Tướng quân đội nói cần quy hoạch vùng trời nhưng Bộ trưởng chưa "hình dung" được

Hoàng Đan |

Trước một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy hoạch vùng trời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay: "Không hình dung được quy hoạch vùng trời là quy hoạch như thế nào?".

Cần quy hoạch vùng trời

Góp ý vào dự thảo Luật Quy hoạch trước Quốc hội sáng nay, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, "quy hoạch dứt khoát phải treo" và có sự nhầm lẫn giữa quy hoạch với việc thực hiện các dự án.

Ông Nhưỡng giải thích, quy hoạch phải đi trước, phải có sự chuẩn bị. Còn dự án mà xác định thời hạn thì lúc đó mới thực hiện. Nếu thực hiện không đến nơi đến chốn thì người ta hay dùng thuật ngữ "quy hoạch treo".

"Như vậy, có một sự nhầm lẫn chỗ này. Tôi nghĩ cần phải làm rõ giữa quy hoạch và vấn đề dự án trong luật này cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện. Các đại biểu nói quy hoạch treo, tôi thấy thực sự nhầm lẫn", ông Nhưỡng nói.

Cũng theo ông Nhưỡng, quy hoạch phải xác định rõ không gian phát triển của Việt Nam ở 3 vấn đề. Một là không gian phát triển mặt đất, hai là vùng trời và ba là vùng biển.

"Trong Hiến pháp quy định có vùng trời, ở đây chúng ta không quy hoạch vùng trời mà chỉ quy định biển và đất. Cơ bản nói về đất, tôi cho rằng đây là vấn đề còn thiếu sót.

Tôi rất tâm đắc ý kiến của một đại biểu cho rằng, quy hoạch về đất còn bỏ những vấn đề bảo đảm an ninh, quốc phòng. Chúng ta phải trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc thì mới xây dựng được quy hoạch", ông Nhưỡng nêu.

Đồng quan điểm, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 (đoàn Hà Giang) bày tỏ băn khoăn về quy hoạch vùng trời hiện nay.

Tướng Cò cho hay, Hiến pháp năm 2013 quy định biên giới vùng trời, biển, đất là chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm nên khi quy hoạch phải hài hòa lợi ích kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, nhưng chúng ta chưa đề cập tới vùng trời, mà vùng trời hiện nay là vấn đề rất bức xúc.

"Trước đây, ngành hàng không chưa phát triển nên bầu trời còn rộng lớn, việc huấn luyện, chiến đấu của lực lượng phòng không không quân là tốt.

Hiện nay, hàng không dân dụng phát triển rất mạnh nên việc huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng bảo vệ vững chắc vùng trời gặp nhiều khó khăn. Cho nên vừa qua, khi lực lượng không quân luyện tập thì suýt nữa máy bay quân sự va chạm với máy bay hàng không dân dụng rồi phòng không không quân...", Tướng Cò nói.

Cũng theo Tướng Cò, nếu chúng ta không quy hoạch thì rất khó khăn trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Bởi vì vừa qua, trong các cuộc chiến tranh trên thế giới thì vùng trời là vùng tiến công chiến lược của đối phương, cũng là hướng phòng thủ chiến lược, giữ các tuyến để chiến đấu với kẻ thù trên không.

"Nhưng bây giờ lại không thực hiện được, cho nên tôi đề nghị phải quy hoạch cụ thể, đường bay nội địa, đường bay quốc tế như thế nào, đường bay quá cảnh, đường bay dành cho lực lượng không quân ra sao, vùng trời dành cho phòng không, chiến đấu như thế nào? Tôi đề nghị các đồng chí cần phải quan tâm đến vấn đề này...", Tướng Cò bày tỏ.

Phó Tư lệnh quân khu 2 cũng cho hay, việc phải quy hoạch các vấn đề biển đảo như thế nào cũng cần quan tâm. Bởi nước ta có hơn 330.000km2 đất liền và hơn 1 triệu km2 biển, như vậy chúng ta có khoảng 1,4 triệu km2 bầu trời.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) thì cho biết, do chúng ta chưa có quy hoạch theo đúng nghĩa nên dẫn đến tình trạng "trăm hoa đua nở".

Theo ông, tính đến hết năm 2014, các bộ, ngành và địa phương đã lập 12.860 quy hoạch mà không có sự thống nhất, tích hợp, hỗ trợ, bổ sung cho nhau nên người dân thì nói lạm phát quy hoạch, nhưng ở nhiều nơi họ vẫn phải khổ vì sống trong quy hoạch treo.

Do đó, cần phải ban hành Luật Quy hoạch để tạo hành lang pháp lý thống nhất, tạo quy hoạch trên cả nước, ban hành quy chuẩn chung cho công tác quy hoạch của chúng ta từ nay về sau.

"Chưa hình dung quy hoạch vùng trời là thế nào?"

Giải trình về ý kiến của một số đại biểu về vấn đề cần quy hoạch vùng trời trong dự thảo luật, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, vấn đề này Ban soạn thảo đã đưa ra bàn bạc và xin ý kiến.

Tướng quân đội nói cần quy hoạch vùng trời nhưng Bộ trưởng chưa hình dung được - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quochoi.vn

"Nhưng không hình dung quy hoạch vùng trời là quy hoạch thế nào? Chúng tôi hình dung nó chỉ là ranh giới lãnh thổ giữa các quốc gia với nhau về bầu trời để xác định không xâm phạm không phận của nhau.

Trong một bầu trời, các máy bay bay được tự do. Quan trọng là quản lý, điều hành bay và phối hợp giữa các cơ quan. Mình không giới hạn ai được bay đến đâu và chiều cao của bầu trời không xác định được. Chúng tôi thấy quy hoạch vùng trời rất khó, nên sẽ tiếp thu để nghiên cứu tiếp", ông Dũng nói.

Đối với vấn đề quy hoạch liên quan đến quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng ghi nhận ý kiến của các đại biểu. Tuy nhiên, ông cũng báo cáo, khi thực hiện quy hoạch về quốc phòng, an ninh đã quan tâm đến vấn đề sử dụng đất.

Đất hiện nay xác định có ba loại. Loại thứ nhất là dành cho quốc phòng và không được xâm phạm. Loại thứ hai có thể sử dụng lưỡng dụng trong thời bình, kết hợp kinh tế với quốc phòng. Loại thứ ba là chuyển hẳn sang kinh tế.

"Khi không có chiến tranh, chúng ta có thể sử dụng theo 3 hình thức đó, nhưng khi có chiến tranh có thể huy động bất cứ công trình, diện tích nào trên lãnh thổ Việt Nam để tham gia vào bảo vệ Tổ quốc.

Việc đó không hạn chế, chúng ta có quyền huy động tất cả các nguồn lực của xã hội vào để tham gia bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi xin nói rõ vấn đề đó để cho cả quản lý điều hành sau này", Bộ trưởng nhấn mạnh.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại