệt, sẽ khởi công năm sau? - Ảnh 3.Loạt dấu mốc mới của dự án đường sắt 183.000 tỷ nối thẳng với Trung Quốc: Sẽ có 42 hầm, 145 cầu, 41 ga?

Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị, đến năm 2030 cơ bản được thi công xong tuyến đường đơn, điện khí hóa, khổ 1.435mm đoạn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khoảng 380km.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại