Tuyên bố chung ASEAN đã ‘bỏ sót’ Trung Quốc?

Bảo Anh |

Tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 ở Manila ngày 29-4 đã không đề cập tới các động thái xây đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông.

Tờ Straits Times cho biết tuyên bố chung được công bố vào sáng 30-4 sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã phớt lờ vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Tuyên bố này đã bỏ qua tất cả sự đề cập nào liên quan tới việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc và việc nước này triển khai các vũ khí tới vùng biển khu vực.

Tuyên bố chung đã được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đọc hôm 29-4 với vai trò là chủ tịch năm nay. Như dự đoán, tuyên bố cũng không đề cập tới phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.

“Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc cần thiết tăng cường niềm tin lẫn nhau, kiềm chế và tránh các hành động có nguy cơ làm phức tạp thêm tình hình, đồng thời theo đuổi giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp mà không dùng đến các động thái đe dọa và vũ lực” – Straits Times dẫn lại tuyên bố chung của ASEAN.

Theo ABS-CBN News, tuyên bố chung được chủ tịch ASEAN đọc chỉ “tái khẳng định cam kết chung trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực…phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế được công nhận, gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982”.

Tuyên bố chung được công bố vào sáng 30-4 đã không đề cập tới phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại Hà Lan trong vụ kiện của Philippines chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. 

Phán quyết được đưa ra vào ngày 12-7-2016 đã bác bỏ “đường lưỡi bò” trong bản đồ năm 1947 của Bắc Kinh, nói rõ Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để tuyên bố quyền lịch sử đối với những tài nguyên biển trong đường chín đoạn.

Phán quyết cũng tránh đề cập tới các hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở biển Đông hay việc quân sự hóa của Bắc Kinh ở các đảo này. Trước đó, một số nước thành viên của ASEAN đã kêu gọi tuyên bố chung đề cập tới sự cần thiết của việc tránh “cải tạo đất và quân sự hóa mà có thể làm phức tạp thêm tình hình”.

Với cương vị Chủ tịch của ASEAN trong năm nay, Philippines được kêu gọi tận dụng vai trò này và dùng chiến thắng của Manila tại Tòa án quốc tế trong suốt các cuộc họp của ASEAN cũng như các cuộc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Một quan chức có liên quan tới vấn đề nói với ABS-CBN News rằng có ít nhất bốn dự thảo đã được đại biểu các nước ASEAN khác chuẩn bị sẵn trong trường hợp Philippines mở phiên thảo luận về vấn đề này.

Tuy nhiên, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khăng khăng rằng phán quyết của tòa quốc tế là “vấn đề không quan trọng”.

Tuyên bố chung kêu gọi thực thi toàn diện và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và nhấn mạnh mục tiêu “hoàn thành bộ khung của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) trước tháng 6 năm nay”. Tuyên bố chung cũng nói rằng các lãnh đạo ASEAN cần “chú ý tới sự hợp tác ngày một cải thiện giữa ASEAN và Trung Quốc”.

Theo ABS-CBN News, tuyên bố chung của ASEAN thường được công bố trong vài phút cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong lịch sử khối, hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay đã kết thúc mà không công bố tuyên bố chung được chủ tịch ASEAN đọc cùng ngày. Mãi đến sáng 30-4, tuyên bố chung mới được công bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại