Vào khoảng 9h45 sáng 3/5 theo giờ Matxcơva, tiêm kích Su-30SM của Không quân Nga sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Hmeymim, Syria gặp nạn và rơi xuống khu vực ngoài khơi Địa Trung Hải, gần Latakia. Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga, 2 phi công trên chiếc tiêm kích xấu số cố gắng điều khiển chiếc tiêm kích đến cùng nên không bật dù.
Các nhân chứng cho biết trước khi lao xuống biển, chiếc tiêm kích S-30SM gặp nạn lượn trong không trung 3 lần.
Truyền thông Nga cho biết hiện các lực lượng cứu hộ đang thực hiện công tác trục vớt chiếc tiêm kích xấu số này và nguyên nhân của vụ tai nạn sẽ sớm được công bố. Theo thông tin sơ bộ, nhiều khả năng động cơ của chiếc tiêm kích Su-30SM này ngừng hoạt động do có chim chui vào.
Tuy nhiên, Su-30SM là tiêm kích 2 động cơ và trong trường hợp 1 động cơ dừng hoạt động, chiếc tiêm kích này vẫn có khả năng bay. Nguyên tư lệnh lực lượng Không quân Tiền tuyến, Không quân Nga, Thượng tướng Nikolay Antoshkin nhận định rằng có thể có lý do đặc biệt khiên các phi công không bật dù.
Tiêm kích Su-30SM rơi tại Syria, 2 phi công thiệt mạng. (Ảnh: MG)
Nguyên Chỉ huy Tập đoàn quân Không quân và Phòng thủ tên lửa số 4 của Nga, Trung tướng Valery Gorbenko nhận định rằng các phi công trên chiếc Su-30SM xấu số hoàn toàn có thể bật dù bởi khu vực chiếc tiêm kích này rơi phía trên biển và không nằm trong khu vực do lực lượng khủng bố tại Syria kiểm soát.
"Quyết định này được đưa ra bởi chỉ huy của phi hành đoàn. Luôn có chỉ huy chỉ đạo các chuyến bay, thế nhưng lệnh bật dù không do người này đưa ra bởi người chỉ huy không thể biết chính xác điều gì đang xảy ra trên chiến cơ và phi hành đoàn hiểu rõ tình hình hơn để đưa ra nhận định tình hình và có quyết định nào đó", tướng Gorbenko nhận định.
Tướng Gorbenko giải thích rằng các phi công trên chiếc Su-30SM xấu số có thể tìm cách tắt động cơ và khởi động lại, nhưng rất khó để xác định xem họ có ở độ cao đủ lớn để thực hiện thao tác này an toàn hay không.
Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân khiến chiếc tiêm kích gặp nạn, trong đó có cả trường hợp chim lọt vào động cơ, "tuy nhiên chiến cơ này có 2 động cơ và có thể bay với chỉ 1 động cơ, vì thế vẫn rất khó để khẳng định bất cứ điều gì", tướng Gorbenko giải thích.
Tiêm kích Su-30SM. (Ảnh: Pavel Vanka)
Đây là tình huống bất ngờ và không có bất cứ hướng dẫn nào cả, tướng Gorbenko cho biết, nhưng theo ông thì thông thường "các phi công sẽ cố gắng cứu chiến cơ, đây là lẽ tất nhiên và có những bài tập về thao tác này".
Tướng Gorbenko nhận định rằng phải mất rất nhiều thời gian để đào tạo được 1 phi công giỏi, ít nhất là 10 năm. "Trong trường hợp này, mọi điều đều phụ thuộc vào trình độ của phi công và tính đúng đắn của quyết định được đưa ra", ông Gorbenko giải thích.
"Các phi công là những người hết sức tỉ mỉ, họ mạo hiểm mạng sống của mình trong những chuyến bay và hiểu được giá trị mạng sống của họ cũng như của những người khác", tướng Gorbenko nói, đồng thời ông cho biết rất khó để giải thích kỹ lưỡng về lý do và từ khi nào các phi công Nga và Liên Xô cố gắng cứu chiến cơ bị nạn bằng mọi cách.
Một trong những trường hợp tương tự diễn ra vào những năm 1960, khi phi hành đoàn trên tiêm kích Yak-38 trong khi bay qua thành phố bỗng gặp sự cố - động cơ của chiếc tiêm kích này dừng hoạt động. Các phi công không bật dù và tìm mọi cách để đưa chiếc tiêm kích gặp nạn ra khỏi thành phố, sau đó thiệt mạng và được truy tặng danh hiệu anh hùng.
"Do đó, trình tự đưa ra các quyết định như sau: đầu tiên phi công sẽ cố gắng cứu chiến cơ, sau đó, nếu chiến cơ không thể cứu được, nó cần phải được đưa ra khỏi khu vực dân cư, sau đó mới bật dù. Có thể -nói các phi công nghĩ cho bản thân mình cuối cùng", tướng Gorbenko nói.
Tướng Gorbenko cho rằng nhiều khả năng các phi công trên chiếc Su-30SM xấu số có thể không bật dù bởi lẽ họ cố gắng đưa chiếc tiêm kích này ra xa khu vực dân cư – truyền thông cho biết khu vực chiếc Su-30SM bị rơi nằm gần 1 ngôi làng bên bờ biển.
Tuy nhiên, ông Gorbenko cho biết đây chỉ là giả thuyết và khẳng định nguyên nhân chính thức sẽ sớm được công bố.