Năm 2003, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn đến năm 2020.
Quy hoạch được duyệt là tổng hợp chất xám của nhiều nhà khoa học, cùng các đơn vị chuyên môn uy tín.
"Nhảy múa" Quy hoạch bãi đỗ xe
Năm 2003, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt "Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020".
Quy hoạch trên do Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn (Bộ Xây dựng) lập dựa trên Quyết định 108/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, cùng kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học và các đơn vị chuyên môn uy tín.
Quy hoạch nêu rõ, diện tích dành cho việc xây dựng điểm đỗ và bãi đỗ xe công cộng phải đạt 2,0 - 3,5% đất xây dựng đô thị; Đối với chung cư cao tầng là 4,0 - 5,0% diện tích đất xây dựng đô thị.
Với một bản Quy hoạch được xây dựng chi tiết và bài bản, sau khi được phê duyệt,
Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe đến năm 2020 được kỳ vọng giải quyết tối đa nhu cầu điểm đỗ xe, các vị trí được quy hoạch điểm đỗ đều tọa lạc tại những vị trí "vàng" thuận lợi cho việc di chuyển của người dân.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch hậu phê duyệt lại không đúng tiêu chí ban đầu.
Bến xe Gia Thụy được quy hoạch thành điểm đỗ xe hiện đại với quy mô rộng hơn 6 ha.
Tuy nhiên, sau khi diện tích trên được giao về cho UBND quận Long Biên quản lý, quy hoạch bãi đỗ xe được điều chỉnh thành Trung tâm thương mại Savico MegaMall gồm 2 tòa nhà cao 3 tầng, thay vì xây dựng thành điểm đỗ xe cửa ngõ phía Đông thành phố.
Tại quận Hoàn Kiếm hàng loạt vị trí "vàng" được phê duyệt quy hoạch bãi đỗ xe cũng đồng loạt được điều chỉnh thành… cao ốc, văn phòng cho thuê, khách sạn, trong khi người dân trong khu vực chưa bao giờ hết cơn "khát" bãi đỗ xe.
Lô đất 3.000m2 số 16 Phan Chu Trinh, được quy hoạch là điểm đỗ xe cho khu vực Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Hàm Long, Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tông... trở thành cao ốc, hiện là trụ sở một ngân hàng.
Khu đất "vàng" 1.400m2 tại góc phố Hai Bà Trưng - Hàng Bài, dự kiến xây dựng bãi đỗ xe nhiều tầng ngầm và nổi để thay thế các điểm đỗ trên hè phố Hai Bà Trưng, Hàm Long, Hàng Trống, Bà Triệu... được điều chỉnh xây dựng thành tòa nhà chung cư, văn phòng cao cấp, nay lại trở thành một khách sạn cao cấp.
Năm 2003, toàn bộ diện tích đất tiếp giáp đường Cát Linh và SVĐ Hàng Đẫy được đầu tư gần 100 tỷ đồng làm bãi trông giữ xe cao tầng, bãi đỗ xe được đầu tư cả hệ thống thang nâng hạ phục vụ cho SEA Games 23.
Chỉ vài năm sau khi kết thúc "sứ mệnh" phục vụ SEA Games, khu đất "vàng" trên lại được thành phố làm thủ tục giao cho Sở KH&ĐT Hà Nội làm trụ sở.
Một điển hình nữa của việc biến tướng là lô đất C3 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Dự đoán được nhu cầu bãi đỗ xe của cư dân khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, lô đất C3 đã được quy hoạch làm nhà để xe cao tầng, kết hợp với văn phòng.
Tuy nhiên, ô đất lại được điều chỉnh thành dự án khu nhà ở, dịch vụ thương mại Golden Palace. Sau 2 lần được Sở QHKT điều chỉnh, toà nhà Golden Palace đã trở thành cao ốc cao 20 tầng.
Trong khi lô đất C3 được điều chỉnh quy hoạch, cùng hàng loạt dự án bãi đỗ xe không triển khai đúng cam kết, cư dân khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính vẫn phải chen chân kiếm từng chỗ đỗ xe trên đường Nguyễn Thị Thập và các đường nhánh có mặt cắt 5 - 7m, dẫn đến tình trạng ùn tắc diễn ra thường xuyên.
Bãi đỗ xe làm… "vỏ bọc"
Dự án Cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô kết hợp làm bãi đỗ xe và công trình dịch vụ phụ trợ đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy), do Cty CP Đầu tư xây lắp thương mại và dịch vụ làm chủ đầu tư là ví dụ rõ nhất cho việc thay đổi mục đích.
Dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô có tổng diện tích là 14.000m2, mục đích sử dụng chủ yếu dành cho việc trông giữ xe thu phí và một số công trình dịch vụ phụ trợ phục vụ cho việc thu hồi vốn của doanh nghiệp
Tuy nhiên, Cty CP Đầu tư xây lắp thương mại và dịch vụ đã ký hợp đồng cho nhiều đơn vị sử dụng sai mục đích.
Ô đất số 1 có diện tích 3.704m2 được cấp phép để xây dựng nhà đỗ xe và dịch vụ phụ trợ quy mô 2 tầng và sân đỗ xe ngoài trời, hiện biến thành nhà hàng, quán ăn, đại lý Yamaha.
Ô đất số 2, có diện tích 2.324m2, chủ đầu tư cho kinh doanh nhà hàng cà phê, cửa hàng KFC. Khu đất trồng sân vườn, cây xanh đã được bê tông hóa, lắp dựng khung sắt mái tôn, mái nhựa…
Phần diện tích doanh nghiệp sử dụng cho việc trông giữ xe chỉ khoảng 2.000 - 3.000m2, mục đích "bãi đỗ xe" dường như chỉ đóng vai trò "vỏ bọc" cho lợi ích của doanh nghiệp.
Liên quan đến sự việc trên, UBND phường Quan Hoa và quận Cầu Giấy nhiều lần khẳng định xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, cho đến nay doanh nghiệp vẫn nghiễm nhiên thu lời hằng tháng, còn người dân thì mướt mải tìm chỗ gửi xe.
Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính cũng theo kịch bản này. Năm 2007, UBND thành phố Hà Nội ký Quyết định số 4227 phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cống hóa mương Phan Kế Bính để làm bãi đỗ xe.
Đơn vị trúng thầu là Cty CP Đa Quốc gia, phạm vi đất khoảng 6.000m2. Năm 2008, UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000170 cho "Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe", với yêu cầu, chủ đầu tư phải dành 3.920m2/6.050m2 xây dựng bãi đỗ xe và giao thông nội bộ.
Tuy nhiên, thay vì sử dụng làm bãi đỗ xe, chủ đầu tư lại dành phần lớn diện tích phục vụ việc kinh doanh nhà hàng, quán bia...
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở QHKT Hà Nội cho biết, đã giao các phòng chức năng rà soát lại từng điểm Quy hoạch bãi đỗ xe được phê duyệt theo Quyết định 165, trước khi đưa ra câu trả lời chính thức về việc điều chỉnh quy hoạch trên.