Theo South China Morning Post (SCMP), trong 2 năm vừa qua, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành ít nhất 45 cuộc tập trận mỗi năm. Trong tất cả các sự kiện này đều có sự tham gia hiệp đồng của đa dạng các khí tài hiện đại thuộc cả hải, lục, không quân và diễn ra trên nhiều chiến trường giả định.
SCMP cho biết, dưới thời lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã cải cách sâu rộng quân đội và sử dụng lực lượng này như một công cụ để đẩy mạnh sáng kiến "Vành đai và Con đường" (Belt and Road Initiative) nhằm mở rộng các tuyến giao thương trải khắp châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
"Khi đất nước đang trên đà trở thành một cường quốc quân sự thì cũng đồng nghĩa với việc an ninh quốc gia phải đối diện với nhiều rủi ro cao. Chiến tranh không ở xa chúng ta", một bài bình luận mới đây trên tờ Nhật báo của PLA viết.
"Tình hình khu vực xung quanh Trung Quốc phức tạp và không ổ định. Nhiều nguy cơ ẩn náu dưới môi trường hòa bình. Trung Quốc không thể chấp nhận một thất bại quân sự, vì vậy chúng ta phải nhận thức đầy đủ về tình hình và sẵn sàng chiến đấu trong mọi thời điểm".
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Li Jie cho rằng, những năm gần đây PLA đã tăng cường đáng kể các cuộc tập trận, đặc biệt là từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo từ cuối năm 2012.
"Trung Quốc chưa từng tham gia vào bất kỳ cuộc chiến nào nhiều thập kỷ qua, trong khi Mỹ thường xuyên huấn luyện cho bính lính của họ ở các vùng chiến sự bên ngoài. Chỉ có thông qua tăng cường luyện tập theo các điều kiện gần với thực chiến thì PLA mới có thể phát huy được khả năng sẵn sàng chiến đấu hiệu quả", ông Li Jie được SCMP dẫn lời cho biết.
Học viên trực thăng QĐ Trung Quốc tham gia huấn luyện tác chiến
Năm 2013, nếu như cả quân đội và cảnh sát vũ trang Trung Quốc mới chỉ thực hiện gần 40 cuộc tập trận thì đến 2016 và 2017, riêng PLA đã tiến hành tới 45 cuộc tập trận mỗi năm và đều diễn ra ở những môi trường phức tạp, khó khăn hơn, ở cả 3 không gian tác chiến: trên biển, trên không và trên bộ.
Điều đáng chú ý, PLA đã gia tăng huấn luyện không quân và hải quân tại nhiều địa bàn xa bờ hơn. Chẳng hạn như, tháng 1/2016, tàu sân bay Liêu Ninh đã tổ chức một loạt cuộc tập trận với các tiêm kích hạm J-15 ở Vịnh Bột Hải. Tháng 12/2017, lần đầu tiên các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay qua Eo biển Tsushima nằm giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo Nhật báo PLA, tháng 1/2016, Quân đội Trung Quốc đã cử lính thủy đánh bộ tới vùng sa mạc Tân Cương để "rèn luyện nâng cao khả năng thực thi các sứ mệnh ở không gian rộng lớn hơn và với những điều kiện môi trường phức tạp hơn".
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường phối hợp huấn luyện với các nước, như tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC ) do Mỹ đứng đầu, tổ chức các cuộc tập trận chung với Nga, Kazakhstan, Pakistan, Ấn Độ cùng nhiều quốc gia khác.
Tháng 11/2017, PLA đã tiến hành tập trận bắn đạn thật tại căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của nước này ở Djibouti.
Timothy Heath, chuyên gia nghiên cứu cao cấp về quốc phòng quốc tế của Rand Corporation cảnh báo, việc Trung Quốc tăng cường tập trận có thể được nhìn nhận như một thách thức tiềm ẩn với môi trường an ninh chiến lược, thậm chí là một mối đe dọa, đặc biệt với các nước láng giềng trong khu vực.
"Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, một số nước láng giềng của Trung Quốc sẽ cảm thấy bị "báo động" và chắc chắn sẽ gia tăng các khả năng phòng vệ đối phó", Timothy Heath bình luận.